Ngày 23/1/2019, truyền thông nhà nước Trung Quốc lần đầu tiên đăng tải một đoạn video được biên tập một cách hết sức khéo léo giới thiệu về vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong 26 (Dong Feng 26 - DF-26).
Tiếp đó, trong ngày hôm qua (28/1), thêm một loạt bài báo nữa lại được truyền thông Trung Quốc tung ra ủng hộ cho các tuyên bố trong đoạn video tuần trước rằng, DF-26 có thể tấn công tiêu diệt tàu sân bay và vẫn được gọi với biệt danh "Sát thủ Guam".
Tuy nhiên, theo CNN, sự vào cuộc rầm rộ này của truyền thông Trung Quốc dường như là một phần của chiến dịch tuyên truyền có chủ đích nhằm gây ấn tượng với khán giả trong nước đồng thời khẳng định sức mạnh quân sự của Bắc Kinh trên trường quốc tế.
Nhiều chuyên gia được CNN trích dẫn ý kiến cho rằng, việc phát hành đoạn video ghi lại cảnh các tên lửa DF-26 phóng đi từ một vị trí không được công bố, trên thực tế chẳng tiết lộ được điều gì đáng kể.
"Video không cho thấy tên lửa đã bắn trúng một mục tiêu đang di chuyển trên biển", chuyên gia quân sự Carl Schuster phát biểu trên CNN. "Tất cả những gì khán giả có thể nhìn thấy chỉ là một vụ phóng tên lửa đạn đạo tiêu chuẩn mà không có dấu hiệu nào cho thấy mục tiêu giả định đang di chuyển hay đứng yên."
Hình ảnh tên lửa DF-26 xuất hiện trên một chương trình của kênh truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Ảnh: CCTV
Từ lâu, Trung Quốc đã tuyên bố "Sát thủ Guam" - ám chỉ nó sẽ bộc lộ một mối đe dọa to lớn với các căn cứ quân sự chủ chốt của Mỹ bố trí trên hòn đảo Thái Bình dương này, có thể tấn công cả các tàu chiến ngoài đại dương.
Các nhà phân tích Mỹ cho rằng DF-26 có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lên đến 3.400 dặm (5.471 km) bằng đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường.
Tuy nhiên, theo Schuster, cựu Giám đốc Chiến dịch thuộc Trung tâm Tình báo Liên hợp, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ thì việc bắn trúng một mục tiêu đang di chuyển trên biển cần phải thuần thục các quy trình và chiến thuật mà Trung Quốc chưa hề có.
Một bài viết thứ hai đăng tải trên tờ Global Times ngày 28/1 cho biết, DF-26 được trang bị bốn cánh vây gần mũi tên lửa. Thiết kế này cho phép DF-26 có thể thay đổi hướng trong quá trình bay để tấn một tàu chiến đang di chuyển.
"Thiết kế đặc biệt này cho phép tên lửa bám chính xác quỹ đạo tấn công, bởi 4 mặt điều khiển sẽ giúp nó đạt khả năng siêu cơ động và dẫn hướng đầu đạn ở giai đoạn cuối tấn công một tàu sân bay di chuyển chậm", Global Times dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho biết.
DF-26 xuất hiện trong cuộc duyệt binh ngày 3/9/2015 tại Bắc Kinh. Ảnh: CNN
Bài viết của Global Times cũng trích dẫn bình luận một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên khác nói rằng, đầu đạn tên lửa đã được kết nối điện tử với một hệ thống định vị mục tiêu.
"Một mạng lưới thông tin kết nối với đầu đạn, có thể là các vệ tinh, radar mặt đất và radar hải quân, kết hợp với chính radar của tên lửa, sẽ liên tục cập nhật vị trí mục tiêu đang di chuyển, điều khiển hướng bay và dẫn đường cho tên lửa".
Mặc dù vậy, chuyên gia Andrew Tate - nhà phân tích của Tạp chí quân sự Jane's Defense Weekly cho rằng, các khả năng chống hạm của DF-26 sẽ cần phải được thử nghiệm nhiều hơn nữa thì mới đưa ra được bằng chứng thuyết phục.
"Bài viết trên Global Times đề cập tới radar của tên lửa, thiết bị có thể phải cần tới cho giai đoạn cuối nhưng bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc cập nhật vị trí mục tiêu cũng có thể dẫn đến bắn trượt. Việc đảm bảo cho chức năng này hoạt động như thiết kế sẽ phải cần tới rất nhiều các cuộc thử nghiệm", Tate nhận xét sau khi xem lại đoạn video.
Còn chuyên gia Schuster lại bình luận: "Video được biên tập hết sức đẹp mắt với âm nhạc và hiệu ứng ấn tượng nhưng nó không cho thấy tên lửa đã bắn trúng mục tiêu dưới bất kỳ hình thức nào."
Trung Quốc lần đầu công bố video phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26