Đánh giá về sự kiện quân sự - quốc phòng nổi bật nhất của Việt Nam trong năm 2017, ông Carl Thayer - Giáo sư danh dự trường Đại học New South Wales, cho rằng đó là sự kiện Việt Nam tiếp nhận tàu ngầm Kilo thứ 6 và cặp tàu Gepard thứ hai từ Nga (chiếc Gepard thứ 4 đang trên đường về Việt Nam).
Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, GS. Thayer nhận định:
“Việt Nam hiện giờ đã có khả năng phòng vệ ở cả 4 không gian tác chiến – trên bộ, trên không và trên – dưới mặt nước.
Các tàu ngầm Kilo cải tiến sẽ rất khó bị phát hiện và có thể đóng vai trò như một lực lượng răn đe của Việt Nam.
Trong khi đó, cặp tàu Gepard mới, nhờ được tăng cường khả năng chống ngầm, sẽ có thể đối phó hiệu quả với mối đe dọa từ tàu ngầm.
Việc đưa vào trang bị 2 loại tàu này trực tiếp góp phần đưa Hải quân Việt Nam chuyển mình thành lực lượng hải quân hiện đại.
Các tàu ngầm Kilo của Việt Nam có thể luyện tập với đội tàu Gepard để cả 2 cùng tích lũy kinh nghiệm tác chiến quý báu”.
Có cùng quan điểm trên là Giáo sư - Tiến sĩ James R. Holmes, chuyên gia về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hàng hải Mỹ (USNW) và chuyên gia Zachary Keck đến từ Trung tâm giáo dục chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPEC, trụ sở tại Washington D.C).
Hai vị chuyên gia đều nhận định, các tàu chiến mới sẽ giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền.
"Các tàu chiến mới sẽ giúp Việt Nam bảo vệ quyền và lợi của mình trong vùng đặc quyền kinh tế. Ở vai trò này, tàu ngầm Kilo đặc biệt quan trọng” - Giáo sư Holmes cho hay.
Còn theo chuyên gia Keck, "những chiếc tàu ngầm giống như Kilo sẽ đóng vai trò trung tâm, quyết định sự thành công của chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD)".
Trong khi đó, mặc dù đánh giá đây chưa phải là sự kiện quốc phòng nổi bật nhất trong năm 2017 của Việt Nam nhưng ông Anton Tsvetov, chuyên gia về An ninh và Chính sách đối ngoại tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược (Moscow) cũng đồng tình rằng:
Việc tiếp nhận thêm các tàu chiến hiện đại từ Nga, đặc biệt là tàu ngầm Kilo, đã đánh dấu một trong những bước tiến quan trọng nhất của Việt Nam trên con đường hiện đại hóa quân đội, đồng thời cũng là một cột mốc lớn trong quan hệ đối tác Nga-Việt.
"Bên cạnh đó, thỏa thuận tàu ngầm Kilo còn hướng Việt Nam mở rộng hợp tác quân sự với Ấn Độ (New Delhi giúp Việt Nam huấn luyện thủy thủ tàu ngầm - PV) và mở đường cho hợp tác an ninh ở cấp độ cao hơn giữa hai phía", ông Tsvetov nhận định, "Khi các tàu ngầm này đã sẵn sàng hoạt động và được triển khai, Việt Nam sẽ có thêm một chiến lược mới để triển khai các hoạt động trong khu vực".
Khác với 3 chuyên gia trên, ông Tsvetov lựa chọn sự kiện mang tính bước ngoặt nhất đối với quốc phòng Việt Nam trong năm 2017 là việc Mỹ bàn giao tàu tuần duyên Hamilton và 6 xuồng tuần tra Metal Shark 45-foot (tương đương 14 mét) cho Cảnh sát biển Việt Nam:
“Đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam muốn đa dạng hóa hơn nữa chính sách đối ngoại, cũng như mối quan hệ Việt-Mỹ đang được tăng cường”.
Trước các hoạt động tăng cường hợp tác quốc tế và những đổi mới trong chương trình mua sắm trang bị của Việt Nam năm 2017, chuyên gia Anton Tsvetov dự đoán rằng sẽ có 2 xu hướng quan trọng trong chính sách quốc phòng và an ninh của Việt Nam năm 2018.
Vùng cảnh sát biển 3 tiếp nhận tàu cảnh sát biển 8020 (Khi về Việt Nam, tàu Hamilton được đặt tên là tàu cảnh sát biển 8020)
Đầu tiên, Việt Nam sẽ tiếp tục đa dạng hóa các mối quan hệ quân sự và nguồn nhập khẩu vũ khí để giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp có yếu tố địa chính trị can thiệp vào tiến trình mua sắm vũ khí hoặc khiến một trong những nguồn cung cấp cho Việt Nam bị gián đoạn.
Nga sẽ vẫn là đối tác quan trọng của Việt Nam nhưng thị phần của các nhà cung cấp Mỹ, Israel, Ấn Độ và các quốc gia châu Âu tại Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng.
Thứ hai, chiến lược như trên sẽ có tác động ngược trở lại, khiến Việt Nam trở nên tự chủ hơn trong chính sách an ninh.
Cùng quan điểm này, chuyên gia Zachary Keck dự đoán, năm 2018, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự với các nước trong khối ASEAN, Mỹ, và có thể cả Nhật Bản, Ấn Độ.
Ngoài ra, vị chuyên gia kỳ vọng Mỹ sẽ cung cấp thêm nhiều vũ khí tiên tiến cho Việt Nam:
“Tổng thống Donald Trump đã cam kết sẽ tăng doanh số bán vũ khí của Mỹ, vì thế, tôi cho rằng ông ấy sẽ sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam nhiều hệ thống vũ khí hiện đại hơn so với thời cựu Tổng thống Obama và những đời Tổng thống Mỹ trước đó”.
Cũng đề cập tới tác động của những thay đổi trong năm 2017 đối với quân đội và quốc phòng Việt Nam trong năm 2018 nhưng Giáo sư Holmes và Giáo sư Thayer muốn tập trung nói về những vấn đề mà quân đội Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để có phương án phù hợp.
Tàu ngầm 187 Bà Rịa - Vũng Tàu cập quân cảng Lữ đoàn 189
Theo hai vị chuyên gia, các hợp đồng mua sắm tàu ngầm, tàu hộ vệ tên lửa và xe tăng mới sẽ đặt ra cho quân đội Việt Nam một số yêu cầu về công tác bảo dưỡng, sửa chữa, cũng như ngân sách.
“Thách thức hiện tại đối với Hải quân Việt Nam là học cách vận hành tàu ngầm Kilo một cách hiệu quả và đảm bảo chúng luôn sẵn sàng tác chiến khi cần. Nói cách khác, những con tàu này cần được bảo dưỡng và bảo trì thường xuyên để luôn ở trong tình trạng hoạt động tốt nhất” - ông Holmes nói.
Còn GS. Thayer thì lưu ý rằng chi phí bảo dưỡng tàu ngầm Kilo nói riêng là khá cao, còn nhìn chung, chương trình hiện đại hóa quân đội của Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào mức tăng trưởng GDP để đáp ứng chi phí vận hành, bảo trì các hệ thống hiện tại và mua sắm khí tài mới.
Một thách thức khác dành cho quân đội Việt Nam, theo ông Thayer, là phối hợp khí tài mới với các hệ thống hiện có, không chỉ trong khuôn khổ lực lượng được tiếp nhận trang bị như lục quân (với xe tăng T-90), hải quân (với tàu Kilo, Gepard) mà còn phải kết hợp được
với hệ thống hiện có của các lực lượng khác như phòng không, không quân.
“Điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua các cuộc diễn tập hiệp đồng giữa các quân binh chủng của quân đội Việt Nam và các cuộc diễn tập chung với lực lượng quân sự nước ngoài.
Việt Nam cũng cần phát triển một chiến lược phòng thủ có thể thúc đẩy các hoạt động liên binh chủng thông qua việc phối hợp nhiều hệ thống vũ khí, phương tiên chiến đấu và công nghệ khác nhau” - vị giáo sư nhận định.
THEO 3 CHUYÊN GIA, CÁC SỰ KIỆN QUỐC PHÒNG ĐÁNG CHÚ Ý KHÁC CỦA VIỆT NAM TRONG NĂM 2017 BAO GỒM:
Đưa tàu Gepard tham gia các hoạt động quốc tế: Triển lãm Hàng hải và Hàng không quốc tế LIMA 2017 tại Malaysia, Diễn tập đa phương Hải quân ASEAN (AMNEX) và Duyệt binh tàu quốc tế IRF 2017 tại Thái Lan
Bảo vệ an toàn Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017
GS Thayer: Hải quân Việt Nam chưa có kinh nghiệm hoạt động viễn dương và hợp tác thực tiễn với các lực lượng hải quân khác.
Việc đưa chiến hạm hiện đại Gepard tới tham gia các hoạt động quốc tế tại Malaysia và Thái Lan cho thấy Việt Nam đang mở rộng chính sách ngoại giao hải quân với các thành viên khác trong khối ASEAN. Trong những năm trước, tàu Gepard Việt Nam đã có chuyến thăm tới Indonesia, Brunei và Philippines.
Đây có thể xem là những bước đi ban đầu để Hải quân Việt Nam tích lũy kinh nghiệm tác chiến viễn dương và hợp tác với các lực lượng hải quân khác trong khu vực, tạo cơ hội tham gia nhiều cuộc diễn tập chung trong tương lai.
Tàu 012-Lý Thái Tổ tham gia Duyệt binh tàu quốc tế 2017
GS - TS Holmes: Việt Nam đã đạt được mục tiêu quan trọng về ngoại giao và hoạt động, bởi các sự kiện mang tính hợp tác như vậy sẽ mang lại cho các lực lượng hải quân và cảnh sát biển trong khu vực cơ hội cọ xát, học cách phối hợp với nhau trong cả thời bình và thời chiến.
Napoleon từng có câu nói nổi tiếng rằng: Hãy để các chiến binh cùng nhau ăn súp một thời gian dài, nếu muốn họ cùng nhau chiến đấu hiệu quả.
Điều này đúng với tất cả các lực lượng quân sự, bao gồm cả hải quân. Việt Nam càng tích cực hợp tác với các đối tác trong thời bình thì lực lượng quân đội của Việt Nam sẽ càng tác chiến hiệu quả hơn trong thời chiến.
Cũng với tinh thần tăng cường hợp tác như trên, tôi đánh giá cao việc lực lượng vũ trang Việt Nam tham gia bảo vệ an toàn cho Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017.
Diễn tập đa phương Hải quân ASEAN lần thứ nhất - AMNEX 1
Chuyên gia Zachary Keck: Để bảo vệ chủ quyền, các quốc gia Đông Nam Á cần tích cực hợp tác, không chỉ với các nước trong khối ASEAN, mà còn với các nước lớn bên ngoài như Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản.
Đối với các quốc gia giáp biển trong khối ASEAN, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng là điều đặc biệt quan trọng, bao gồm cả việc tiến hành thường xuyên các cuộc diễn tập chung.
Công bố hợp đồng và chuẩn bị tiếp nhận xe tăng T-90S/SK
GS Thayer: Kể từ năm 2006, Việt Nam đã ưu tiên hiện đại hóa hải quân và lực lượng phòng không - không quân.
Tới năm 2015, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, tuyên bố trong 5 năm tới, lực lượng lục quân sẽ trở thành trọng tâm của chương trình hiện đại hóa.
Hợp đồng mua sắm các xe tăng hiện đại T-90S/SK là bước tiến đáng kể đầu tiên cho thấy Việt Nam đang thực hiện đúng cam kết hiện đại hóa lục quân.
Xe tăng T-90 của Nga
Nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên tham gia phái bộ Gìn Gữ Hòa bình Liên Hiệp Quốc và Bệnh viện dã chiến cấp 2 đã sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ
Học giả Anton Tsvetov: Việc nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên tham gia phái bộ Gìn Giữ Hòa Bình Liên Hiệp Quốc là một bước phát triển quan trọng, xét trên 2 phương diện.
Đầu tiên, nó cho thấy một bước tiến khác của Việt Nam hướng tới mục tiêu hội nhập đa phương toàn cầu. Thứ hai, sự bình đẳng giới nói riêng, sự phát triển bình đẳng nói chung đang trở thành một xu hướng của thế giới, và các quốc gia châu Á không phải lúc nào cũng đi đầu trong việc này.
Chân dung nữ sĩ quan đầu tiên của VN tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ
GS Thayer: Quyết định cử nữ sĩ quan đầu tiên tham gia phái bộ Gìn Giữ Hòa Bình sẽ tăng cường khả năng tương tác của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, việc triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Nam Sudan là một quyết định rất có ý nghĩa của Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác với các lực lượng quân sự nước ngoài trong các hoạt động thiết thực và mang tính xây dựng do Liên Hiệp Quốc tổ chức.
Nội dung: Hải Vy
Thiết kế: Đỗ Linh, Văn Mạnh
Nguồn ảnh: QPVN. VOV, QĐND
Trí Thức Trẻ
03/01/2018