Chuyên gia lên tiếng về đề xuất trừ điểm bằng lái tài xế vi phạm

Văn Ngân/Vov.vn |

Các chuyên gia cho rằng, khả năng áp dụng trừ điểm bằng lái tài xế vi phạm không đồng đều, tiêu tốn nhiều thời gian, nguồn lực của xã hội,...cần nghiêm túc xem xét lại.

Bộ Công an đề xuất trừ điểm bằng lái tài xế vi phạm là cần thiết

Mới đây, trong văn bản gửi cơ quan, hiệp hội lấy ý kiến về một số nội dung mới trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất việc quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe. Theo Bộ Công an việc trừ điểm bằng lái là cần thiết, không phải xử phạt hành chính mà được xây dựng tương đồng quy định tước giấy phép hành nghề.

Chuyên gia lên tiếng về đề xuất trừ điểm bằng lái tài xế vi phạm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trước đây, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông hồi tháng 4/2020, Bộ Công an đề xuất mỗi giấy phép lái xe có 12 điểm, tài xế sẽ bị trừ điểm trên hệ thống quản lý mỗi khi vi phạm giao thông. Trường hợp bị trừ hết điểm, giấy phép lái xe bị coi không còn hiệu lực. Tài xế muốn cấp giấy phép lái xe mới, phải học và thi trong ít nhất 6 tháng kể từ ngày giấy phép lái xe cũ hết hiệu lực.

Từ năm 2003, cơ quan chức năng áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe bằng "bấm lỗ". Nếu giấy phép lái xe bị đánh dấu 2 lần thì tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe; nếu bị đánh dấu 3 lần, giấy phép lái xe hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp giấy phép mới.

Tuy nhiên sau 4 năm thực hiện, quy định này bị bãi bỏ. Bộ Công an cho rằng việc bấm lỗ trên giấy phép lái xe không thể hiện thời điểm vi phạm, bằng lái lem nhem thiếu thẩm mỹ. Ngoài ra việc bấm lỗ dễ phát sinh tiêu cực khi lái xe bị bấm lỗ nhiều thì tìm mọi cách "chạy" bằng lái mới.

Theo Bộ Công an, đề xuất lần này quy định việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp giấy phép đang bị buông lỏng, cơ quan chức năng chưa có biện pháp quản lý phù hợp, nhất là việc chấp hành pháp luật của người lái xe. Các nước tiên tiến như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc đều có quy định trừ điểm bằng lái đối với lái xe vi phạm, nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

"Việc trừ điểm bằng lái cũng tương đồng với quy định quản lý nhà nước như trong lĩnh vực y tế, dược. Pháp luật quy định biện pháp quản lý hành chính nhà nước tương tự thu hồi chứng chỉ hành nghề. Đây sẽ là một biện pháp quản lý nhà nước, không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông", văn bản Bộ Công an nêu.

Biện pháp này giúp quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép cho đến quá trình chấp hành pháp luật, vi phạm tái phạm. Trừ điểm bằng lái còn nhằm cải thiện hành vi, nâng cao ý thức, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe.

Để triển khai, Bộ Công an cho biết Chính phủ sẽ ban hành quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe. Cơ quan chức năng sẽ quy định cụ thể các hành vi vi phạm nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao. Mức trừ điểm trong một lần vi phạm sẽ được nghiên cứu và đảm bảo không trùng với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

Khả năng áp dụng không đồng đều, tiêu tốn nhiều thời gian, nguồn lực

Liên quan đến nội dung này, TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng: “Đề xuất này cũng mang lại một số ưu điểm như khi có nguy cơ bị trừ điểm và mất giấy phép lái xe, người lái xe sẽ cẩn trọng hơn, tuân thủ luật giao thông tốt hơn để giữ điểm. Việc này góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng”.

Chuyên gia lên tiếng về đề xuất trừ điểm bằng lái tài xế vi phạm- Ảnh 2.

TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông

Theo TS Nguyễn Hữu Đức, hệ thống trừ điểm giúp xử lý vi phạm hiệu quả hơn so với hình thức phạt tiền đơn thuần. Việc bị trừ điểm và có nguy cơ mất giấy phép lái xe sẽ là "hình phạt" nặng nề, khiến người vi phạm e dè và suy nghĩ kỹ trước khi vi phạm. Hệ thống trừ điểm giúp cơ quan chức năng quản lý người lái xe chặt chẽ hơn, theo dõi sát sao hành vi vi phạm của từng cá nhân. Từ đó, cơ quan chức năng có thể có biện pháp giáo dục, răn đe kịp thời, tránh để vi phạm tái diễn.

“Khi ý thức người tham gia giao thông được nâng cao, tai nạn giao thông sẽ giảm thiểu, tạo môi trường giao thông an toàn cho tất cả mọi người”,  TS Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Hữu Đức chỉ ra các nhược điểm như: “Việc xây dựng hệ thống quản lý điểm, trừ điểm cần nhiều thời gian, công sức và nguồn lực. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để đảm bảo tính chính xác và hiệu quả trong quá trình thực hiện. Việc áp dụng hệ thống trừ điểm có thể gặp khó khăn ở những khu vực hẻo lánh, nơi cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin còn hạn chế”.

TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, cần có quy định rõ ràng, minh bạch về các hành vi vi phạm và mức trừ điểm tương ứng để tránh áp dụng sai trái, oan cho người lái xe. Việc quy định điều kiện phục hồi điểm cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính giáo dục và răn đe, đồng thời tạo cơ hội cho người vi phạm sửa sai.

“Việc quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe khi vi phạm có ưu điểm và cả nhược điểm. Tuy nhiên, nếu áp dụng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hệ thống, quy định và công nghệ để đảm hiệu quả, công bằng và đúng đắn. Ngoài ra, cần có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu rõ về hệ thống trừ điểm và nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông”.

Nghiêm túc xem xét lại đề xuất trừ điểm bằng lái tài xế vi phạm

Về vấn đề này, GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp của Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng: “Thực tế, một số nước trên thế giới cũng đã từng áp dụng theo hình thức này và nhiều nước không áp dụng. Quan điểm của tôi thấy việc áp dụng để quản lý tài xế vi phạm đến mức nào sẽ không được hành nghề, cũng có thể là một giải pháp, nhưng không phải là giải pháp phổ biến, gây mất thời gian, tiền bạc, nguồn lực của cả người dân và cơ quan quản lý…Cần nghiêm túc xem xét lại đề xuất này”.

Chuyên gia lên tiếng về đề xuất trừ điểm bằng lái tài xế vi phạm- Ảnh 3.

GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp của Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội

Theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, trước khi đề xuất, đơn vị chủ trì soạn thảo cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, thậm chí là tham vấn của các cơ quan, những người có liên quan…

“Trước khi đề xuất thì cần căn cứ vào các căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn. Phân tích kỹ lưỡng những ưu, nhược điểm của chính sách hiện hành. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Xem xét chính sách hiện hành có yếu điểm hạn chế là gì, có cần thiết đề xuất thay đổi không? vì sao phải thay đổi? Cân nhắc việc đề xuất thay đổi có được và mất gì so với hiện tại? Xây dựng luật phải đủ cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn, nếu thiếu thực tiễn thì sẽ gây ra những tổn phí thậm chí là ảnh hưởng xấu đến cơ quan quản lý và xã hội. Tránh trường hợp, cứ ai được giao xây dựng luật là thay đổi tất cả, tát nước theo mưa,…”, GS.TS Từ Sỹ Sùa nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại