Theo đó, giá vé lượt thấp nhất là 8.000 đồng; vé ngày là 30.000 đồng/ngày; vé tháng cho hành khách phổ thông là 200.000 đồng/tháng.
Giá vé trên đã có bảo hiểm hành khách và các chi phí trung gian thanh toán nếu có và được Thành phố trợ giá. Giá vé này áp dụng trong thời gian thí điểm vận hành thương mại.
TS Vũ Hồng Trường - TGĐ Hà Nội Metro. Ảnh: LĐO
Trao đổi với Lao Động, TS Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) cho biết, giá vé lượt được tính theo công thức: Giá vé (VNĐ) = 7.000 + 600 x khoảng cách đi lại (km).
"Giá vé lượt thấp nhất cho 1 chặng là 7.600 đồng, nhưng tiền vé sẽ được làm tròn theo đơn vị nghìn đồng.
Nếu hành khách trả tiền bằng thẻ nạp tiền trước thì sẽ bị trừ đúng số tiền như giá vé, hành khách nào trả tiền mặt sẽ tính giá vé làm tròn, tức là 1 chặng 7.600 đồng, dùng tiền mặt sẽ làm tròn lên 8.000 đồng", TGĐ Hà Nội Metro giải thích.
Liên quan tới giá vé của tuyến Cát Linh - Hà Đông, chuyên gia vận tải Thân Văn Thanh thẳng thắn đánh giá về mức giá tuyến Cát Linh - Hà Đông như UBND TP Hà Nội công bố là hợp lý.
Vì hiện nay giá vé tuyến đường sắt này đang chịu 2 sức ép, vừa phải tạo được sự thu hút với người tham gia giao thông, vừa phải bảo đảm được hoàn vốn cho dự án.
Trước 2 sức ép đó, ông Thanh cho rằng, trong giai đoạn hiện nay Công ty Hà Nội Metro không thể xây dựng được phương án giá vé đáp ứng được cho mục tiêu hoàn vốn dự án được, mà phải đưa ra giá vé thu hút hành khách.
Bình luận về giá vé tuyến đường sắt này, chuyên gia vận tải trên cho rằng "phương án giá vé được duyệt có nhiều tiến bộ".
"Tiến bộ đầu tiên là có phương án bán vé ngày, mua vé một lần có thể đi không giới hạn số lượt đi trong ngày. Đây là phương án tiền bộ mà chưa từng có phương tiện vận tải hành khách công cộng nào ở Hà Nội làm được.
Thứ 2 là giá vé phụ thuộc vào cự li di chuyển tính theo km", ông Thanh bình luận.
Trước đó, ngày 14.2, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Tổng thầu Trung Quốc đã đề xuất kết thúc chạy thử dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào cuối quý 1.2019 và phấn đấu thử nghiệm chở khách trong tháng 4.2019.
Bộ GTVT đang giao Ban Quản lý Dự án đường sắt và Công ty Hà Nội Metro rà soát các hạng mục, báo cáo Bộ để có quyết định chính thức.
Trước đó, Tổng thầu Trung Quốc lên tiến độ chạy thử của tàu Cát Linh - Hà Đông từ tháng 10.2018, dự kiến khai thác thương mại sau từ 3 đến 6 tháng.
Hiện dự án còn khoảng 4% khối lượng thi công liên quan tới một số hạng mục thô như đường dẫn, nhà chờ.
Sau khi kết thúc chạy thử, dự án được đánh giá kết quả an toàn của Cục Đăng kiểm Việt Nam và đơn vị độc lập của Pháp; sau đó là công đoạn nghiệm thu và bàn giao cho TP Hà Nội quản lý, khai thác thương mại.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa.
Trên tuyến có 12 nhà ga trên cao, gồm: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành đai 3, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông, La Khê, Văn Khê và Yên Nghĩa.
Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Tần suất khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến.