Không nên vội đổ lỗi cho tài xế?
Tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành GTVT năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có những phát biểu gây chú ý gây ra tranh cãi trong giới tài xế.
Theo đó, người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải đã có đề xuất tước bằng lái vĩnh viễn của các tài xế gây tai nạn nghiêm trọng.
"Bộ sẽ tham mưu sửa đổi Nghị định 46 theo hướng tập trung nêu trách nhiệm của DN trong quản lý phương tiện, tài xế, thu hồi vĩnh viễn bằng lái với những lái xe để xảy ra tai nạn nghiêm trọng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu.
Trao đổi với PV, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cho biết, bản thân ông không đồng với đề xuất này và ý kiến của Bộ trưởng xuất phát từ "bức xúc quá" trước nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian qua nên có tính chất "nóng vội".
Ông nói, bất cứ giải pháp nào được đưa ra để xử lý các vấn đề liên quan đến tai nạn giao thông đều phải căn cứ vào pháp luật chứ không phải bằng biện pháp hành chính.
Ảnh hiện trường vụ tai nạn ở Long An.
Quan trọng hơn, không được vội vàng đổ lỗi cho lái xe kể cả trường hợp người lái xe đó điều khiển phương tiện liên quan đến một vụ TNGT nghiêm trọng.
“Phải phân tích, điều tra nguyên nhân gây ra tai nạn và người lái xe lỗi như thế nào phải chịu đến mức đó.
Ví dụ, người lái xe uống rượu bia, dương tính ma túy không làm chủ tay lái đâm vào người dân như vụ Long An vừa rồi thì lỗi do lái xe và họ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Còn có những vụ tai nạn lái xe gây ra nhưng lỗi không phải do lái xe mà do vấn đề điểm đen giao thông, thiếu các phương tiện hay do lỗi của người tham gia giao thông khác...
Thực tế, đã có những vụ tài xế đâm chết người nhưng do lỗi của người đi bộ đi sai hay phương tiện khác đi sai. Do đó, chúng ta phải xem xét kỹ và nếu nói như đề xuất của Bộ trưởng là nóng vội, chưa đầy đủ", TS Thủy nêu.
Vị chuyên gia giao thông này nhấn mạnh thêm, nhiều trưởng hợp tai nạn xảy ra do điểm đen giao thông hoặc thiếu các phương tiện để đảm bảo an toàn giao thông và trách nhiệm trong vấn đề này thuộc về Bộ GTVT.
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, cách đây vài năm cũng có đề xuất tịch thu bằng lái xe đối với tài xế gây tai nạn nghiêm trong và bản thân ông đã quyết liệt phản đối.
"Bởi đây là quyền công dân, quyền lao động của người dân và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật chứ không thể căn cứ vào đề xuất, ý chí của một hai người được.
Người lái xe sau khi chấp hành xong hình phạt do lỗi gây ra thì vẫn phải được lao động, làm việc không bị pháp luật cấm chứ không thể tước đi quyền của họ như đề xuất này được", ông Liên nói.
Phòng tránh tai nạn giao thông là trách nhiệm chính của cơ quan Nhà nước
Ông Bùi Danh Liên nêu rõ, khi một vụ tai nạn giao thông xảy ra thì nguyên nhân đến từ nhiều phía chứ không phải mỗi từ lái xe.
Ngay cả những vụ tai nạn giao thông liên hoàn, nghiêm trọng vừa xảy ra trong thời gian qua, theo ông Liên, lỗi trực tiếp ở lái xe và một phần do doanh nghiệp vận tải nhưng vẫn có trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước.
Vị chuyên gia này đề xuất, giải pháp tốt nhất để kéo giảm tai nạn giao thông không phải là nhằm vào một đối tượng cụ thể nào mà phải xây dựng được một gói giải pháp tổng thể và bền vững. Trong đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước mang tính chất quyết định.
Đó là tăng cường công tác kiểm soát, nâng cao chất lượng đào tạo lái xe; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; xử lý triệt để những "điểm đen" giao thông, những đoạn đường hư hỏng, xuống cấp.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông; kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp DN vi phạm chế độ về giờ lao động, không đảm bảo sức khỏe lái xe...
"Chúng ta cứ nhăm nhăm nói trách nhiệm của người lái xe, doanh nghiệp nhưng cũng cần xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước khi đề ra các giải pháp phòng tránh tai nạn giao thông nhưng thực hiện không đến nơi, đến chốn.
Hay chỉ khi nào có vụ tai nạn nghiêm trọng mới đưa ra các văn bản, chỉ đạo... còn sau đó, lại để đấy, không thực hiện tốt...", ông Liên nhấn mạnh.
Ông kiến nghị thêm, đối với các tài xế gây tai nạn nghiêm trọng, sau khi chấp hành hình phạt, không nên tước bằng vĩnh viễn mà chỉ hạ bằng của họ, không cho phép lái xe cũ nữa.
"Ví dụ, họ đang lái xe tải lớn mà gây tai nạn nghiêm trọng thì sau khi chấp hành án xong thì hạ bằng, chỉ cho phép lái xe nhỏ, đồng thời, yêu cầu học, thi lại bằng lái xe và phải được giám sát chặt chẽ. Làm như vậy sẽ hài hòa, đảm bảo quyền của người dân", ông Liên nói thêm.
Đại tá CSGT ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Thể
Trong khi đó, Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó phòng hướng dẫn luật, điều tra, xử lý TNGT, Cục CSGT cho hay, bản thân ông rất ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.
Ông Sơn nói, thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, nguyên nhân chủ yếu do ý thức chấp hành luật giao thông của tài xế rất kém như sử dụng ma túy, uống rượu bia khi lái xe, chạy quá tốc độ, đi không đúng làn đường, vượt sai quy định…
"Bộ GTVT và Ủy ban ATGT Quốc gia nên khẩn trương thực hiện việc tổng kiểm tra, rà soát sức khoẻ lực lượng lái xe trên toàn quốc, đặc biệt là đối với lái xe container, xe bồn và xe khách đường dài…
Nếu làm quyết liệt, sẽ loại bỏ được không ít người không đủ điều kiện ngồi sau tay lái, ngăn ngừa được những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ lúc nào", ông Sơn nêu ý kiến.