Đài RT (Nga) dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Ukraine đã bắn 6 tên lửa đạn đạo tầm xa được xác định là ATACMS vào rạng sáng ngày 19/11 (giờ địa phương). 5 tên lửa trong số đó đã bị đánh chặn bằng hệ thống phòng không S-400 và Pantsir, trong khi 1 tên lửa khác bị hư hại và rơi xuống đất tại một địa điểm quân sự ở vùng Bryansk của Nga, gây ra một vụ hỏa hoạn và đã được dập tắt nhanh chóng. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng không có thiệt hại nào do sự cố này gây ra.
(Video minh họa về một vụ phóng tên lửa ATACMS)
"ATACMS không thể được vận hành bởi bất kỳ ai ngoài người Mỹ"
Người đứng đầu Cục Phân tích Chính trị-Quân sự Nga Alexander Mikhailov nói với hãng thông tấn Sputnik (Nga) rằng: "Quân nhân Mỹ tham gia vào việc dẫn đường tên lửa [ATACMS]... và điều khiển hành trình bay của chúng để thực hiện cuộc tấn công. Chúng tôi có thể nói điều này một cách hoàn toàn tự tin."
Chuyên gia này giải thích rằng, tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất sử dụng dữ liệu định vị vệ tinh do quân đội Mỹ cung cấp, việc lựa chọn mục tiêu và tọa độ của chúng được thực hiện bởi các chuyên gia kỹ thuật quân sự Mỹ và quá trình tải nhiệm vụ bay vào thiết bị dẫn đường của tên lửa được thực hiện bởi quân nhân Mỹ.
"Việc phóng [tên lửa] không thể thực hiện được nếu không có các sĩ quan Mỹ", Mikhailov nói."[Người Mỹ] sẽ không chuyển giao các thuật toán, mật mã, hoặc cơ chế nhập tọa độ vào tên lửa ATACMS cho các sĩ quan của Lực lượng Vũ trang Ukraine".
Các chuyên gia quân sự Mỹ cũng đồng tình với học giả người Nga. Phát biểu trên kênh phát thanh kỹ thuật số Judging Freedom hôm 19/11, cựu sĩ quan tình báo Thủy quân Lục chiến Mỹ Scott Ritter tuyên bố rằng: "ATACMS không thể được vận hành bởi bất kỳ ai ngoài người Mỹ."
Theo ông Ritter, hệ thống dẫn đường và dữ liệu được đưa vào tên lửa ATACMS được phát triển bởi các nhà phân tích không gian địa lý của Lầu Năm Góc tại Châu Âu. Dữ liệu - được phân loại bằng mật mã của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ - được truyền từ địa điểm ở châu Âu đến một trạm liên kết tải xuống ở Ukraine do các chuyên gia Mỹ điều hành. Sau đó, dữ liệu lại được các chuyên gia Mỹ tải lên ATACMS.
"Vì vậy, hành trình [tên lửa] được Mỹ lập trình, dữ liệu được tải vào tên lửa và khi ấn nút bắn ra, nó sẽ được Mỹ... bắn vào Nga", Ritter nói. "Chỉ có người Mỹ mới có thể làm được điều đó."
Theo Sputnik, Điện Kremlin đã nhiều lần cảnh báo Washington về việc gia tăng can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc Mỹ “bật đèn xanh” cho các cuộc không kích của Ukraine sâu bên trong nước Nga bằng tên lửa ATACMS có nghĩa là một tình huống mới liên quan đến sự can dự của Washington.
ATACMS là gì?
Theo đài BBC (Anh), Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) là tên lửa đạn đạo đất đối đất có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 300 km, và chính tầm bắn đó khiến chúng trở nên đặc biệt quan trọng đối với Ukraine.
Được chế tạo bởi tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ Lockheed Martin, ATACMS được bắn từ Hệ thống tên lửa phóng loạt M270 (MLRS) hoặc Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS). Mỗi tên lửa có giá khoảng 1,5 triệu USD.
ATACMS sử dụng nhiên liệu tên lửa rắn và bay theo quỹ đạo đường đạn vào khí quyển trước khi quay trở lại với tốc độ cao và góc nghiêng lớn, khiến chúng khó bị đánh chặn.
Theo BBC, ATACMS có thể được thiết lập để mang theo hai loại đầu đạn khác nhau.
Loại thứ nhất là một đầu đạn với hàng trăm quả bom bi được thiết kế để tiêu diệt các khí tài bọc thép hạng nhẹ trên một khu vực rộng lớn. Những khí tài này có thể bao gồm máy bay đang đỗ, hệ thống phòng không và các khu vực tập trung quân. Loại đầu đạn này, mặc dù hữu hiệu, nhưng có nguy cơ để lại những quả bom bi chưa nổ gây ra rủi ro lâu dài sau khi cuộc giao tranh đã kết thúc.
Loại thứ hai là một đầu đạn đơn với sức công phá mạnh, nặng 225 kg, được thiết kế để phá hủy các cơ sở kiên cố và các công trình lớn hơn.
ATACMS đã xuất hiện trong nhiều thập kỷ. Chúng lần đầu tiên được sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Quân đội Mỹ đang có kế hoạch thay thế ATACMS bằng Tên lửa tấn công chính xác (PrSM) - một loại vũ khí nhanh hơn, gọn nhẹ hơn, có thể bay xa tới 500 km. Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine sẽ nhận được loại vũ khí này.