Ý tưởng về cơ sở hạ tầng trên Mặt Trăng của Trung Quốc. (Ảnh NI)
Trong một bài phân tích mới đây đăng trên tạp chí National Interest, chuyên gia Roy Mathews của Mỹ cho rằng, ước vọng xây dựng cơ sở hạ tầng trên Mặt Trăng của Trung Quốc là "viển vông" và sẽ còn rất lâu sau - tương đương với "nhiều năm ánh sáng" thì tham vọng đó mới có thể trở thành hiện thực.
Đánh giá được đưa ra khi ông Yang Mengfei thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC), nhà thầu vũ trụ chính của nước này, hồi đầu tháng 3 đã đề xuất rằng Trung Quốc nên nắm bắt cơ hội xây dựng cơ sở hạ tầng mặt trăng bằng khả năng mà các nước đã sở hữu.
Theo một tuyên bố của CASC, Yang cho biết: "Bây giờ là thời điểm quan trọng để cơ sở hạ tầng không gian mở rộng sang hệ thống Trái Đất - Mặt Trăng."
"Hiện tại, Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản đã đề xuất các kế hoạch liên quan cho cơ sở hạ tầng không gian Trái Đất - Mặt Trăng, nhưng họ vẫn chưa bước vào giai đoạn xây dựng. Đối với Trung Quốc, giờ đây là cơ hội quan trọng để nắm bắt cơ hội và dẫn đầu thị trường công nghiệp vũ trụ Trái Đất - Mặt Trăng. Nó sẽ có tác động to lớn và ý nghĩa sâu rộng" - ông Yang nói.
Trung Quốc đã hợp tác với Nga để xây dựng một trạm nghiên cứu quốc tế trên Mặt Trăng và đặt mục tiêu đưa phi hành gia lên bề mặt mặt trăng trước năm 2030.
Năm ngoái, một viện nghiên cứu vũ trụ ở Bắc Kinh đã thử nghiệm động cơ tên lửa mới để thực hiện tham vọng Mặt Trăng này. Tên lửa mới được đánh giá là có sức mạnh gấp đôi động cơ tương tự của Mỹ.
Theo đánh giá của chuyên gia Mỹ Roy Mathews, một thành viên xuất sắc của nhóm hoạt động Young Voices, một cựu nghiên cứu sinh Đại học Fulbright của Mỹ, thì các quan chức Mỹ không cần quá lo lắng về tuyên bố này của Trung Quốc.
Chắc chắn không thể bỏ qua những tiến bộ của Trung Quốc trong việc khám phá không gian trong thế kỷ 21. Tàu thám hiểm Mặt Trăng Chang'e 4 của Trung Quốc đã trở thành tàu thăm dò không gian đầu tiên hạ cánh ở phía xa của Mặt Trăng vào năm 2013.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành chụp ảnh bề mặt Trái đất với độ phân giải cao và xây dựng Hệ thống Vệ tinh Định vị BeiDou (BDS), cung cấp cho nước này dữ liệu cho mục đích kinh tế và an ninh.
Dự án Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng (LRS) của Trung Quốc hợp tác với Nga có thể coi là đối trọng với Chương trình Artemis của Mỹ, nhằm tìm cách đưa các phi hành gia Mỹ trở lại Mặt Trăng.
Tuy nhiên, ông Mathews cho rằng, công nghệ vũ trụ của Trung Quốc vẫn còn kém Mỹ "vài năm ánh sáng" về khả năng tái sử dụng và hiệu quả chi phí.
Tên lửa chính của Trung Quốc được sử dụng cho các trọng tải lớn, Long March 9 , đang phải được thiết kế lại và có thể trì hoãn việc sử dụng trong một thập kỷ hoặc hơn. Điều đó tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến các sứ mệnh không gian của nước này trong thời gian dài hơn. Và thời điểm đó, Trung Quốc sẽ mãi là người đến sau.
Trong khi đó, nước này có thể tự tin đang thúc đẩy hợp tác không gian với Nga và hoàn toàn có thể cùng nhau đạt được tham vọng. Nhưng thực tế là cuộc chiến ở Ukraine đã khiến các chương trình không gian của Nga phải đối mặt với sự cắt giảm ngân sách, khiến cho bất kỳ sự hỗ trợ tiềm năng nào từ Nga cho chương trình không gian của Trung Quốc cũng không đáng kể.
Ông Mathews cho biết, những khoản cắt giảm này là 557 triệu USD, với nguồn tài trợ cho nghiên cứu khoa học và phát triển bị cắt hoàn toàn.
Điều này diễn ra ngay sau khi Nga tuyên bố sẽ rời Trạm Vũ trụ Quốc tế vào năm 2024, do đó hy sinh nguồn doanh thu chính và từ bỏ lượng đòn bẩy khổng lồ mà nước này sở hữu đối với Mỹ và các chương trình không gian khác của phương Tây.
Nga trước đây đã sử dụng sân bay vũ trụ Baikonur để phóng vệ tinh của các quốc gia khác và tải trọng vào không gian để đổi lấy các khoản thanh toán của Mỹ và một số quốc gia phương Tây nhưng đã từ chối làm như vậy khi đang trong cuộc chiến ở Ukraine, khiến Chính phủ Nga mất thêm nhiều triệu USD doanh thu.
Vị này kết luận rằng, quyết định của Trung Quốc hợp tác với một đồng minh bị cô lập về mặt ngoại giao, hiện không có bất kỳ công nghệ vũ trụ tiên tiến hay đầu tư tài chính nào vào du hành vũ trụ chỉ có thể cản trở tham vọng của chính Trung Quốc. Những đóng góp của Nga cho tham vọng xây dựng căn cứ trên mặt trăng của Trung Quốc sẽ ở mức tối thiểu.
Chuyên gia Mỹ cho rằng, quan hệ đối tác trong không gian của Trung Quốc và Nga chỉ là một đối trọng trên lý thuyết chứ không thể tương xứng với dự án Artemis của Mỹ.