Chuyên gia Mỹ: Đối đầu Trung-Ấn, ông Tập lo ngại trước "con át chủ bài" trong tay ông Modi

Thủy Thu |

Chuyên gia Mỹ cho rằng, ông Tập Cận Bình hiện không lo sức mạnh quân sự Ấn Độ mà lo New Delhi sẽ bắt tay với các nước khác để kiềm chế Trung Quốc.

Tờ India Today (Ấn Độ) ngày 8/8 cho biết, nhận định về tình hình tranh chấp biên giới Trung-Ấn, bà Bonnie S.Glaser, cố vấn cấp cao về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ (CSIS) cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận thấy, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ bắt tay hợp tác với các quốc gia muốn kiềm chế Trung Quốc như Mỹ, Nhật để bảo vệ lợi ích quốc gia của New Delhi.

"Trước đây, khi ông Tập tới thăm New Delhi và cố gắng hợp tác với Thủ tướng Modi, tôi nghĩ rằng ông ấy đã hy vọng, chính sách của Ấn Độ sẽ không thách thức lợi ích Trung Quốc nhưng sự việc dường như không phát triển theo hướng này...", bà Glaser nói hiện nay, Bắc Kinh không nghĩ rằng họ sẽ được hưởng lợi từ mối quan hệ căng thẳng với New Delhi.

"Có sự khác biệt rõ ràng giữa hai nước, ở Ấn Độ Dương và các vùng biển khác. Trung Quốc biết mình không được hưởng lợi trong mối quan hệ căng thẳng với Ấn Độ bởi hai nước có chung một đường biên giới rất dài", cố vấn Mỹ cho biết thêm.

Bà này nói, Ấn Độ hiện là nước duy nhất trên thế giới công khai phản đối sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc.

Đồng thời bà nhấn mạnh, Bắc Kinh không xem Ấn Độ là mối đe dọa quân sự nhưng cho rằng, Ấn Độ là mối đe dọa chính trị nguy cấp bởi New Delhi đang bắt tay với nhiều đối tác khác nhằm kiềm chế Bắc Kinh.

Theo bà Glaser, lập trường của Ấn Độ và kết quả của cuộc đối đầu biên giới Trung-Ấn sẽ tác động mạnh mẽ tới các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt những nước tồn tại tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.

Nếu trong cuộc giằng co này, Trung Quốc thành công ngăn chặn Ấn Độ, Bắc Kinh sẽ càng "ngông nghênh hơn". Trung Quốc cho rằng, họ có thể dùng sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự lớn mạnh để tác động lên những mâu thuẫn, tranh chấp này, nhằm giành lấy "lợi ích quốc gia", bà Glaser nói.

Bà cũng cho rằng, Mỹ sẽ tránh can thiệp trực tiếp vào xung đột Trung-Ấn bởi sự can thiệp của Washington chỉ khiến cục diện thêm căng thẳng, trong khi mong muốn của Mỹ là xoa dịu khủng hoảng.

Tờ Indian Express mới đây cũng tiết lộ, chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực thông qua hai lựa chọn ngoại giao để giải quyết khủng hoảng.

Thứ nhất, binh lính Ấn Độ ở khu vực Donglang/Doklam sẽ đổi thành quân đội hoàng gia Buhtan, sau đó hai nước Trung Quốc - Bhutan đồng thời rút quân. Phương án này đồng thời giúp Trung Quốc giữ được thể diện khi rút quân, cũng như phù hợp mục đích của New Delhi - ngăn Trung Quốc xây sửa đường sá.

Phương án thứ hai chính là kéo dài tình trạng đối đầu cho đến tháng 11, sau Đại hội 19 đảng cộng sản Trung Quốc, sau đó thông qua con đường ngoại giao bí mật, hạ nhiệt tình hình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại