Theo Viện Đầu tư Wells Fargo, vàng có khả năng tăng giá sau khi đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, vì “lãi suất thay đổi có thể là một cơn gió thuận chiều đặc biệt mạnh mẽ”.
Trong lịch sử, giá vàng đã tăng trung bình 20% trong 24 tháng sau khi Fed bắt đầu hạ lãi suất, nhà phân tích Wells Fargo viết trong một ghi chú hôm 15/4. Trong khi đó, các nhà giao dịch đã lùi kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất sang cuối năm nay, trong bối cảnh các báo cáo lạm phát nóng hơn dự kiến gần đây cho thấy kinh tế Mỹ vẫn kiên cường bất chấp chính sách tiền tệ thắt chặt.
Taylor Krystkowiak, chiến lược gia đầu tư tại Themes ETFs, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm thứ Tư: “Một số hy vọng về chính sách xoay trục của Fed đã bị tiêu tan”. Đà tăng vàng có khả năng kéo dài nếu các nhà đầu tư tiếp tục phòng ngừa khả năng lạm phát gia tăng. Ông nói: “Mọi người đang xem vàng như một cách để phòng ngừa sai lầm của Fed” nếu cơ quan này cắt giảm lãi suất sớm.
Giá vàng đang giao dịch quanh mức 2.376 USD/ounce, tăng khoảng 15% từ đầu năm đến nay, theo dữ liệu của FactSet.
Các nhà phân tích của Wells Fargo cho biết: “Chúng tôi đã nâng dự báo giá vàng năm 2024 tăng lên 2.400 USD/ounce và thậm chí đạt 2.500 USD/ounce cho năm 2025”. “Chúng tôi nghi ngờ rằng vàng có thể cần phải tạm dừng trước khi tăng cao hơn cho đến năm 2025”.
Vào tháng 3/2023, Robert Minter, giám đốc chiến lược đầu tư ETF tại Abrdn, nói với MarketWatch rằng “trong lịch sử, chúng tôi đã thấy việc Fed ngừng tăng lãi suất đã châm ngòi cho một đợt tăng giá của vàng”. Vàng tăng khi Fed tạm dừng lãi suất vào năm 2000, 2006 và 2008.
Giá vàng tăng kể từ khi Fed tạm dừng tăng lãi suất vào năm ngoái, với lần cuối cùng Fed tăng lãi suất cơ bản là vào tháng 7.
Các nhà phân tích của Wells Fargo cho biết bối cảnh tỷ giá thay đổi có thể là yếu tố thuận lợi cho vàng trong vòng 6-18 tháng tới. Theo ghi chú, các yếu tố cơ bản thúc đẩy giá vàng hiện nay bao gồm các ngân hàng trung ương tích cực mua vàng, nhu cầu ngày càng tăng từ người tiêu dùng ở các thị trường mới nổi, tăng trưởng nguồn cung chậm, và căng thẳng địa chính trị leo thang.
Theo Market Watch