Ngày 4/8, tờ Asharq al-Awsat đăng tải bài viết nhan đề: "Turkey Turns Into 'Elephant in the Room' for NATO- Report" (tạm dịch: Thổ Nhĩ Kỳ đã biến thành "Con voi trong phòng khách" đối với NATO).
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn tương đối khách quan về "rạn nứt" đang tồn tại trong nội bộ các nước thành viên NATO liên quan tới các cuộc can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông và Bắc Phi, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
"Con voi trong phòng khách" của NATO
"Sự "xa cách" đang từ từ diễn ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các "giá trị phương Tây" và các hành động gây hấn của Ankara đối với các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) đã không được đề cập trong liên minh".
Đây là bình luận của các nhà ngoại giao và quan chức Mỹ trong một bài báo được đăng tải hôm 3/8 trên tờ The New York Times (NYT).
Một Thổ Nhĩ Kỳ hiếu chiến, kích động dân tộc chủ nghĩa và hẹp hòi về tôn giáo ngày càng trở nên bất hòa với các đồng minh phương Tây về các "điểm nóng" Libya, Syria, Iraq, mối quan hệ với Nga và các nguồn tài nguyên tự nhiên ở đông Địa Trung Hải.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một "con voi trong phòng khách" (ý nói là sự việc ai cũng thấy nhưng không ai dám nói vì một lý do tế nhị nào đó) của NATO mà ít người trong liên minh muốn thảo luận", NYT trích dẫn lời của nhà ngoại giao châu Âu.
Các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện trạng tái "đồng sàng dị mộng" giữa các thành viên NATO?
Philip H. Gordon, một cố vấn chính sách đối ngoại và cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ dưới thời ông Obama, người đã nhiều năm "đối phó" với Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng:
"Khó có thể coi Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên có vẻ Ankara đang nhận được một "free pass" (tạm dịch: giấy thông hành miễn phí, giấy vào cửa không mất tiền) để đi con đường thiếu vắng vai trò lãnh đạo kiên định của Mỹ.
Mặt khác, nó làm trầm trọng thêm thái độ coi thường của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với NATO và sự ủng hộ của ông đối với người đồng cấp Erdogan".
"Thái độ "dĩ hòa vi quý" của các quan chức NATO khi đứng trước Thổ Nhĩ Kỳ đã không giúp được bất kỳ điều gì" nhà phân tích tiếp lời, ám chỉ Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, người có nhiệm vụ gìn giữ liên minh 30 quốc gia, nhưng lại bị coi là "quá khoan dung" đối với cả Mỹ lẫn các "hành vi sai trái" của Thổ Nhĩ Kỳ.
Khinh hạm Thổ Nhĩ Kỳ đã bật radar dẫn bắn tên lửa nhằm vào Khinh hạm F712 Courbet của Pháp khi đang tiến hành tiếp cận một tàu hàng bị nghi là buôn lậu vũ khí cho Libya ở đông Địa Trung Hải vào tháng 6/2020.
Thổ Nhĩ Kỳ đang cố tình "đánh lái" chính sách của NATO?
Cuộc thảo luận nghiêm túc cuối cùng về chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ giữa các nước thành viên NATO là vào cuối năm 2019, mặc dù Ankara đã mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga.
Nicholas Burns, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO và cũng là Giáo sư tại Đại học Harvard bình luận:
"Các thành viên khác của NATO, ví dụ như Hungary và Ba Lan, cũng không đạt được các "values scale" (tạm dịch: thước đo giá trị). Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò quan trọng trong liên minh và có khả năng "chặn" các mối quan hệ liên minh (với các đối tác)".
Thổ Nhĩ Kỳ đã "đóng sầm cánh cửa" quan hệ đối tác giữa NATO đối với các quốc gia mà họ "không ưa" ví dụ như Armenia, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Nghiêm trọng hơn, trong vòng nhiều tháng, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng cản trở một kế hoạch của NATO nhằm bảo vệ Ba Lan và các quốc gia Baltic, tất cả các thành viên này đều có đường biên giới chung với Nga.
Dù là một thành viên của NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm sở hữu hệ thống S-400 từ Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn NATO đưa các nhóm vũ trang người Kurd vào danh sách các nhóm khủng bố - điều mà liên minh đã không làm trong nhiều năm.
Cần chú ý là những nhóm vũ trang người Kurd nói trên hiện là đồng minh của Washington trong cuộc chiến chống các nhóm khủng bố IS và Al-Qaeda ở Syria và Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ đã theo đuổi lợi ích của riêng mình ở miền bắc Syria, nơi hiện có hơn 10.000 lính Thổ và tại Libya, nơi hỗ trợ quân sự cho một "chính phủ thất bại" đã giúp đảo ngược tình thế chiến trường, giành lấy một phần tài nguyên phong phú của Libya.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đang cung cấp viện trợ vũ khí cho đồng minh ở Libya.
Các quan chức NATO nói rằng ủy ban quân sự đang điều tra và các bằng chứng không rõ ràng như phía Pháp cáo buộc.
Lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn thắng lớn ở miền tây Libya vào mùa hè năm 2020 (Nguồn: RT).