Bộ Công Thương vừa thông tin về đề xuất sớm triển khai xăng E5 RON95, thị trường chỉ bán 2 loại xăng sinh học là E5 RON92 và E5 RON95 của Saigon Petro. Cơ quan quản lý dự kiến sẽ xem xét, tổng hợp báo cáo Chính phủ đề xuất này.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, cần phải tính toán nhiều vấn đề liên quan như nguồn nguyên liệu có đủ hay không và giá cạnh tranh hay không, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, cạnh tranh trên thị trường của 29 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.
Vị thứ trưởng cũng cho biết, Bộ vẫn chưa có lộ trình cũng như kế hoạch về việc thay thế hoàn toàn xăng A95 (hay còn gọi là RON95) bằng E5 RON95.
Liên quan đến đề xuất đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận của Saigon Petro, các chuyên gia kinh tế đã lên tiếng. Nổi bật là việc chỉ ra sự kém "mặn mà" của người tiêu dùng với dòng xăng sinh học pha cồn, dù rằng có thể gác sang một bên những lo ngại về chất lượng xăng E5.
Ảnh minh họa
Phải có nghiên cứu liệu xăng E5 có phù hợp với nhiều động cơ xe
Trao đổi với Tri Thức Trẻ, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, đề xuất của Saigon Petro cần được xem xét hết sức thận trọng, nhận được sự đồng thuận lớn của thị trường và có đủ chứng minh về kinh tế kỹ thuật thì mới có thể triển khai, bằng không sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ông cũng khuyến cáo về việc có thể xảy ra tình trạng độc quyền xăng E5, tăng giá xăng nếu không có một lộ trình cẩn thận, cân nhắc kỹ về đề xuất.
Trao đổi cụ thể, các vấn đề khiến chuyên gia băn khoăn đó là cần chứng minh và trả lời được cho người tiêu dùng hai câu hỏi: "Tại sao, trên thế giới, các nước có nhiều loại xăng khác nhau, mà doanh nghiệp chúng ta lại muốn giới hạn loại xăng?" và "Liệu xăng E5 có phù hợp cho tất cả các loại động cơ xe?"
Theo phân tích của ông Lê Đăng Doanh, các quốc gia trên thế giới có nhiều loại xăng cho nhiều dòng xe với động cơ khác nhau và đáp ứng các nhu cầu sử dụng khác nhau.
Mỗi động cơ sẽ được quy định mức tỉ số nén khác nhau, vì thế xăng cũng được chia ra nhiều mức Octan nhằm tối ưu hóa khả năng hoạt động của động cơ. Do đó, nếu gượng ép chỉ sử dụng xăng sinh học E5 có thể ảnh hưởng đến các loại xe đắt tiền, gây thiệt hại cho người dùng.
Trong khi đó tại Việt Nam, xăng sinh học E5 vẫn chưa dành được nhiều thiện cảm của người tiêu dùng vì nhiều lý do. Nếu có căn cứ thử nghiệm của các trường đại học, chứng minh khả năng đáp ứng của xăng sinh học E5 với nhiều loại xe khác nhau thì đề xuất này mới có sức thuyết phục.
Bên cạnh đó, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, cần có những biện pháp thuyết phục để người dân không thấy như bị "ép" phải dùng một sản phẩm mà trước đây họ không mặn mà.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thẳng thắn nhận định, đề xuất chỉ kinh doanh hai loại xăng sinh học E5 của doanh nghiệp xăng dầu là không hợp lý, cần có sự tôn trọng, tránh hạn chế lựa chọn của người tiêu dùng.
Viện dẫn cho quan điểm này, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng hiện giờ, xăng sinh học E5 vẫn chưa được người tiêu dùng tin tưởng. Điều này thể hiện khá rõ khi chuyển từ bán xăng A92 sang E5, thị phần giảm đi rất nhiều.
Các yếu tố về chất lượng và giá thành chính là rào cản khiến loại xăng này chưa tiếp cận sâu thị trường. Xăng E5 cho thấy sự hao hụt nhiên liệu khi sử dụng hay như lượng cồn ethanol sử dụng pha E5 sử dụng công nghệ cũ của Trung Quốc.
Cả chất lượng và giá thành sản phẩm đang được vị chuyên gia đánh giá là thua kém so với các quốc gia đã có nhiều năm sử dụng xăng sinh học như Brazil, Mỹ.
Trong khi đó, xăng khoáng A95 cho thấy thị phần bán tốt, người dùng yêu thích vì ít hao tổn nhiên liệu. Vậy nên, đề xuất này còn điều phải bàn, đặc biệt, với nền kinh tế thị trường "thuận mua, vừa bán", cần nhất là sự đồng thuận của người tiêu dùng, vị chuyên gia kinh tế khuyến cáo.
Tổng lượng xăng sinh học E5 tiêu thụ nội địa tăng 33% - 34%
Trong khi dư luận vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về xăng E5, thì trong báo cáo của Bộ Công Thương, tổng lượng xăng sinh học tiêu thụ nội địa đã cho thấy dấu hiệu khởi sắc.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu 2018, tổng lượng xăng E5 tiêu thụ nội địa là 42% (tăng 33% - 34% so với năm 2017 ở mức thấp 8% – 9%).
Đặc biệt, một số doanh nghiệp đầu mối có tỷ trọng tiêu thụ E5 khá cao so với tổng lượng xăng tiêu thụ như Công ty Cổ phần Thiên Minh Đức (đạt 70,93%), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội (62,37%), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil, đạt 51,37%), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, đạt 47,06%), Công ty TNHH Hải Linh (46,24%).
Mặc dù triển khai nhiều biện pháp trong quá trình kinh doanh xăng E5 song theo các doanh nghiệp xăng nội địa, tỷ trọng bán xăng E5 chưa đạt mức kỳ vọng vì nhiều nguyên nhân như dư luận còn ý kiến trái chiều, độ chênh giá giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng RON 95 chưa hấp dẫn người tiêu dùng.
Ông Trần Ngọc Năm, lãnh đạo Petrolimex chia sẻ, giá thành nguyên liệu đầu vào để sản xuất cồn E100 tăng, đẩy mức giá bán E100, khiến chi phí phối trộn xăng E5 đội lên, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng tình với ý kiến của ông Trần Ngọc Năm, vị đại diện PVOil đề xuất, nới khoảng cách lệch về giá giữa E5 và RON 95 là 1.800 - 2.000 đồng để tăng sự hấp dẫn đối với xăng E5 nhiều hơn nữa.
Kể từ ngày 1/1/2018, xăng A92 bị "khai tử" để thay bằng xăng sinh học E5. Hiện nay, trên thị trường sẽ chỉ còn 2 loại xăng là xăng E5 và A95.
Xăng sinh học E5 là nhiên liệu chứa 5% thể tích cồn sinh học và 95% thể tích xăng truyền thống.
Bên cạnh giảm đáng kể thành phần khí CO và HC, khả năng tăng tốc của xe cũng tốt hơn đối với xăng sinh học E5. Quá trình cháy trong động cơ sử dụng xăng sinh học E5 được cải thiện nhờ hỗn hợp giữa không khí và nhiên liệu đồng đều hơn do khả năng bay hơi tốt của xăng sinh học E5.
(Theo Bộ Công Thương)