Chỉ từ ngày 26/8-31/8, tại TP.HCM đã có 26 cây bị ngã, 32 cây bị gãy nhánh làm 2 người chết, 1 người bị thương.
Hiện trường cây xanh gãy đổ làm chết anh Từ Minh Khải (25 tuổi, quê Kon Tum) vào chiều 28/8 tại đường An Dương Vương, Q.5
Xác định tuổi của cây
Kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm, Chánh Văn phòng Hiệp hội Công viên Cây xanh Việt Nam thông tin, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cây xanh bị ngã, gãy trong thời gian qua (từ ngày 26/8 đến nay) là do đã già cỗi.
Kỹ sư Kiểm chỉ ra: Cây càng già thì càng có nhiều khiếm khuyết mà bằng mắt thường không thể biết được và cũng không có máy móc đủ hiện đại để “siêu âm”.
Đặc biệt, các tòa nhà cao tầng ở TP HCM ngày càng nhiều, tạo ra những luồng gió mạnh quật ngã, gãy cây.
Thêm nguyên nhân là tình trạng đào đường để lắp đặt các công trình ngầm, sau đó bê-tông hóa vỉa hè khiến rễ cây không có không gian sinh trưởng.
“Nhiều vụ cây bật gốc gần đây cho thấy rễ cọc bị mục gần hết, chỉ còn lưa thưa rễ nhánh mọc sát mặt đất nên không đủ sức chống đỡ trước gió giật” ông Kiểm nhận định.
Để ngăn ngừa cây đổ, kỹ sư Nguyễn Trịnh Kiểm cho rằng: TP HCM cần có kế hoạch thay thế dần các cây lâu năm như dầu, sao, sọ khỉ, lim xẹt…
Theo ông Kiểm, cách đây khoảng 15 năm, khi còn làm việc tại Công ty Công viên Cây xanh TP, ông đã có danh sách cụ thể những cây cần đốn và thay thế nhưng các cơ quan chức năng chỉ ghi nhận và chưa thực hiện.
“Cây xanh đô thị bên cạnh việc phải bảo đảm yêu cầu về cảnh quan, cải thiện môi trường, tạo bóng mát…thì bảo đảm an toàn về tài sản và tính mạng của người dân là yếu tố quan trọng nhất.
Hiện TP còn trên 5.000 cây dầu loại 3 (có chiều cao hơn 12m như trên đường An Dương Vương) tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm” - ông Kiểm thông tin.
Ông Kiểm cho hay, TP.HCM cần phải xác định tuổi của cây rồi phân loại, thay thế.
Cụ thể, như đối với cây sao, dầu thì nên từ 80-100 tuổi; sọ khỉ từ 60-80 tuổi; me, phượng 40-60 tuổi; lim xẹt dưới 40 tuổi. Tuy nhiên, theo kỹ sư Kiểm, các cây ngã đổ lớn thường quá tuổi đời quy định.
Vị kỹ sư này cũng chỉ ra đặc tính của cây dầu như nhìn biểu hiện bên ngoài vẫn còn tươi nhưng có thể trong gốc đã bị mục tuy chưa đến mức làm héo lá mà các phương tiện không đủ hiện đại để khảo sát.
Cây sao dễ bị tét nhánh ở các cành thứ cấp bám không chặt vào cây.
“Có thể dự báo và xử lý trước được việc cây xanh bật gốc gãy đổ”
Liên quan đến vụ cây ngã đổ, Tiến Sỹ (TS) Lê Bá Toàn, nguyên trưởng khoa Lâm Nghiệp của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cho biết: “Có thể dự báo và xử lý trước được việc cây xanh bật gốc gãy đổ”
Theo TS Toàn, vấn đề đặt ra là các đơn vị được giao quản lý cây xanh trên đường phố và công viên,… phải tổ chức việc khảo sát kỹ các đặc điểm về sinh trưởng (D, H vút ngọn, H dưới cành, tuổi trồng, D tán, phẩm chất từng cây về (hệ rễ, thân, ngọn, cành và tán lá), các đặc điểm về sâu bệnh, u nần, bọng, mục, các đặc điểm về công trình hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng, có hình ảnh chụp và quay VideoClip từng đặc điểm của cây,...
Từ đó, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) xây dựng bản đồ số và phần mềm quản lý và đề xuất biện pháp xử lý từng cây cho cơ quan chức năng (trước mùa mưa bảo) trong năm tới và khảo sát cập nhật dữ liệu thông tin hàng năm (trước mùa mưa bảo).
Để ngăn ngừa cây xanh tiếp tục gây họa, TS Toàn chỉ ra: Trước mắt, Công ty TNHH Một thành viên Công viên Cây Xanh TP cần thành lập đoàn để khảo sát đánh giá nhanh sinh trưởng, phẩm chất cây trên từng đường phố, công viên,…có khả năng dễ bật gốc, gãy đổ để đề xuất ngay biện pháp trình tới các cơ quan chức năng duyệt xử lý ngay.
Về lâu dài: phải tổ chức việc khảo sát kỹ các đặc điểm về sinh trưởng (D, H vút ngọn, H dưới cành, tuổi trồng, D tán, phẩm chất từng cây về (hệ rễ, thân, ngọn, cành và tán lá), các đặc điểm về sâu bệnh, u nần, bọng, mục, các đặc điểm về công trình hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng, có hình ảnh chụp và quay VideoClip từng đặc điểm của cây.
Từ đó, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) xây dựng bản đồ số và phần mềm quản lý và đề xuất biện pháp xử lý từng cây cho cơ quan chức năng (trước mùa mưa bảo) trong năm tới và khảo sát cập nhật dữ liệu thông tin hàng năm (trước mùa mưa bảo).