Chuyên gia hướng dẫn các bước giặt và bảo quản chăn lông cừu vào mùa thu đông
Miền Bắc nước ta đang chuẩn bị bước vào mùa đông, với tiết trời lạnh, khô. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, một bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng tới khu vực miền Bắc từ ngày 23 - 24/11.
Lúc này, vật dụng mọi gia đình đều cần thiết đó là những chiếc chăn ấm áp. Bên cạnh chăn bông hay chăn cotton, có một loại chăn được nhiều gia đình ưa chuộng sử dụng trong nhiều năm trở lại đây, đó là chăn lông cừu.
Về cơ bản, chăn lông cừu được làm từ len lông cừu, là một loại sợi cổ xưa do thiên nhiên tạo ra. Nó được sử dụng phổ biến từ nhiều thế kỷ trước, đặc biệt là ở những đất nước, khu vực có thời tiết lạnh giá.
Chăn lông cừu được nhiều gia đình lựa chọn bởi độ giữ nhiệt tốt lại mềm mịn. (Ảnh minh họa)
Chăn lông cừu có độ ấm và độ bền cao. Theo các đơn vị sản xuất lâu năm, khả năng giữ nhiệt của len lông cừu được đánh giá là tốt nhất trong tất cả các loại len. Ngoài ra, bề mặt len mềm mịn, có độ đàn hồi cao, có khả năng giữ nước và hút ẩm tốt nhưng vẫn vô cùng thoáng khí, làm giảm sự bí bách cho người sử dụng.
Chính bởi những ưu điểm trên, nên bên cạnh sử dụng để làm chăn, len lông cừu cũng được ưa chuộng trong các thiết kế quần áo may mặc, thời trang.
Tuy nhiên, việc vệ sinh chăn lông cừu lại là vấn đề khá lớn, cũng bởi cấu tạo của nó. Nếu không cẩn thận, chăn có thể bị hư hại, xơ, xù lông hay vón cục, thậm chí lại hỏng hoàn toàn.
Việc giặt không đúng cách có thể khiến chiếc chăn lông cừu bị hư hại hoặc hỏng hoàn toàn. (Ảnh minh họa)
Một chuyên gia có 30 năm kinh nghiệm về quản lý hộ gia đình và 12 năm về các phương pháp, thói quen dọn dẹp nhà cửa đã đưa ra những lời khuyên về các bước giặt chăn lông cừu đúng cách, được đăng tải trên chuyên trang The Spruce.
Trước khi tiến hành giặt chăn lông cừu, cần chú ý ngay từ những công đoạn đầu tiên. Hãy sử dụng những loại bột hay nước giặt nhẹ, không có tính tẩy rửa quá mạnh, giặt bằng nước lạnh với chu kỳ nhẹ của máy giặt. Nếu muốn chăn khô nhanh, có thể dùng với máy sấy nhưng chỉ sấy ở nhiệt độ thấp. Đặc biệt, chăn lông cừu không được là, ủi.
Các bước giặt chăn lông cừu an toàn
Chăn lông cừu có thể giặt cả bằng tay và bằng máy. Vì vậy các gia đình không cần lo về quá trình giặt gây tốn thời gian và công sức.
Giặt chăn lông cừu bằng máy giặt
Trước khi cho chăn lông cừu nhà mình vào máy giặt, bạn cần kiểm tra, đọc kỹ các loại nhãn mác được đính trên chăn. Trên nhãn, mác này, sẽ có ghi quy định, khuyến cáo cụ thể cho việc giặt và sử dụng chăn.
Một số ký hiệu phổ biến đó là chăn được giặt với nhiệt độ là bao nhiêu, có được sấy hay không, giặt khô hay giặt ướt.
Trước khi giặt, đọc kỹ nhãn mác có chứa các quy định, hướng dẫn giặt. (Ảnh minh họa)
Tiếp đến, nếu trên chiếc chăn lông cừu nhà bạn có nhiều vết bẩn lớn hay cứng đầu, đã bám lâu ngày, có thể xử lý qua bằng phương pháp thủ công trước khi cho vào máy giặt. Hãy sử dụng chất tẩy rửa hay bột giặt, thoa lên vết bẩn và vò, chà qua để làm vết bẩn mềm ra. Có như vậy, khi cho vào máy giặt, nó mới có thể được giải quyết hoàn toàn.
Khi cho vào máy giặt, lưu ý về chọn nhiệt độ nước và chu kỳ máy giặt, tuân thủ hướng dẫn trên phần nhãn, mác của chăn đã xem trước đó. Nếu chăn chỉ bẩn ở mức độ nhẹ, hoặc chỉ đơn giản là bạn vệ sinh chúng định kỳ, chỉ nên chọn chu trình giặt nhẹ nhất, để tránh làm mòn, xơ các sợi vải.
Làm sạch qua các vết bẩn lớn trên chăn. (Ảnh minh họa)
Chọn chu trình giặt nhẹ nhàng với máy giặt. (Ảnh minh họa)
Nếu chăn bẩn hơn hoặc được sử dụng cho thú cưng, chọn chế độ trung bình. Chế độ này vừa giặt lạnh, lại vừa có tốc độ quay của lồng giặt thấp, tránh gây ra các nếp nhăn hay vón cục cho chăn.
Khi giặt chăn lông cừu, tốt hơn hết không nên cố gắng gom nhiều loại chăn khác vào để giặt cùng. Bởi các sợi len, vải lông cừu có thể hút xơ vải từ các loại chất liệu khác như vải nỉ bông hay vải bông.
Phân loại chăn lông cừu, không giặt chung với các loại chăn bông khác. (Ảnh minh họa)
Cuối cùng là công đoạn phơi khô chăn lông cừu sau khi đã hoàn thành giặt với máy. Cách tốt nhất để làm khô là phơi chăn và để khô tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời và không khí tự nhiên. Điều này giúp ngăn chặn hiện tượng chăn bị tĩnh điện và ma sát các sợi len, gây vón cục.
Giặt chăn lông cừu bằng tay
Nếu muốn đảm bảo chiếc chăn lông cừu nhà mình được giặt một cách an toàn nhất có thể, bạn cũng có thể chọn giặt tay. Tuy nhiên, bạn cần có một chiếc thùng hoặc một chiếc chậu đủ lớn. Bởi khi giặt chăn bằng tay, chăn cần được ngâm ngập nước, mà vẫn có khoảng trống để con người tiến hành giặt.
Tương tự như cách giặt với máy, hãy sử dụng chất tẩy rửa nhẹ và nước lạnh để giặt chăn lông cừu. Nếu chăn có nhiều vết bẩn cứng đầu, hãy vò qua chúng trước.
Đừng vội giặt ngay cả chiếc chăn lông cừu lớn và dày, việc đầu tiên cần làm là ngâm nó trong hỗn hợp bột giặt hay chất tẩy rửa. Thời gian ngâm hợp lý là 20 phút. Sau khi kết thúc chu trình này thì vắt nhẹ, rồi xả lại với nước sạch.
Trước khi giặt, ngâm chăn lông cừu trong nước lạnh với bột giặt khoảng 20 phút. (Ảnh minh họa)
Tiến hành quá trình vò và giũ chăn nhiều lần. (Ảnh minh họa)
Lặp đi lặp lại quá trình vò lại chăn với nước sạch khoảng vài lần, nhấc chăn lên xuống với nước để giũ sạch chất bẩn và các sợi vải.
Cuối cùng là đem chăn đi phơi dưới ánh nắng mặt trời và không khí tự nhiên. Lưu ý, ngay cả khi đã giặt chăn xong, không vắt kiệt nước chăn bằng tay. Cứ để chúng đọng một lượng nước nhỏ và đem phơi luôn. Nên phơi trong sân, vườn để tránh trường hợp nước nhỏ giọt, gây trơn trượt cho các thành viên trong gia đình.
Phơi chăn dưới ánh nắng và không khí tự nhiên. (Ảnh minh họa)
Sau khi chăn đã được giặt sạch và phơi khô hoàn toàn, nếu muốn cất đi, hãy cuộn tròn chăn để tránh nhàu, bảo quản nơi khô ráo.
Theo The Spruce