Tăng mức xử lý vi phạm giao thông cần mang tính răn đe, tạo ra doanh thu nhưng phải công bằng
Bộ Công an đang Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó dự kiến điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm liên quan đến vi phạm quy tắc giao thông là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông. Trong đó có những hành vi vi phạm giao thông được đề xuất tăng mức xử phạt lên cao gấp cả chục lần.
Liên quan đến nội dung này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng: "Mục đích mà cơ quan chức năng khi đề xuất tăng mức xử phạt hướng đến là có tác dụng răn đe, ngăn chặn hành vi lái xe nguy hiểm hoặc bất hợp pháp, có khả năng ngăn ngừa tai nạn và thương tích. Một trong những mục đích khác có thể hiểu là tạo doanh thu. Việc phạt tiền có thể đóng góp vào việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng đường bộ và thực thi pháp luật".
Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, cần xem xét mức độ nghiêm trọng hơn hoặc ít nghiêm trọng hơn của hành vi vi phạm: "Chẳng hạn như lái xe liều lĩnh hoặc lái xe khi say rượu, thường phải chịu mức phạt cao hơn để phản ánh mức độ nguy hại tiềm ẩn. Chạy quá tốc độ hoặc vượt biển báo dừng, có thể bị phạt thấp hơn".
Ngoài ra cần quan tâm đến chi phí điều tra, truy tố và thực thi hành vi vi phạm giao thông cần được cân nhắc khi ấn định mức phạt; Các khoản tiền phạt quá cao có thể ảnh hưởng không cân xứng đến những người có thu nhập thấp, dẫn đến khó khăn về tài chính; Các khoản tiền phạt được coi là không công bằng hoặc quá mức có thể làm xói mòn lòng tin của công chúng vào việc thực thi pháp luật.
So sánh mức tiền phạt với các khu vực pháp lý tương tự khác có thể cung cấp thông tin chi tiết về việc liệu các khoản tiền phạt có hợp lý hay không; Nghiên cứu về hiệu quả của các khoản tiền phạt trong việc ngăn chặn vi phạm có thể giúp xác định xem có cần điều chỉnh hay không.
TS. Nguyễn Hữu Đức nêu quan điểm, một hệ thống tiền phạt có cấu trúc tốt có thể bao gồm các mức tiền phạt khác nhau dựa trên mức độ nghiêm trọng của vi phạm. Việc tích lũy điểm cho các vi phạm có thể dẫn đến việc đình chỉ giấy phép hoặc các hình phạt khác. Các yếu tố như lịch sử lái xe của tài xế, địa điểm vi phạm và hoàn cảnh của vụ việc có thể được tính đến.
Những cân nhắc bổ sung như trong một số trường hợp, các hình phạt thay thế như phục vụ cộng đồng hoặc các khóa đào tạo lái xe có thể phù hợp, đặc biệt là đối với những người vi phạm lần đầu. Cùng với đó, công chúng cần được tiếp cận thông tin về tiền phạt giao thông, bao gồm lý do cho số tiền cụ thể và cách sử dụng doanh thu.
"Đánh giá tính đúng đắn của tiền phạt vi phạm giao thông đòi hỏi phải cân bằng cẩn thận giữa tính răn đe, tạo ra doanh thu và tính công bằng. Bằng cách xem xét các yếu tố như mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, chi phí thực thi, tác động kinh tế và nhận thức của công chúng, các nhà lập pháp có thể xây dựng một hệ thống thúc đẩy hiệu quả an toàn giao thông trong khi vẫn duy trì được lòng tin của công chúng", TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.
Cần xử lý thật nghiêm, thậm chí xử lý hình sự
Ông Ngô Minh Hải (Hoài Đức, Hà Nội) rất đồng tình với đề xuất nêu trên: "Các hành vi đang được đề xuất tăng mức xử phạt đặc biệt nguy hiểm, là nguyên nhân chính, có thể gây ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, để lại hậu quả vô cùng lớn cho gia đình các nạn nhân và xã hội. Tôi ủng hộ mức phạt như dự thảo bởi ý thức tham gia giao thông của rất nhiều người dân hiện vẫn còn rất kém. Chỉ những người hay vi phạm mới không ủng hộ. Người chấp hành tốt thì luật có phạt 100 triệu đồng cũng vậy. Hiện nay ở Hà Nội tình trạng vượt đèn đỏ còn diễn ra nhiều, có lần tôi bắt gặp nhiều vụ tai nạn liên hoàn đều giao vượt đèn đỏ, chứ chưa nói đến gây ra ùn tắc".
Cùng quan điểm, ông Bạch Thăng Long nêu quan điểm cần phạt thật nặng hành vi vượt đèn đỏ, thậm chí xem xét xử lý hình sự: "Cần phạt thật nặng những hành vi cố tình vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, cố tình bỏ chạy gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Cần phải xem xét cả việc xử lý hình sự. Với những lỗi như đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, giao người xe cho người không đủ điều kiện, đề nghị tăng thêm mức phạt, thậm chí đến mức thu xe luôn".
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho hay, tổng kết quá trình thực hiện các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có thể thấy rằng vấn đề trật tự an toàn giao thông đường bộ đã được kiểm soát tương đối tốt, trật tự an toàn giao thông đã được thiết lập.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều lỗi vi phạm như vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc, vi phạm về nồng độ cồn, chất cấm khi điều khiển phương tiện giao thông, quay đầu, dừng đỗ xe sai quy định... Đây là những lỗi vi phạm giao thông nghiêm trọng, nhiều người vi phạm nên mức xử phạt có thể được xác định là chưa đủ sức răn đe.
Bởi vậy với nhóm các hành vi vi phạm có xu hướng gia tăng, nhóm các hành vi nguy hiểm có thể dẫn đến tai nạn giao thông, nhóm các hành vi có tính chất gây rối trật tự công cộng, gây mất an ninh trật tự, an toàn công cộng do hành vi cố ý vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông thì cần phải tăng mức chế tài hành chính để răn đe, phòng ngừa những hậu quả xấu có thể xảy ra đối với xã hội.
"Mục đích của các chế tài hành chính không chỉ mang tính răn đe đối với người vi phạm mà còn là để hướng đến mục tiêu phòng ngừa hậu quả xấu có thể xảy ra đối với xã hội.
Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy khi nào chế tài hành chính được quy định nghiêm khắc, được thực hiện nghiêm minh thì những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đó sẽ giảm đi và đặc biệt là sẽ hạn chế được các hành vi vi phạm đến mức xử lý hình sự", luật sư Cường nêu quan điểm.