Chuyên gia kinh tế Singapore: Lạm phát 2019 của Việt Nam chỉ 2,8%

Hoàng An |

Ông Khoon Goh - Trưởng phòng Nghiên cứu Châu Á tại Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand (ANZ) nhận định: Việt Nam đang là điểm sáng giữa những cơn gió toàn cầu.

Đưa ra những suy nghĩ về con số tăng trưởng nửa đầu năm 2019 của Việt Nam, Trưởng phòng Nghiên cứu châu Á tại ANZ nhận xét: Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 là khá vững chắc, trong bối cảnh suy thoái thương mại toàn cầu và tác động không hề nhỏ của dịch tả lợn châu Phi đối với ngành nông nghiệp.

Ông Khoon Goh cho biết: "Chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2019 là 6,7%. Mặc dù con số này giảm so với tốc độ tăng trưởng 7,1% đạt được trong năm 2018, nhưng điều này vẫn cho thấy Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á.

Lạm phát sẽ vẫn có thể kiểm soát được, trung bình 2,8% trong năm nay, thấp hơn mục tiêu lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước".

Trong khi đó, chuyên gia này cũng cho rằng Việt Nam cần phải quản lý dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chặt chẽ để đảm bảo phân bổ nguồn lực đầy đủ và ngăn chặn tình trạng tăng trưởng quá nóng.

Chính phủ Việt Nam đã nhận thấy rằng chất lượng FDI cần được cải thiện về giá trị gia tăng và hiệu ứng lan toả. Sự thay đổi của chính phủ theo hướng tập trung vào thu hút vốn FDI thế hệ mới là điều cần thiết để đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững.

Trong khi đầu tư “thế hệ mới” sẽ ngày càng tập trung thu hút nhiều hơn các hoạt động sử dụng nhiều công nghệ và kỹ năng và tối đa hóa giá trị gia tăng, đầu tư “thế hệ một” vẫn sẽ cần thiết để lấp đầy những lỗ hổng cơ bản trong chuỗi cung ứng trong nước, tạo ra số lượng lớn việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các tỉnh thành, làm nền cho tăng trưởng đầu tư FDI thế hệ mới.

Việt Nam cũng dần nhận thức được rằng cần phải có một sự thay đổi chiến lược về chính sách để duy trì khả năng cạnh tranh trong ASEAN, bảo đảm sự bền vững của luồng vốn FDI tiếp nhận được và đẩy mạnh FDI có giá trị gia tăng cao hơn để đạt được các mục tiêu phát triển.

Thu hút vốn FDI kỷ lục tuy cho thấy các điều kiện ban đầu về đầu tư là thuận lợi, nhưng phân tích sơ bộ cho thấy các thủ tục đầu tư vào các ngành viễn thông, logistics, giáo dục, y tế và dịch vụ tài chính còn rườm rà do vậy có thể làm suy giảm dòng vốn đầu tư thế hệ mới.

"Khi Việt Nam tiếp tục gặt hái những lợi ích của các cải cách trong quá khứ và cam kết cải cách tiếp tục, đất nước đang trên đà tăng gấp đôi GNI bình quân đầu người từ 2.400 USD vào năm 2018 lên 4.800 USD vào năm 2028, vươn lên đạt mức thu nhập trung bình cao" - ông Khoon Goh nhận xét.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại