S-400 là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa gây tranh cãi nhất hiện nay trên thế giới. Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế với những quốc gia mua hệ thống này nhưng nhiều cường quốc quân sự vẫn rất yêu thích nó. Ấn Độ đã ký thỏa thuận mua bán với Nga vào tháng 9/2018 còn Trung Quốc là tháng 4/2018.
Điều gì thực sự đã khiến S-400 trở thành "món hàng nóng" đến như vậy? Nó có gì khác so với hệ thống S-300 trước đó?
S-300 được Nga cải tiến từ kinh nghiệm phòng không ở Việt Nam
S-300 được Nga bắt đầu phát triển từ những năm 1960 như một hệ thống thay thế cho các tổ hợp tên lửa đất đối không tiền nhiệm. Loại tên lửa chính mà S-300 thay thế là S-75 (SA-2) vốn nổi tiếng với các chiến tích đánh trả máy bay do thám U-2 của Mỹ và đã được triển khai ở Cuba và Việt Nam.
Hệ thống này được kiểm nghiệm vào những năm 1970 và được đưa vào sử dụng năm 1978.
Cải tiến cơ bản của S-300 so với các hệ thống tiền nhiệm là khả năng đa kênh, tức sử dụng nhiều hệ thống dẫn đường tên lửa tấn công các mục tiêu khác nhau cùng một lúc.
Hệ thống S-25 trước đó cũng là hệ thống đa kênh nhưng quá nặng nề và chỉ được triển khai ở các trạm cố định. SAM-D của Mỹ (mà sau này là MIM-104 Patriot) là hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) đầu tiên ứng dụng công nghệ đa kênh được đưa vào biên chế 3 năm sau đó - năm 1981.
Khách hàng chính của S-300 là các lực lượng phòng không Liên Xô (PVO) khi sử dụng những phiên bản đầu tiên - S-300PT. Tất cả các tên lửa "P" đều dùng cho Phòng không Liên Xô.
S-300PT trang bị một xe mang phóng tự hành (TEL) và radar kéo đặt trên xe tải cùng một hệ thống điều khiển hỏa lực. Cấu hình này khá tốt cho các nhiệm vụ cố định của PVO nhưng không phải là một giải pháp lý tưởng.
Quân đội Liên Xô nghiên cứu cách thức sử dụng SAM ở Việt Nam và Trung Đông rồi sau đó xác định rằng khả năng tái triển khai nhanh là một yêu cầu mấu chốt để tối ưu hóa hiệu quả chiến đấu của các hệ thống SAM.
Do sử dụng xe mang phóng và radar kéo nên S-300PT phải mất tới hơn 1 giờ để triển khai và đưa vào hoạt động. Đây được xem là một lĩnh vực cần phải được cải tiến. Phiên bản S-300PT ban đầu sử dụng tên lửa 5V55 với tầm tấn công khoảng 75 km.
Do đó, S-300 đã được cải tiến theo cấu hình gắn với danh tiếng của nó: Lắp trên xe tải hạng nặng MAZ-7910 (dù nhiều biến thể được bố trí trên các mẫu xe mới hơn). TEL, radar và hệ thống điều khiển hỏa lực, tất cả đều được lắp trên các xe chuyên chở dạng này.
Hệ thống S-300PT 5P85-1 TEL
Hệ thống hoàn thiện - S-300PS được Liên Xô đưa vào biên chế năm 1982. Phiên bản xuất khẩu có hiệu chỉnh là S-300PMU. Biến thể PS trang bị tên lửa 5V55R có tầm bắn khoảng 90 km.
Trong khi cả hai mẫu S-300P đều đang trong giai đoạn phát triển thì S-300F dùng cho Hải quân và S-300V dùng cho Lục quân cũng được nghiên cứu chế tạo. S-300V được thiết kế chuyên dụng cho nhiệm vụ chống tên lửa đạn đạo chiến thuật như Lance và Pershing cùng với các mối đe dọa trên không khác.
Một đặc điểm nổi bật của hệ thống S-300V là nó có hai biến thể TEL, một TEL trang bị 4 tên lửa tầm ngắn hơn 9M83 (75 km) và một TEL trang bị 2 tên lửa tầm xa hơn 9M82 (100 km).
Khác với S-300PS, TEL, radar và trạm chỉ huy của S-300V được lắp đặt trên khung gầm xe bánh xích (giống như pháo 2S7) để tối ưu hóa khả năng cơ động. S-300V được Liên Xô đưa vào biên chế năm 1985.
Sau này, nhiều cải tiến cũng đã được Liên Xô ứng dụng cho cả hai phiên bản V và P của tổ hợp S-300. Dòng S-300PM ra đời xuất phát từ nhu cầu tích hợp chức năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của biến thể V vào biến thể P. Phiên bản xuất khẩu của S-300PM được gọi là S-300PMU. Qua thời gian, nhưng cải tiến chức năng tiếp theo của S-300 đã dẫn tới sự ra đời của S-400.
Xe chỉ huy 54K6E
S-400: Một bước phát triển nhảy vọt
Thực tế, các phiên bản đầu tiên của S-400 được gọi là S-300PMU-3, có nghĩa là lần hiện đại hóa thứ 3 của hệ thống di động S-300 dùng cho các nhiệm vụ phòng không. Khi hệ thống lần đầu tiên được giới thiệu tại MAKS 2007, gần như toàn bộ các mẫu đều giống với S-300PMU-2.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Charlie Gao của Tạp chí National Interest, những cải tiến sâu rộng về công nghệ tên lửa và radar khiến S-400 trở thành một hệ thống uy lực có thể tấn công gần như tất cả mọi mục tiêu trên không. Tổ hợp này thực sự "không phải trò đùa" và chẳng có lực lượng phòng không nào muốn thách thức nó.
Một đặc điểm chủ chốt nữa của S-400 chính là khả năng sử dụng 4 loại tên lửa khác nhau với trọng lượng và tính năng khác nhau cho phép hệ thống hình thành một mạng lưới phòng không nhiều tầng lớp. Điều này giúp S-400 trở nên linh hoạt hơn và nó cũng có thể sử dụng cả các tên lửa dành cho các phiên bản S-300 trước đó.
Các tên lửa mới trang bị cho S-400 được dự đoán có tầm tấn công xa hơn nhiều, lên tới 240 km với các mục tiêu bay. Đó là một sự nâng cấp khá lớn so với S-300PMU-1 tầm bắn 150 km và S-300PMU-2 tầm bắn 200 km. Những tên lửa mới hơn như 40N6 có thể giúp S-400 đạt tầm tấn công 400 km.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga tham gia duyệt binh tại Quảng trưởng Đỏ
Điều này có ý nghĩa như thế nào với S-400? Ưu điểm trọng tâm của nó vẫn là khả năng cơ động dành cho các lực lượng phòng không.
Trong khi S-400 ghi nhận một bước nhảy vọt về khả năng (đặc biệt là so sánh với các hệ thống S-300PT/PS đời đầu) và độ linh hoạt lớn hơn nhiều so với các biến thể S-300 trước đó thì việc phát triển S-300 thành một hệ thống linh hoạt hơn, có khả năng tốt hơn cũng được Nga cải tiến với nhiều biến thế của S-300PMU.
Quân đội Nga tiếp tục phát triển S-300V thành S-300V4 và S-300VM (Antey 2500 dùng cho xuất khẩu), tích hợp nhiều công nghệ tên lửa và radar hiện đại hơn giúp gia tăng tầm bắn (200 km) cho các hệ thống S-300PMU về sau.
Mặc dù các khả năng của S-400 được đánh giá là một bước nhảy vọt lớn nhưng tốc độ phát triển vẫn còn chậm so với các tên lửa S-300 trước đó.
Nhiều tính năng tiên tiến như đánh chặn tên lửa đạn đạo, sử dụng nhiều loại tên lửa khác nhau hay tấn công đa kênh đã trang bị cho hệ thống này trong thời gian dài và S-400 cũng mới chỉ phát triển dựa trên các thế mạnh của S-300 giúp nó trở thành tổ hợp có tính sát thương cao hơn.
Hệ thống tên lửa S-400 khai hỏa