Trong một bài viết gần đây trên Tập san dành cho các Nhà khoa học Nguyên tử (Bulletin for Atomic Scientists), chuyên gia Owen Cote đã tiến hành một phép so sánh để đánh giá thực lực của các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) giữa Trung Quốc và Mỹ.
Phép so sánh của Owen Cote có tham chiếu với cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô trong suốt giai đoạn Chiến tranh Lạnh.
Sau đó, Owen Cote đã đi đến kết luận rằng, trong tương lai gần, Mỹ vẫn có thể dựa vào các lợi thế về công nghệ và địa lý để duy trì được khả năng răn đe của mình, đồng thời đặt Trung Quốc vào những tình huống nguy hiểm.
Soi chiếu lại lịch sử thời Chiến tranh Lạnh, Hải quân Mỹ là lực lượng đầu tiên triển khai SSBN nhưng đã sớm nhận ra rằng, các tàu ngầm mới của họ có thể bị phát hiện từ khá xa bằng công nghệ sonar thụ động thích hợp.
Khi đã xác định được vấn đề, Hải quân Mỹ thực hiện những bước đi đầu tiên làm cho SSBN trở nên yên tĩnh hơn (và do đó gần như miễn nhiễm với sự phát hiện của Liên Xô), và tiếp đến là mở rộng khả năng thu âm để có thể theo dõi SSBN của Liên Xô đầy đủ hơn.
Nhờ công nghệ và những lợi thế địa lý nhất định, các tàu ngầm hạt nhân Mỹ ẩn mình một cách hiệu quả trong khi SSBN của Liên Xô thường trực bị đe dọa tấn công từ các tàu Hải quân Mỹ.
Tàu ngầm tấn công USS North Dakota. Ảnh: Hải quân Mỹ
Liên Xô sau đó nhận thức được những vấn đề này và tìm mọi cách thức để giải quyết. Như đã biết, Liên Xô cuối cùng đã quyết định áp dụng chiến lược "pháo đài", tức sử dụng một số lượng lớn tàu hải quân để bảo vệ các khu vực tuần tra của SSBN.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Owen Cote, giải pháp này của Liên Xô quá tốn kém nguồn lực. Việc các tàu ngầm Liên Xô không thể giấu mình một cách đáng tin cậy có nghĩa là Hải quân của họ phải sử dụng rất nhiều tới các phương tiện chiến đấu trên mặt nước, trên không và trên bộ mới có thể bảo vệ được lực lượng SSBN.
Còn với việc phát hiện các tàu của NATO, Liên Xô lại thiếu mất tầm vươn xa địa lý để phát triển các khả năng theo dõi tương đương cho chính các tàu ngầm của họ.
Quay về hiện tại, khoảng cách về công nghệ giữa các tàu ngầm Mỹ và Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn so với khoảng cách giữa Mỹ và Liên Xô trước đây. Nhưng điều quan trọng hơn, ngày nay, Mỹ có lợi thế rất lớn về khả năng giám sát sự xâm nhập của tàu ngầm Trung Quốc vào Thái Bình Dương.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Shang xuất hiện tại vùng tiếp giáp lãnh hải ở Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: BQP Nhật Bản
Tàu ngầm Trung Quốc không thể tiếp cận tới các khu vực tuần tra ở phạm vi bao quát rộng lớn của Mỹ mà không bị phát hiện và theo dõi. Hơn nữa, Mỹ có sức mạnh về chính trị và ngoại giao để bảo đảm quyền tiếp cận các chốt điểm trên biển "khóa chặt" Hải quân Trung Quốc.
Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, Trung Quốc, hiện tại và trong tương lai có thể dự đoán, chưa thể sở hữu cách thức theo dõi tương tự việc ra vào của các tàu ngầm Mỹ.
Điểm yếu này khiến Trung Quốc rơi vào một vị thế rất giống với Liên Xô trước đây, xét về tầm vươn địa lý, thậm chí còn kém hơn. Có nghĩa là trong tương lai gần, Trung Quốc đơn giản không thể dựa vào lực lượng SSBN làm đòn răn đe hạt nhân thứ hai đáng tin cậy để đối phó với Mỹ.
SSBN của Trung Quốc có thể vẫn là một biện pháp răn đe hiệu quả chống lại Ấn Độ và các cường quốc hạt nhân khác nhưng ngay cả khi nước này kéo dài tầm bắn tên lửa trên các tàu ngầm, họ sẽ vẫn phải chấp nhận những bất lợi nghiêm trọng về căn cứ neo đậu và phạm vi tuần tra.
Liên Xô đã không thể làm giảm sút được lợi thế của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh thì Trung Quốc ngày nay làm sao có thể cân bằng được khả năng này với Mỹ.
Lễ hạ thủy tàu khu trục Type 055 của Trung Quốc