Tối 16/3, Bộ Y tế công bố trường hợp bệnh nhân 59 là nữ tiếp viên chuyến bay VN0054 từ Anh về Nội Bài ngày 2/3 dương tính với Covid-19.
Nữ tiếp viên đã cách ly từ ngày 6/3, có xét nghiệm âm tính lần 1 vào ngày 7/3. Sau đó nữ tiếp viên được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội) về Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm.
Ngày 14/3 bệnh nhân có ho, sốt và kết quả xét nghiệm dương tính SARS-COV-2 ngày 15/3. Hiện bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện bệnh nhiêt đới Trung ương cơ sở Đông Anh trong tình trạng sức khoẻ ổn định.
Còn theo thông tin từ hãng hàng không Vietnam Airlines, nữ tiếp viên này đã có 3 lần âm tính trước khi có kết quả dương tính với Covid-19 lần thứ 4.
Liên quan đến trường hợp này, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, kết quả xét nghiệm đối với các mẫu được lấy từ người nghi ngờ nhằm xác định âm tính hay dương tính với Covid-19 chỉ có giá trị cho thời điểm lấy mẫu và mỗi loại xét nghiệm có ngưỡng phát hiện nhất định.
Bà nói, với phương pháp xét nghiệm xác định người nhiễm Covid-19 hiện nay được toàn thế giới áp dụng là Realtime RT-PCR ( xác định người nhiễm Covid-19). Đây là phương pháp có độ nhạy, đặc hiệu rất cao.
Theo PGS.TS Quỳnh Mai, trường hợp bệnh nhân có xét nghiệm âm tính trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính là bình thường, bởi có thể thời điểm lấy mẫu, bệnh nhân ở giai đoạn ủ bệnh, chưa đến ngưỡng phát hiện được bằng xét nghiệm
Cũng theo chuyên gia, với trường hợp của nữ tiếp viên hàng không này do đã được quản lý, cách ly, theo dõi tốt nên bệnh nhân mới được xét nghiệm nhiều lần (3 lần). Đồng thời, với việc cho kết quả dương tính lần thứ 4 xét nghiệm đã khẳng định việc cách ly 14 ngày là hợp lý.
PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với (F1), nếu kết quả âm tính có nghĩa đến thời điểm xét nghiệm người đó chưa phát bệnh, chưa có khả năng lây lan cho người khác.
Tuy nhiên, theo ông Cảm, với kết quả âm tính có thể là chưa phát bệnh chứ không có nghĩa là không bị bệnh, do vậy phải tiếp tục giám sát, cách ly chặt chẽ trong 14 ngày để khẳng định rằng bệnh nhân không phát bệnh trong 14 ngày đó.
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho hay, bệnh nhân xét nghiệm âm tính với Covid-19 tức là trong các mẫu được lấy từ dịch họng không tìm thấy virus và tại thời điểm đó không lây cho người khác.
Tuy nhiên, nếu trong thời kỳ ủ bệnh thì sau vài ngày bệnh nhân có thể phát bệnh và lại trở thành dương tính với Covid-19. Khi đó, bệnh nhân sẽ có khả năng lây cho người khác
Vì thế, bác sỹ Cấp nêu rõ trong trường hợp F1 âm tính vẫn cần cách ly tập trung theo khuyến cáo của Bộ Y tế vì bất cứ lúc nào F1 cũng có thể trở thành dương tính với Covid-19.