Ngày 16/3, tổ chức MEI (Viện Trung Đông) xuất bản bài viết "The puzzling outcome of the Moscow Summit" (tạm dịch: Kết quả khó hiểu của cuộc hội đàm tại Moscow) của nhà phân tích chiến sự Syria, Charles Lister.
Trong bối cảnh lệnh ngưng bắn được thực thi ở tây bắc Syria theo sau Thỏa thuận Moscow nhiều khả năng sẽ sớm bị phá vỡ, nhằm đem lại cái nhìn đa chiều (nhà phân tích Charles Lister "nổi tiếng" với quan điểm thân phe đối lập Syria) chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Chiến dịch "Lá chắn Mùa xuân" ở Idlib là thắng lợi của QĐ Thổ?
Tháng 2/2020, Quân đội Arab Syria (SAA) được yểm trợ bởi Không quân Vũ trụ Nga (VKS) đã nhanh chóng tiến sâu vào khu vực "Idlib lớn" (khu vực tây bắc Syria do phiến quân và khủng bố kiểm soát), để lại những "dấu chân" hủy diệt và chết chóc.
Các ngôi làng và thị trấn đã bị san phẳng, dân thường phải chạy trốn về hướng biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong 85 ngày, gần 1 triệu người đã di chuyển đến khu vực biên giới và hơn 800.000 người phải di dời đã trú ngụ trong các lều trại chật chội.
Cuộc khủng hoảng nhân đạo nói trên được đánh giá là ở quy mô chưa từng có, không chỉ trong gần 9 năm chiến tranh ở Syria mà ngay cả so với các cuộc chiến đã lùi xa trong lịch sử như Thế chiến thứ hai.
Trong bối cảnh các thỏa thuận được ký kết ở Sochi và Astana chỉ tồn tại trên giấy và cuộc tấn công "tàn nhẫn" của quân chính phủ Syria diễn ra, các nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ (là một bên tham gia các thỏa thuận đó) để thiết lập đàm phán mới với phía Nga đã nhiều lần bị từ chối.
Thất bại trong việc kiểm soát thị trấn Saraqeb nằm ở nơi giao cắt giữa cao tốc M4 và M5 của TAF và các đồng minh địa phương được cho là "đòn chí tử" đánh vào chiến dịch "Lá chắn Mùa xuân" .
Việc triển khai thêm Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) vào Idlib, cung cấp vũ khí cho các đồng minh của họ và thậm chí bắn rơi một số máy bay trực thăng của quân chính phủ nhằm mục đích răn đe, nhưng dẫn đến leo thang của Syria và Nga thậm chí còn nguy hiểm hơn.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trong lịch sử hiện đại và sự thù địch chưa từng có của quân chính phủ Syria, cộng đồng quốc tế dường như không mấy quan tâm.
Vào ngày 1/3, TAF đã phát động chiến dịch "Lá chắn Mùa xuân" - một chiến dịch không kích do máy bay không người lái (UAV) nhằm vào các căn cứ, kho vũ khí, vũ khí hạng nặng và hệ thống phòng không của SAA.
Một số máy bay chiến đấu của Syria đã bị bắn rơi và pháo binh TAF duy trì việc pháo kích dữ dội vào các vị trí SAA trên khắp tây bắc Syria.
Chỉ trong vài ngày, hàng trăm tay súng ủng hộ chính phủ Damascus đã thiệt mạng và để "lấp chỗ trống" trên chiến tuyến, chính phủ Syria đã phải phái cảnh sát và các viên chức cấp thấp lên mặt trận.
Iran thậm chí đã phá bỏ cam kết không tham chiến ở Idlib và đưa các tay súng dân quân Hezbollah và Liwa Fatimyoun tham chiến. Sau đó, người Nga đột nhiên thay đổi quan điểm và mời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tới Moscow để đàm phán ngừng bắn.
Rốt cuộc, hành động can thiệp của TAF nhằm thay đổi cán cân năng lực quân sự trên thực địa ở Idlib đã tạo ra hiệu quả mong muốn, các nỗ lực tấn công của SAA đã rơi vào thế bế tắc.
Các tay súng Hezbollah tại mặt trận Saraqeb.
Kết quả khó hiểu của cuộc hội đàm tại Moscow
Ngày 5/3, các nhà lãnh đạo Nga và Thổ đã đàm phán trong 6 giờ và tuyên bố với thế giới một lệnh ngừng bắn toàn diện và một "hành lang an toàn" rộng 6 km về hai phía của cao tốc M4.
Lệnh ngừng bắn là điều tất yếu, nhưng "hành lang an toàn" là một điều gây hoang mang. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavasoglu đã giải thích vào ngày 10/3 rằng khu vực phía nam hành lang sẽ được đặt dưới sự kiểm soát của Nga.
Điều đó có nghĩa là một dải lãnh thổ sâu 25 km phía nam M4 hiện do phe đối lập kiểm soát đã bị Thổ Nhĩ Kỳ bỏ rơi. Lý do của quyết định này không được Ankara giải thích nhưng họ đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng.
Đứng trước việc TAF phải nỗ lực để giành lại thế chủ động ở Idlib, quyết định "nhượng" cho đối phương một vùng lãnh thổ như vậy của Thổ Nhĩ Kỳ thật khó hiểu.
Có nhiều cách giải thích và nhiều khả năng lệnh ngừng bắn là kết quả có ý nghĩa duy nhất mà cả Thổ và Nga có thể đồng thuận, nhưng với mục đích bảo vệ mối quan hệ song phương được xác định là quan trọng hơn so với Idlib, hành lang an ninh đã được thêm vào một ngày sau đó (6/3).
Nếu suy đoán này là chính xác, nó sẽ giải thích việc thiếu sự chi tiết hóa về việc thực hiện Thỏa thuận Moscow và các cuộc đàm phán giữa các quan chức quân sự về việc làm thế nào để thiết lập một hành lang an toàn.
Cảnh quay đoàn xe quân sự Thổ phải rút khỏi M4 trước hành động của người biểu tình và xe bọc thép chở các phóng viên đi cùng đoàn tuần tra Nga-Thổ phải trở về khi đang tiến hành tuần tra (Nguồn: RT).
Toan tính của Ankara
Có vẻ Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhận thức được thực tế rằng các lệnh ngừng bắn ở Syria sẽ không kéo dài và vấn đề duy nhất quan trọng của các thỏa thuận là thời gian trước một một vòng xoáy chiến sự mới.
Khi đồng ý ngừng bắn, Ankara có thể mất lợi thế quân sự có được thông qua chiến dịch "Lá chắn Mùa xuân", nhưng họ đã có thêm một khoảng thời gian để củng cố "lằn ranh đỏ" là các vị trí phòng thủ xung quanh cao tốc M4.
Thật vậy, trước cuộc hội đàm, TAF đã thiết lập một chuỗi cứ điểm dọc theo cao tốc, và ngay sau lệnh ngưng bắn, hàng trăm xe tăng và xe bọc thép của TAF đã và đang tràn vào trung tâm "Idlib lớn", một dấu hiệu về "tầm nhìn dài hạn" cho cái gọi là "thỏa thuận sau cùng" với người Nga.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, "thỏa thuận sau cùng" trong tương lai với Moscow có thể sẽ bao gồm các vấn đề ngoài chiến sự ở Idlib để đổi lấy việc giảm sự hiện diện của TAF ở Idlib và thu hẹp phần lãnh thổ Syria do lực lượng đối lập kiểm soát.
Nhiều tin đồn trong chính giới Thổ gợi ý về một tương lai người Nga "bật đèn xanh" cho cuộc tấn công của TAF vào các đô thị hiện do người Kurd kiểm soát ở đông bắc Syria như Kobani hoặc Manbij .
Các tin đồn này có thể giải thích lý do tại sao các đối thủ chính trị của ông Erdogan ở Ankara lại "mềm mỏng" một cách đáng ngạc nhiên trong việc chỉ trích kết quả thu được ở Moscow.
Quân cảnh Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tuần tra tại cao tốc M4 ngày 15/3.
Kết luận
Như tất cả các hành động trong quá khứ kể từ khi Syria nổ ra chiến tranh năm 2011, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ luôn ưu tiên lợi ích của chính mình trong "giao dịch" liên quan tới khu vực "Idlib lớn".
Nếu không có nhu cầu cấp thiết nhằm duy trì một vùng lãnh thổ đối lập đủ lớn cho việc ngăn dòng người tị nạn ập vào Thổ Nhĩ Kỳ, UAV của TAF cũng không cần phải giết chết binh lính Syria và "thổi bay" các hệ thống phòng không - hành động ngăn đà tấn công của SAA ở Idlib.
Tương tự như vậy, lệnh ngừng bắn không phải là quyết tâm ngăn chặn những cái chết do chiến sự ở Idlib mà nhằm mục tiêu tránh sự đổ vỡ hoàn toàn trong mối quan hệ chiến lược giữa Ankara và Moscow.
Nếu phân tích này là chính xác, khả năng xảy ra một vòng xoáy bạo lực dữ dội khác ở Idlib là rất cao và có thể sắp diễn ra.
Cho đến thời điểm hiện tại, có rất ít lý do để chứng minh với chính phủ Syria rằng chiến thắng sau cùng là không thể, ngay cả khi phản ứng quân sự của TAF thời gian tới có thể mạnh mẽ hơn.
Nếu đúng như vậy, thì kịch bản tốt nhất cho Idlib tương lai là "Gazafication" (tạm dịch: Dải Gaza hóa - biến Idlib thành một Dải Gaza thứ hai ở khu vực Trung Đông) nằm dưới sự "bảo vệ lâu dài" của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc khủng hoảng nhân đạo vẫn sẽ tiếp diễn, nhưng nếu kịch bản nói trên xảy ra chí ít là Ankara sẽ ngăn một viễn cảnh khủng hoảng lớn hơn khi các đối thủ tiềm năng trong khu vực áp sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Middle East Institude (MEI - Viện Trung Đông) được tuyên bố là một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ đặt tại Washington DC. Tuy nhiên MEI nhận được tài trợ từ các quỹ của UAE, Arab Saudi và các công ty khai thác dầu khí và sản xuất quốc phòng Hoa Kỳ.
Nhà phân tích Charles Lister là một thành viên của MEI và là giám đốc của "Chương trình nghiên cứu chống khủng bố và các tổ chức cực đoan".
Bài viết được xuất bản lần đầu trên tờ báo Asharq al-Awsat bằng tiếng Arab.
Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ cầu nguyện trước khi tham chiến tại tây bắc Syria.