Chuyên gia Mỹ: Washington nghĩ lệnh trừng phạt mới sẽ buộc Iran nhượng bộ nhưng đã lầm

Minh Khôi |

Tehran sở hữu các loại vũ khí, tên lửa hiện đại, cũng như những đồng minh có thể gây ra sự hỗn loạn lớn ở khu vực.

Sai lầm trong chiến tranh Iraq lặp lại

16 năm trước, khi chính quyền Tổng thống George W.Bush thông qua những thông tin tình báo dù chưa được kiểm chứng đã thuyết phục được người dân ủng hộ một cuộc chiến tranh với Iraq. Những cảnh báo được Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Condoleezza Rice đưa ra vào thời điểm đó về kho vũ khí huỷ diệt mà chính quyền Iraq được cho đang nắm giữ trên thực tế đã không tồn tại, tuy nhiên cuộc chiến rốt cục vẫn xảy ra.

Sau khi cuộc chiến kết thúc, những người Iraq đã không chấp thuận kế hoạch của người Mỹ nhằm dựng lên một chính phủ bù nhìn thân Mỹ. Trong khi những gì diễn ra sau đó đã trở thành một thảm hoạ nhân đạo và địa chính trị, một trong những yếu tố tiếp tục gây bất ổn ở khu vực Trung Đông cho đến tận thời điểm này.

Hàng nghìn người Mỹ thiệt mạng, cùng với đó là hàng chục nghìn người khác bị thương tật. Về phía Iraq là hàng trăm nghìn người chết và hàng triệu người bị mất nhà cửa. Chưa dừng lại ở đó, hàng loạt các cuộc xung đột tôn giáo, sự hình thành của tổ chức Al Qaeda tại Iraq và sau đó là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Quay trở lại thời điểm hiện tại, chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như đang đi theo vết xe đổ của quá khứ. 

Người đứng đầu Nhà trắng đã luôn giữ quan điểm đối đầu với Iran, từ việc rút lui khỏi thoả thuận hạt nhân giữa Tehran và 6 cường quốc, cho đến việc tuyên bố một cuộc chiến tranh kinh tế giữa 2 nước, cũng như cảnh báo bất cứ nước nào muốn giao dịch với Iran. Tổng thống Trump đang đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến với Iran cho dù ông luôn tuyên bố muốn hoà bình.

Dĩ nhiên, Washington đã đổ lỗi cho Iran vì đã không chấp thuận đề xuất đối thoại. Tuy nhiên, Tehran không có lý do nào để tin rằng Mỹ thật sự nghiêm túc với đề xuất của họ. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết muốn đối thoại với Iran mà không cần bất cứ điều kiện nào, ngoại trừ việc Iran cần cư xử "như một quốc gia bình thường" và chấp thuận các yêu sách gần như không khả thi, như thay đổi chính sách ngoại giao và giảm quy mô quốc phòng, trước khi 2 bên ngồi xuống bàn đàm phán.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton sau đó giải thích Tổng thống đã "sẵn sàng để đàm phán về tương lai" chỉ sau khi Iran từ bỏ "vũ khí hạt nhân của họ và những hành động không thể chấp nhận được". Nói cách khác, Iran cần nhận thua ngay từ đầu, Doug Bandow - nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Cato, Mỹ nhận định.

Washington tin rằng các lệnh trừng phạt mới sẽ buộc Iran phải nhượng bộ trên bàn đàm phán, hoặc sụp đổ trước sức ép chính trị và xã hội trong nước. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Reuel Marc Gerecht thuộc Viện nghiên cứu bảo vệ Dân chủ (FDD) cho rằng những khó khăn về kinh tế không phải điều mới mẻ đối với Iran. "Những ai hiểu biết về Iran sẽ thấy rằng việc người dân nước này sẽ thúc ép để chính quyền nhượng bộ các yêu sách của Mỹ là khó khả thi", ông nói.

Tương tự như vậy, Iran dường như đang lặp lại chính sách của nước này vào những năm 2000. Theo đó, khi chính quyền Tổng thống Bush từ chối đàm phán, Tehran đã thúc đẩy nỗ lực phát triển chương trình hạt nhân. Chỉ đến khi Tổng thống Obama thay đổi chính sách mềm mỏng hơn mới bắt đầu mở ra các cơ hội đàm phán giữa 2 bên.

Iran có lợi ích lớn hơn ở khu vực

Quan trọng hơn, Washington không muốn xảy ra một cuộc chiến với Iran, quốc gia lớn có dân số lớn gấp 3 Iraq và là một quốc gia ổn định hơn nhiều quốc gia láng giềng. Ngoài ra, Tehran còn sở hữu các loại vũ khí, tên lửa hiện đại, cũng như những đồng minh có thể gây ra sự hỗn loạn lớn ở khu vực.

Ngoài ra, quân đội Mỹ đồn trú tại Syria và Iraq có thể sẽ là đối tượng tấn công, trong khi sự ổn định của Iraq sẽ bị đe doạ nghiêm trọng. David Frum, một trong những chuyên gia từng ủng hộ cuộc chiến Iraq, khuyến cáo chiến tranh với Iran sẽ lặp lại sai lầm trong quá khứ nhưng "ở một quy mô lớn hơn, trong khi Mỹ không có sự ủng hộ của đồng minh, không có một lý do chính đáng và không có kế hoạch cho những gì có thể xảy ra tiếp theo".

Một khía cạnh khác là Iran cũng không muốn cuộc chiến xảy ra phần thua thiệt lớn sẽ không phải là người Mỹ. Tuy nhiên, các sức ép từ kinh tế và chính sách quân sự đang buộc Tehran phải có phản ứng. Điều này càng khiến những thành phần theo đuổi chính sách cứng rắn trong chính phủ Iran có lợi thế và tiếng nói trọng lượng hơn.

Thay vì đưa ra những tuyên bố cứng rắn về mặt quân sự, Washington nên thay đổi chính sách nhằm giảm căng thẳng ở Trung Đông. Chính quyền Mỹ nên đưa ra những đề xuất nghiêm túc về đàm phán. 

Theo đó, để có thể khiến Iran từ bỏ các chính sách đối đầu ở khu vực, Mỹ cần đưa ra các bước đi tương ứng, ví dụ như giảm các thương vụ bán vũ khí cho Ả rập Saudi và Các Tiểu vương Quốc Ả rập Thống nhất, chấm dứt sự ủng hộ đối với cuộc chiến ở Yemen, và rút quân khỏi Syria và Iraq.

Rõ ràng, Iran có lợi ích lớn hơn nhiều với Mỹ về an ninh ở khu vực, và đây là điều cốt yếu mà Washington cần cân nhắc nếu muốn Iran từ bỏ chương trình hạt nhân. Chính phủ Mỹ cũng nên đề xuất sự tham gia của các nước châu Âu trong quá trình đàm phán, do các nước này có nhiều lý do để lo ngại về tên lửa của Iran hơn so với Mỹ.

Điều quan trọng hơn cả là Washington nên tính đến đường dài, thay vì muốn một sự thay đổi chóng vánh ở Tehran, Mỹ nên khuyến khích nước này mở cửa và tạo ra sự ảnh hưởng lớn hơn của thế hệ trẻ của Iran, những người với tư duy mới và mong muốn một xã hội cởi mở hơn. Để làm được điều này, đòi hỏi quá trình hợp tác, thay vì cô lập.

Mục đích cuối cùng của Mỹ nên là sự chuyển biến mang hơi hướng dân chủ ở Iran và đưa quốc gia này hội nhập với tiến trình thế giới hiện đại, điều sẽ mang lại lợi ích lớn cho khu vực.

Chiến tranh, như những gì mà lịch sử ghi nhận, sẽ luôn dẫn đến thảm hoạ, mà theo nhà nghiên cứu James Fallows, Washington cần sớm thay đổi chiến lược đối với Tehran, và lúc này, thời gian mang tính trọng yếu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại