Tiêm chủng vắc xin tại TP HCM - Ảnh Hải An.
Với bối cảnh cả thế giới sẽ phải chung sống với dịch COVID-19 kéo dài, Việt Nam cũng đã thay đổi chiến dịch phòng chống dịch COVID-19 từ "Zero Covid" sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyên gia: Mục tiêu 80% dân số được tiêm vắc xin là quá cao
Một trong những chỉ số quan trọng để Việt Nam có thể sống chung với dịch COVID-19 chính là tỷ lệ tiêm vắc xin. Mục tiêu để sống thích ứng với tình hình mới là Việt Nam cần tiêm vắc xin cho 80% dân số. Rất nhiều chuyên gia cho rằng chỉ số đó là quá cao và khó có thể đạt được ngay.
PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay để chung sống với dịch COVID-19, Việt Nam đang đưa ra con số tiêm vắc xin 80% dân số trên 18 tuổi. Đây là con số quá cao, sẽ có nhiều địa phương muốn chung sống với dịch nhưng không đạt được ngay, PGS nói.
Để đạt được mục tiêu vắc xin trên còn phụ thuốc và rất nhiều yếu tố, trong đó có nguồn cung vắc xin. Nguồn cung ứng của Việt Nam vẫn rất khan hiếm, chưa có đủ vắc xin trong thời gian gần để đạt được mục tiêu đó; hoặc khi có đủ vắc xin cũng không thể tiêm hết được do nhiều khó khăn khi mở rộng tiêm chủng ra các vùng không đông dân cư, ví dụ các tỉnh ở vùng sâu, vùng xa, dân cư sống thưa thớt, đi lại khó khăn, thiếu cán bộ y tế, thiếu dây chuyền lạnh, thiếu phương tiên và cán bộ được đào tạo để cấp cứu, chống sốc phản vệ.
"Cho nên, chỉ số 80% dân số trên 18 tuổi tiêm vắc xin chỉ nên áp dụng đối với các vùng mật độ dân cư đông, ở các thành phố lớn nguy cơ lây nhiễm cao... Tôi nghĩ với bối cảnh tại Việt Nam thì 50% dân số được tiêm là cũng rất tốt rồi. Kinh nghiệm của các nước đông dân tiêm chủng đại trà khi đạt được 40-50% rồi thì để tăng lên nữa là rất khó khăn", PGS Huy Nga nói.
"Dịch tại TP HCM sẽ không xảy ra ở nơi khác"
Theo PGS Huy Nga, một trong những chỉ số để xét sống thích ứng với dịch bệnh là 100% số xã có oxy và bình oxy cung với các phụ kiện đi kèm. Nếu thực hiện theo chỉ số này, Việt Nam sẽ phải bỏ ra số tiền lớn từ ngân sách để sắm bình oxy cho 10.614 trạm y tế xã phường. Việc lấy kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh về cấp cứu để áp dụng cho các tỉnh khác là không hợp lý.
"Dịch nơi khác sẽ không thể lặp lại như ở TP HCM. Giả dụ, dịch xảy ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc không thể có sự quá tải như TP HCM do dân cư thưa hơn, sự lây truyền dịch không ồ ạt như ở các khu đô thị, công nghiệp động dân. Thêm vào đó, bình oxy là là loại thiết bị rất nguy hiểm, nếu không biết bảo quản, khi chẳng may phát nổ sẽ thiệt hại rất lớn cho trạm y tế xã, khu dân cư và có thể có người tử vong.
Để sử dụng và lưu trữ bình oxy phải có sự tập huấn về phòng cháy chữa cháy, huấn luyện an toàn lao động. Với tôi vấn đề trang bị bình oxy cho trạm y tế xã là cần phải xem xét lại", PGS Huy Nga nói.
Với các đội lưu động tuyến huyện cũng cân nhắc tính toán có cần thành lập ngay ở tất cả các huyện hay không.
Các chỉ số đầu tư trang thiết bị y tế như chỉ số giường ICU và trang bị oxy tại trạm y tế phường nên được tính toán dựa trên các dự liệu sẵn có trong nước về nhu cầu oxy và nguy cơ lây lan dịch bệnh ở từng cộng đồng khác nhau, tránh việc đầu tư đồng loạt, dàn trải ở tất cả các địa phương theo cùng một công thức, có thể dẫn tới lãng phí và gây ra gánh nặng tài chính cho các địa phương, PGS nói.
PGS Huy Nga cũng đưa ra quan điểm không nên bắt buộc xét nghiệm đối với doanh nghiệp. Điều này sẽ có thể gây nảy sinh cạnh tranh không lành mạnh của các công ty vì sẽ có doanh nghiệp được hoạt động trở lại và doanh nghiệp không được hoạt động nếu không đạt tiêu chí trên.
Chỉ tính số ca bệnh có triệu chứng
Về việc sử dụng chỉ số ca bệnh (có biểu hiện lâm sàng, xét nghiệm dương tính), PGS Huy Cho cho hay cần đảm bảo hệ thống giám sát dịch ở tuyến cơ sở được vận hành đồng thời ba tiêu chí: xuất phát từ người dân hợp tác với y tế cơ sở; đảm bảo xét nghiệm theo chỉ báo dịch tễ; tăng khả năng chẩn đoán đúng (giảm tỷ lệ dương tính giả, âm tính giả) trong xét nghiệm cộng đồng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP HCM cho hay việc lấy tỷ lệ số ca mắc Covid-19 trong 100.000 dân để quyết định chuyển mức độ nguy cơ đối với địa phương là chưa hợp lý.
Lý do là khó có thể biết được có bao nhiêu ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Muốn xác định được thì phải làm xét nghiệm thường xuyên và diện rộng. Việc xét nghiệm diện rộng sẽ rất tốn kém và ngay cả khi xét nghiệm toàn bộ người dân thì con số này bao giờ cũng có giá trị tương đối. Do vậy, thay vì tính ca nhiễm thì cần lưu ý tới số ca số nhập viện mới.
Ngoài ra, bên cạnh số người đã được tiêm chủng, cần tính cả số người đã mắc bệnh, đã có kháng thể bảo vệ.
Việc phân vùng nguy cơ và người dân ở các vùng nguy cơ được cho phép các hoạt động tương ứng là hợp lý. Tuy nhiên, cần lưu ý trong tất cả vùng màu, khi tổ chức các hoạt động, phải có tiêu chuẩn riêng về số người tham dự ở từng địa điểm.
Một hoạt động tập trung 20 người đến 30 người phải có quy chuẩn riêng cho khu vực tổ chức đó, chẳng hạn một nhà hàng ở vùng xanh, người được tiêm ngừa vắc xin rồi mới được đến. Ở các sự kiện, nếu người đến mà không được chích ngừa thì rất dễ lây lan dịch và người không được tiêm ngừa mắc bệnh sẽ dễ nặng hơn người đã tiêm ngừa, nhất là người lớn tuổi.