Máy bay mới nhưng vẫn dùng động cơ cũ
Không giống như các dòng chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor và F-35 Lightning II của Mỹ, tiêm kích tàng hình Su-57 chưa trang bị động cơ mới dành riêng cho nó, mà vẫn dùng động cơ phản lực AL-41F1. Động cơ này thực chất là phiên bản cải tiến của động cơ Saturn AL-31 trên tiêm kích Su-27, nên về thiết kế cốt lõi không có nhiều thay đổi.
Động cơ AL-31 được đưa vào sử dụng từ năm 1982, thậm chí còn sớm hơn dự án Su-57. Ban đầu nó được phát triển giành cho đề án tiêm kích MiG 1.44 nhưng chương trình này bị sớm bị "khai tử" do thiếu kinh phí.
Khi Không quân Nga bắt đầu phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 PAK FA, ngân sách dành cho đề án này cũng khá eo hẹp khiến hãng Sukhoi không thể chế tạo một mẫu động cơ mới cho Su-57. Do đó, người Nga đã quyết định tận dụng AL-41F1 trên các nguyên mẫu Su-57 đời đầu.
Về hiệu suất, động cơ AL-41F1 không tồi, với trọng lượng chỉ 1,5 tấn, nhưng cho lực đẩy đến 176 kN; với tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng lên đến 11/1. Ngoài ra, AL-41F1 còn được trang bị công nghệ vector 3D, nhờ đó Su-57 có khả năng cơ động ở tốc độ thấp cực kỳ nhanh nhẹn và khả năng không chiến cấp độ cao hơn.
Khả năng cơ động của Su-57 thậm chí có thể sánh ngang với "đỉnh cao của tiêm kích thế hệ 4++" là Sukhoi Su-35S. Tuy nhiên, động cơ này cũng tồn tại những nhược điểm không đáng có.
Tại Triển lãm Hàng không MAKS năm 2011, tiêm kích Su-57 khi lăn bánh trên đường băng, miệng vòi phun động cơ đã phụt ra một ngọn lửa dài. Sau đó phía nhà sản xuất công bố là do sự cố máy nén của động cơ AL-41F1, khiến buổi trình diễn chuyến bay lúc đó trực tiếp bị dừng lại. Vì sự cố này tên tuổi của Su-57 cũng bị ảnh hưởng.
Su-57 và sự cố động cơ trong triển lãm hàng không MAKS 2011. Ảnh: Rulexip.
Đối với động cơ phát triển riêng cho Su-57, đó là động cơ mang tên Izdeliye 30 - "Sản phẩm 30", động cơ này đã được thử nghiệm trên Su-57 từ cuối năm 2017. Tuy nhiên, đến nay chưa có gì đảm bảo chắc chắn là động cơ này sẽ được đưa sử dụng vào tương lai gần.
Vào năm 2018, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov tuyên bố rằng, hiệu suất của động cơ Sản phẩm 30 là "khó để đánh giá", đồng thời thẳng thắn nói rằng, cuộc thử nghiệm sẽ tiếp tục trong ít nhất hai năm.
Giới quân sự xem đây là một tín hiệu cho thấy, hiệu suất của động cơ Sản phẩm 30 là rất hạn chế. Vì vậy, trước khi Su-57 được dùng động cơ mới và chứng tỏ được khả năng của một động cơ máy bay thế hệ 5, rất khó để các nước khác "xuống tiền" mua Su-57 một cách đơn giản và nhanh gọn.
Thiếu tính minh bạch
Đề án phát triển Su-57 của Nga không giống chương trình F-22 mà giống với chương trình F-35 của Mỹ hơn; đó là ngoài đáp ứng yêu cầu trong nước nó còn hướng tới thị trường xuất khẩu.
Do vậy dễ hiểu là Su-57 thường xuyên xuất hiện tại các cuộc triển lãm quân sự lớn của Nga và được truyền thông nước này thường xuyên quảng cáo là "Niềm tự hào của nước Nga", "Con đại bàng mạnh nhất trên sông Amur" hay "Người bảo vệ biên giới trên không của Nga". Đối với các đối thủ tiềm tàng, Su-57 là một "bóng ma bầu trời xanh", sát thủ thầm lặng.
Su-57 được giới thiệu tại Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế ARMY 2020. Ảnh:
Tuy nhiên trên thực tế, Su-57 lại không nổi danh bằng "đàn anh" Su-35. Ngay cả Tổng thống Nga Vladimir Putin khi giới thiệu vũ khí Nga cho các nhà lãnh đạo khác cũng ít nhắc đến Su-57 mà chỉ tập trung vào những vũ khí đã có tên tuổi như Su-35 hay hệ thống phòng không S-400. Rõ ràng, Moscow chưa sẵn sàng xuất khẩu Su-57.
Khi Không quân Nga đưa Su-57 vào biên chế (mặc dù động cơ chưa hoàn thiện), Moscow cũng đã có động thái "bật đèn xanh" cho việc xuất khẩu chiến đấu cơ này. Tuy nhiên, việc Sukhoi hạn chế công khai các thông tin về quá trình phát triển Su-57 đang làm các khách hàng tiềm năng của nó "chùn tay".
Chưa có chiến lược xuất khẩu rõ ràng
Hiện nay, Nga vẫn chưa có một chiến lược rõ ràng nào trong việc xuất khẩu Su-57, bản thân hãng Sukhoi cũng chưa thể xác định được "sản phẩm" chủ lực của họ trong những năm tới khi nhu cầu mua sắm chiến đấu cơ thế hệ 4 của các nước có dấu hiệu chững lại.
Ví dụ Su-35 hiện là loại chiến đấu cơ được nhiều quốc gia quan tâm, Trung Quốc và Ai Cập đều đã mua; UAE, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ ý định mua Su-35. Trước tình hình đó, Nga dự định đưa Su-35 làm máy bay xuất khẩu chủ lực. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc mua Su-57 của khách hàng trong tương lai.
Tuy nhiên, tình hình này đang dần thay đổi vào cuối năm ngoái khi Thứ trưởng Borisov đưa ra thông tin Su-57 sẽ là dòng chiến đấu cơ xuất khẩu chủ lực của Nga trong tương lai chứ không phải là Su-35.
Thị trường máy bay Nga đang bị thu hẹp
Theo chuyên gia quân sự Mỹ Ilya Leyette, một trong những lý do chính khiến Su-57 khó thoát khỏi "biên giới" Nga là thị trường cho loại máy bay này quá nhỏ.
Khi đưa máy bay chiến đấu thế hệ 5 vào hoạt động, cần có sự hỗ trợ của một bộ hệ thống hỗ trợ hậu cần hoàn chỉnh, để phát huy hiệu quả chiến đấu; cùng với đó là chi phí cho bảo dưỡng không hề thấp.
Tuy nhiên, khách hàng chính của máy bay chiến đấu Nga chủ yếu là các nước thuộc thế giới thứ ba với sức mạnh kinh tế hạn chế. Động lực đầu tiên họ mua máy bay chiến đấu của Nga để làm lực lượng phòng không nội địa.
Nga vẫn chưa có một chiến lược rõ ràng nào trong việc xuất khẩu Su-57. Ảnh: Pinterest.
Trong trường hợp này, Su-35 và thậm chí cả MiG-29 rẻ hơn nhiều, nhưng hiệu suất đủ cao, có thể đáp ứng nhu cầu của họ. Do đó, các quốc gia có thể mua Su-57 chỉ có thể là các nước như Ấn Độ, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ dù có tiền, nhưng không thể mua F-35. Và lượng khách hàng ít ỏi như vậy, đương nhiên khiến Su-57 gặp khó khăn khi tìm thị trường xuất khẩu.
Ông Leyette cũng nhấn mạnh, Không quân Nga vẫn chưa trang bị quy mô lớn Su-57; điều này không chỉ có nghĩa là bản thân Bộ Quốc phòng Nga chưa công nhận khả năng của Su-57, cũng như kế hoạch sản xuất hàng loạt dòng chiến đấu cơ này.
Cách đây không lâu, phiên bản xuất khẩu của Su-57 đã được công bố nhưng vẫn không thu hút được sự quan tâm của các khách hàng tiềm năng. Ông Leyette cho rằng, chỉ cần Không quân Nga được trang bị hơn 100 chiếc Su-57 và xúc tiến chương trình sản xuất động cơ Sản phẩm 30, khách hàng sẽ tự khắc tìm đến Su-57.
Tăng "khuyến mãi" để kích cầu
Trước sự "ế ẩm" của Su-57, chuyên gia quân sự Nga Dimitri Stoplotov cho rằng, vũ khí do Nga sản xuất không phải là không có thị phần trên thế giới, các quốc gia như Syria và Iran đều muốn mua vũ khí từ Moscow và bày tỏ sự quan tâm đến việc mua máy bay Su-35 và hệ thống phòng không S-400.
Nếu Nga sẵn sàng từ bỏ một phần lợi nhuận, chấp nhận bán Su-57 cho các nước này dưới hình thức chiết khấu theo từng đợt và cho vay lãi suất thấp thì dù Mỹ hay Israel có ngăn cản vũ khí Nga vẫn giành được thị phần.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc bán Su-57 cho các quốc gia đang có chiến sự hoặc nằm trong vòng bao vây của Mỹ và phương Tây là cực kỳ nguy hiểm; nếu Su-57 bị bắn hạ trong xung đột, nó có thể khiến các nước phương Tây biết được các thông số hoạt động, đây là mối đe dọa lớn đối với quốc phòng Nga.
Tuy nhiên, "không vào hang cọp sao bắt được cọp con", nếu Moscow thực sự cảm thấy tin tưởng vào Su-57, thì làm sao có thể sợ hãi khi đối mặt với F-22 và F-35?