Những cái bẫy bằng tên lửa của Nga
Trong một phân tích mới đây trên chuyên trang quân sự The National Interest, một số chuyên gia quân sự Mỹ nhận định, tên lửa chống hạm trên các tàu chiến mặt nước kết hợp với tổ hợp tên lửa bờ từ đất liền sẽ giúp người Nga dễ dàng đối phó với các nhóm tác chiến tàu sân bay của bất kỳ quốc gia nào, tạo ra mối đe dọa chưa từng có cho Hải quân Mỹ.
Bài phân tích trên còn nêu đích danh vũ khí mà Nga sẽ sử dụng để vô hiệu hóa các nhóm tàu sân bay Mỹ gồm: tên lửa hành trình chống hạm siêu âm P-800 Onyx và tổ hợp tên lửa bờ K-300P Bastion-P.
Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, với tên lửa chống hạm siêu thanh như P-800, người Nga hoàn toàn có khả năng tiêu diệt được các tàu chiến của Mỹ ở khoảng cách tối đa lên tới 300km, đây thực sự là mối đe dọa nghiêm trọng.
Cũng theo các chuyên gia này, Hải quân Nga sẽ không trực tiếp sử dụng hệ thống radar trên các tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P để "săn" tàu chiến Mỹ mà thay vào đó nó sẽ nhận dữ liệu về mục tiêu từ các tàu hộ vệ mang tên lửa có khả năng hoạt động xa bờ như Đề án 22160, một trong số ít lớp tàu chiến có thiết kế tàng hình hiện đại nhất của Nga hiện nay.
Tổ hợp Bastion-P của Hải quân Nga trong một cuộc bắn thử tên lửa P-800 trong năm 2019. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Cụ thể, các tổ hợp Bastion-P sẽ được bí mật triển khai ở các trận địa gần khu vực mục tiêu hoạt động, đồng thời tắt hệ thống radar để tránh bị đối phương phát hiện. Khi có được các dữ liệu về mục tiêu từ các tàu hộ vệ 22160, thì cũng là lúc các tổ hợp tên lửa bờ từ đất liền "giội mưa tên lửa" vào đội hình tàu sân bay của đối phương.
Tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P được Hải quân Nga phát triển như các "pháo đài" bảo vệ vùng bờ biển của nước Nga trước các mối đe dọa từ bên ngoài, tổ hợp này còn được thiết kế để có thể hoạt động trong môi trường bị áp chế hỏa lực lẫn điện tử. Hiện Nga đang có trong tay ít nhất 40 tổ hợp Bastion-P, bảo vệ các vùng biển quan trọng như Crimea, Kamchatka và Kaliningrad.
Có một điều đặc biệt lả đạn tên lửa P-800 Oniks được sử dụng trên các tổ hợp Bastion-P cũng có thể được triển khai trên các tàu chiến của Hải quân Nga từ tàu mặt nước cho tới tàu ngầm. Điển hình như các tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Kilo Đề án 885.
Như vậy, Hải quân Nga có thể đồng thời thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào nhóm tàu chiến của đối phương từ bất cứ đâu, và kẻ thù gần như không có cơ hội chống đỡ.
Nga nâng cấp P-800, gia tăng sức ép lên Hải quân Mỹ
Theo như nhà sản xuất, tên lửa P-800 hoặc Yakhont (biến thể xuất khẩu) có tầm bắn tối đa lên đến 300km, được trang bị một đầu đạn nổ cực mạnh nặng 250kg và có vận tốc tối đa khi bay đến mục tiêu lên đến Mach 2.5 (hơn 3.000km/h). Với tính năng kỹ chiến thuật như trên, P-800 gần như không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng thủ thông thường.
Hiện tại, Hải quân Nga cũng tỏ ý định nâng cấp P-800 nhằm nâng cao sức chiến đấu của dòng tên lửa hành trình chống hạm siêu âm này.
Cận cảnh tên lửa hành trình chống hạm siêu âm P-800 của Hải quân Nga. Ảnh: Military-Today.com.
Trả lời phỏng vấn TASS gần đây, một đại diện của công nghiệp quốc phòng Nga tiết lộ, nhiều khả năng tên lửa P-800 sẽ được mở rộng tầm tác chiến thay vì giới hạn trong phạm vị 300km như hiện tại.
Cũng theo nguồn tin này, tầm bắn của P-800 nhiều khả năng sẽ được nâng lên hơn 800km ở biến thể P-800M, đồng thời đầu dẫn của tên lửa cũng sẽ được cải tiến nhằm tăng khả năng tấn công chính xác. Một cải tiến quan trọng khác trên P-800M cũng được nhắc đến là khả năng phòng vệ của tên lửa trước biện pháp áp chế điện tử của kẻ thù.
Quá trình thử nghiệm P-800M nhiều khả năng đã được Hải quân Nga thực hiện trong tháng 9/2019, các tên lửa thử nghiệm được phóng đi từ các tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Tên lửa P-800 sau nâng cấp có kích thước không đổi và phù hợp với các bệ phóng di động hiện có của Bastion-P.
Với biến thể P-800 nâng cấp, tổ hợp tên lửa bờ Bastion-P của Hải quân Nga sẽ trở thành kẻ thù đáng sợ nhất mà các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ từng phải đối mặt. Đối với Hải quân Mỹ mà nói, đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa siêu âm là nhiệm vụ không hề dễ dàng, nhất là khi họ chưa có trong tay các hệ thống phòng thủ có thể ngăn chặn các cuộc tấn công như vậy.
Nga hạ thủy siêu tàu ngầm hạt nhân mới lớp Yasen-M.