Chuyên gia Mỹ đặt câu hỏi: Liệu Israel có tồn tại được 100 năm?

Đức Huy |

Tính đến thời điểm này, Israel đã trải qua 68 "sinh nhật". Với bối cảnh hiện nay, liệu Nhà nước Do Thái có thể tồn tại đến một thế kỉ?

Israel đang đối diện những ngày đen tối? Cơ cấu nhân khẩu học thiếu cân bằng, láng giềng thù địch tứ phía, và chính những hành động đôi lúc có phần hung hăng của Tel Aviv liệu sẽ biến họ trở thành một đất nước bị cô lập giữa Trung Đông, thay vì viễn cảnh về một nhà nước Do Thái thịnh vượng và phát triển bền vững?

Những người quan tâm đến Israel chắc hẳn đã không ít lần đặt ra câu hỏi này trong suốt 68 năm tồn tại của Nhà nước Do Thái. 

Gần đây, hay cụ thể hơn là xuyên suốt nhiệm kì Tổng thống Barack Obama, quan hệ Mỹ-Israel đã và đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, và người ta lại hoài nghi về tương lai của Nhà nước Do Thái trong bối cảnh đối tác bảo trợ lớn nhất của họ đang có dấu hiệu "quay lưng".

Nhận định về vấn đề này, trong dịp kỉ niệm 68 năm quốc khánh Israel, học giả Aaron Miller, nguyên cố vấn chính sách về Israel cho 6 nhiệm kì Ngoại trưởng Mỹ, đã có bài viết đăng trên trang phân tích RealClearWorld với nhan đề: "Liệu Israel có 'thọ' đến 100 tuổi"?

Ở thời điểm bài viết được đăng tải, Donald Trump vẫn chưa đắc cử Tổng thống, và việc Mỹ không dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng bảo an để ngăn chặn nghị quyết của LHQ lên án các hoạt động xây dựng khu định cư của Israel vẫn chưa xảy ra, song những phân tích của ông Miller vẫn có giá trị tham khảo về nhiều mặt.

Một nhà nước được vận hành tốt

Theo ông Miller, các nước xung quanh Israel đang "tan chảy" với tốc độ chóng mặt. Những Libya, Yemen, hay Syria vẫn chiến tranh triền miên, còn Iraq, Lebanon, hay Ai Cập đang phải đối mặt với đầy rẫy vấn đề quốc nội như chính trị, kinh tế mà chưa thể tìm ra phhương án giải quyết.

"Ngoại trừ các vương quốc (Saudi Arabia, Jordan,...), thì phần lớn thế giới Arab, trong đó có rất nhiều địch thủ truyền kiếp của Israel, giờ đã 'tắt điện'" - chuyên gia này nhận định.

Mặt khác, dù cũng có những vấn đề riêng của mình, song chính 3 nước không thuộc liên đoàn Arab ở Trung Đông - Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, và Iran - mới là những quốc gia được vận hành tốt nhất trong khu vực. Cả 3 đều có nền kinh tế phát triển, và đều có khả năng vươn tầm ảnh hưởng ra toàn khu vực.

Ông Miller nhận định, trong số 3 nước này, thì Israel có được sự cân bằng hoàn hảo hơn cả, từ quân sự, kinh tế, khoa học kĩ thuật, và nhất là chất xám. 

Nếu nhìn vào GDP bình quân đầu người, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học, hay thậm chí cả chỉ số hạnh phúc của người dân Israel, có thể thấy Nhà nước Do Thái hội đủ các yếu tố nội lực để giữ vững vị trí dẫn đầu trong khu vực, và thậm chí cả thế giới trên một số lĩnh vực.

Chuyên gia Mỹ đặt câu hỏi: Liệu Israel có tồn tại được 100 năm? - Ảnh 1.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) "tay bắt mặt mừng" cùng nhà vua Jordan Abdullah II trong chuyến thăm Amman vào năm 2014. Ảnh: CNN

Môi trường an ninh

Nếu so sánh những thách thức an ninh của Israel hiện nay với những gì họ từng phải đối mặt trong suốt chiều dài lịch sử kể từ khi thành lập, thì rõ ràng Nhà nước Do Thái hiện đã mạnh, ổn định, và sở hữu sức mạnh quân sự vượt trội hơn hẳn.

Theo ông Miller, thì ngoại trừ trường hợp của Iran, các địch thủ truyền kiếp của Israel nay đều đã yếu hơn, và trong bối cảnh bất ổn hiện nay thậm chí còn tụt hậu hơn nhiều so với người Do Thái.

Israel hiện vẫn phải đối mặt với những đợt tấn công mang tính riêng lẻ của thanh niên Palestine ở Jerusalem và bờ tây sông Jordan, những nguy cơ khủng bố đến từ Hezbollah, phong trào Hamas, cũng như Nhà nước Hồi giáo (IS). Song đây đều không phải là những thách thức mang tính sống còn đối với người Do Thái.

Bên cạnh đó, tham vọng hạt nhân của Iran đang tạm thời bị kiểm soát. Với việc tăng cường hợp tác với Jordan, cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, hợp tác chặt chẽ với Ai Cập, và xuất hiện ngày càng nhiều đan xen lợi ích với Saudi Arabia trong vấn đề Iran, có thể thấy Israel giờ không còn là "cái gai" bắt buộc phải nhổ trong mắt thế giới Arab.

Tuy nhiên, chuyên gia Miller cũng thừa nhận, môi trường an ninh hiện nay dù có thuận lợi hơn song chưa thể coi là hoàn hảo đối với Israel, và không có gì đảm bảo điều này sẽ kéo dài lâu, bởi bản chất bất ổn của Trung Đông.

Quan hệ Mỹ-Israel

Theo ông Miller, không thể phủ nhận một điều rằng quan hệ Mỹ-Israel đang trải qua một giai đoạn khó khăn.

Đôi nét về hiệp định an ninh Mỹ-Israel vừa được kí kết:

- Thời hạn: 10 năm (2017-2027)

- Trị giá: 38 tỉ USD, tăng 27% so với hiệp định 2007-2017.

- Là hiệp định hỗ trợ quân sự có trị giá lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Tuy vậy, ông cho rằng với việc hai bên mới đây kí kết hiệp ước an ninh kéo dài 10 năm, trong đó tăng cường đáng kể viện trợ quân sự của Washington tới các đối tác Do Thái, thì có thể thấy dường như bất đồng giữa hai lãnh đạo cũng như vụ việc gần đây ở LHQ vẫn không thể ảnh hưởng tới cam kết của Mỹ đối với việc đảm bảo an ninh cho Israel.

Căng thẳng xung quanh vấn đề Palestine vẫn sẽ tiếp diễn, và dù Trump có tuyên bố thế nào thì ông có lẽ vẫn sẽ khó hòa hợp với Netanyahu. 

Tuy vậy, trong bối cảnh Trung Đông hiện nay, Washington vẫn cần sự hiện diện của một đồng minh như Israel trong khu vực, và những trục trặc gần đây, theo ông Miller, sẽ không ảnh hưởng tới bức tranh toàn cảnh quan hệ song phương Mỹ-Israel.

Nói tóm lại, chuyên gia này khẳng định Israel sẽ "thọ" được đến năm 100 tuổi, nhưng câu hỏi thực sự cần đặt ra là khi đó Israel sẽ là một quốc gia như thế nào?

Điều đó, theo ông Miller sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hai yếu tố của vấn đề Palestine, mà hiện nay đang đe dọa an ninh, sự ổn định, và cơ cấu nhân khẩu học của Israel, sẽ tiến triển ra sao.

Chuyên gia Mỹ đặt câu hỏi: Liệu Israel có tồn tại được 100 năm? - Ảnh 3.

Đại diện Mỹ và Israel trong buổi kí kết hiệp định hỗ trợ quân sự 2017-2027 diễn ra hồi tháng 9/2016 tại Washington, D.C. Ảnh: The Atlantic

Thứ nhất, liệu nhóm thiểu số 1,7 triệu người Arab-Palestine tại Israel có thể được chấp nhận và hòa chung vào một xã hội dựa trên nền tảng Do Thái? Và thứ hai, liệu các bên liên quan có thể tìm ra một phương án giải quyết ổn thỏa cho người Palestine tại Bờ Tây và Dải Gaza hiện đang sinh sống tại các khu vực do Israel chiếm đóng?

Theo ông Miller, hiện tại và trong tương lai gần vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời cho hai chữ "liệu" nói trên. Tuy nhiên, sau gần 7 thập kỉ tồn tại, Israel với ông rõ ràng không phải "một mảnh gỗ trôi dạt vô định giữa biển khơi đầy sóng gió", mà là một quốc gia được vận hành một cách quy củ, với nguồn lực con người vượt trội so với thế giới, và tiềm lực quân sự đủ để đương đầu với các thách thức an ninh đang phải đối mặt.

"Tôi có thể sẽ không được chứng kiến 'sinh nhật' thứ 100 của Israel. Nhưng người dân Israel thì chắc chắn." - ông viết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại