Chuyên gia giải mã thương vụ GSM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đầu tư vào Be Group, chỉ ra mấu chốt quyết định 90% khả năng thành công

Bài:Hoàng An, Ảnh:Fanpage, GSM Thiết kế:Hải An |

Các doanh nghiệp liên quan là VinFast-GSM, Be Group, và cả VPBank có thể được lợi gì khi triển khai mô hình này?

Một sự kiện rất được chú ý gần đây là việc tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (Green - Smart - Mobility) và hợp tác với Be Group nhằm đưa ô tô điện và xe máy điện vào hoạt động dịch vụ vận tải lần đầu tiên tại Việt Nam.

Tiến sĩ Ngô Công Trường - Top 40 chuyên gia xuất sắc nhất của Hiệp Hội chất lượng Hoa Kỳ, Giám đốc Hiệp hội Xe hơi của ASQ tại Việt Nam - và Thạc sỹ Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám Đốc CTCP Tư vấn và giáo dục John&Partners đã trao đổi với chúng tôi một số góc nhìn về thương vụ này.

Chuyên gia giải mã thương vụ GSM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đầu tư vào Be Group, chỉ ra mấu chốt quyết định 90% khả năng thành công - Ảnh 1.

Việc các nhà sản xuất ô tô mở doanh nghiệp taxi, rồi lại kết hợp với ứng dụng gọi xe đã có tiền lệ hay chưa? Mô hình này có gì đặc biệt cần lưu ý?

TS Ngô Công Trường: Việc một doanh nghiệp sản xuất xe hơi sau đó cung cấp luôn dịch vụ taxi (nói rộng ra là các dịch vụ vận chuyển) thì đã từng có. Đó là trường hợp của tập đoàn Checker Motors (Checker Motors Corporation) tại Mỹ. Tập đoàn này đã từng sở hữu công ty Yellow Cab, công ty taxi với những chiếc xe taxi vàng, biểu tượng của thành phố New York. Tuy nhiên, đó là khoảng gần 100 năm trước và công ty này cũng đã không còn hoạt động trong lĩnh vực này.

Hiện nay, thì việc một công ty xe hơi sở hữu công ty taxi, vận tải là hiếm có, nhưng việc các doanh nghiệp sản xuất xe hơi tham gia hợp tác hoặc làm cổ đông các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển là có. Điển hình như Toyota tham gia đầu tư vào Grab và Uber. Công ty General Motors (GM) cũng đầu tư vào Lyft.

Việc cần lưu ý ở đây, theo tôi là một doanh nghiệp sản xuất xe hơi tham gia sở hữu và điều hành một công ty taxi trong thực tế có thể gặp một số vướng mắc. Trong đó quan trọng nhất là năng lực vận hành một công ty dịch vụ. Doanh nghiệp sản xuất có những năng lực riêng và văn hóa doanh nghiệp cũng có những điểm không phù hợp cho một công ty dịch vụ. Do đó, không chỉ trong lĩnh vực xe hơi, trong các lĩnh vực khác, trong quá trình tư vấn các doanh nghiệp, chúng tôi cũng kiến nghị các doanh nghiệp cẩn trọng khi thực hiện các hoạt động M&A theo chuỗi giá trị khi chưa có đủ năng lực quản trị.

Trường hợp của GSM và Be Group thì sao?

Trường hợp của GSM, theo thông tin hiện nay, giai đoạn một của hợp tác là GSM đầu tư vào Be Group hợp tác cung cấp xe điện cho tài xế của Be Group. GSM cũng tuyển dụng tài xế và cung cấp dịch vụ vận chuyển qua App của Be. Do đó, có thể nói nôm na là GSM là “kho thành phẩm” và kiếm tiền bằng cách cho thuê xe hoặc hợp tác kinh doanh với tài xế. Dịch vụ bán hàng và cả chăm sóc khách hàng (kết nối người dùng và tài xế) được outsource (thuê ngoài) qua Be.

Chuyên gia giải mã thương vụ GSM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đầu tư vào Be Group, chỉ ra mấu chốt quyết định 90% khả năng thành công - Ảnh 2.

Cách thức này không mới nhưng cũng sẽ là giải pháp tốt cho VinFast tại thời điểm này. Với cách thức này thì VinFast gần như không phải là đơn vị vận hành dịch vụ vận chuyển mà chỉ tham gia vào app của Be Group để kết nối tài xế của GSM. 

Chuyên gia giải mã thương vụ GSM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đầu tư vào Be Group, chỉ ra mấu chốt quyết định 90% khả năng thành công - Ảnh 3.

Theo các ông, VinFast sẽ được lợi thế nào từ mô hình này?

ThS Nguyễn Thế Trung: Với VinFast, trước tiên, VinFast có thể bán nhanh ra một lượng xe và giải quyết bài toán về hàng tồn kho (chuyển hàng tồn kho qua GSM). Trong bối cảnh năm nay, tiêu dùng đang có chậm lại và việc bán xe trực tiếp đến người tiêu dùng cuối cùng (B2C) sẽ khá thách thức cho VinFast.

Đối với các xe tại GSM được cho thuê để tham gia hoạt động taxi, việc này cũng sẽ giúp VinFast tận dụng hàng tồn kho để tạo ra dòng tiền.

Khi hợp tác với Be Group, VinFast sẽ bán xe/cho thuê xe cho tài xế. Về bản chất đây là dịch chuyển kênh bán hàng qua bán hàng B2B. Trong đó, người mua xe chính là người làm kinh doanh dịch vụ vận chuyển và họ có nguồn doanh thu để chi trả tiền vay mua xe.

Một lợi ích khác cho VinFast, là thông qua việc đưa một lượng xe lớn vào hoạt động liên tục (xe thương mại sẽ di chuyển nhiều hơn rất nhiều so với xe gia đình), họ sẽ có một lượng lớn dữ liệu để sử dụng như: số liệu về lỗi, hỏng hóc thường gặp để làm cải tiến, dữ liệu về pin, các dữ liệu để phát triển hệ thống lái tự hành mà VinFast đang xây dựng…

Chuyên gia giải mã thương vụ GSM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đầu tư vào Be Group, chỉ ra mấu chốt quyết định 90% khả năng thành công - Ảnh 4.

Với số lượng xe bán ra nhiều, việc phổ cập thương hiệu VinFast tại Việt Nam cũng sẽ là lợi thế cho VinFast để tiếp tục huy động vốn . Số lượng xe được bán ra tăng đồng nghĩa với dòng doanh thu từ các dịch vụ sau bán như bảo hành, bảo dưỡng, bán linh phụ kiện cũng sẽ gia tăng. Đây cũng sẽ là cơ sở để VinFast đưa vào dự phóng dòng doanh thu cho các hoạt động kêu gọi đầu tư.

Còn Be Group và các bên liên quan khác thì sao?

ThS Nguyễn Thế Trung: Đối với Be Group , việc hợp tác này cũng đem lại cơ hội cho việc gia tăng số lượng đội ngũ tài xế trong ứng dụng của họ, mở rộng thị phần, tăng số lượng người sử dụng app, tăng đáng kể khả năng cạnh tranh với các đối thủ hiện nay như Grab. Ngoài ra, việc được VinFast đầu tư cũng sẽ gia tăng cơ hội của Be Group trong việc tiếp tục huy động thêm vốn trong các vòng gọi vốn sau.

Về dòng doanh thu, chúng tôi chưa rõ chi tiết về thỏa thuận, nhưng chúng tôi tin là việc hợp tác cũng gia tăng đáng kể dòng doanh thu cho Be Group.

Mặt khác, các tài xế cũng sẽ là người hưởng lợi từ thương vụ này. Tham gia mua xe điện kinh doanh sẽ là lựa chọn mới cho họ để tiết kiệm chi phí xăng dầu. Ngoài ra, tài xế tham gia chương trình này cũng được sự hỗ trợ của ngân hàng, cụ thể là VPBank, trong việc cho vay mua xe. Tham gia làm tài xế của GSM cũng có thể mức thu nhập khá tốt với phần lương cứng và bảo hiểm xã hội. Đây cũng là lựa chọn thêm cho các tài xế muốn tham gia nhưng chưa muốn đầu tư xe.

Còn với ngân hàng VPBank , một bên chưa được nhắc tới nhiều, chúng tôi lại nhận thấy ngân hàng này đóng vai trò không hề nhỏ. Được biết, VPBank đang là ngân hàng dẫn đầu về thị phần cho vay mua xe. Việc tiếp tục tham gia cho vay mua xe của GSM sẽ giúp cho VPBank giữ vững vị trí dẫn đầu và mở rộng tệp khách hàng. Các khách hàng vay mua xe là nhóm khách hàng sẽ phát sinh thêm nhiều nhu cầu dịch vụ tài chính khác mà VPBank có thể tiếp tục khai thác.

Như vậy, trong các bên liên quan này, vai trò của ngân hàng rất quan trọng vì nếu thiếu ngân hàng thì ý tưởng kinh doanh này sẽ không khả thi. Chúng tôi chưa rõ những mục tiêu (objectives) của dự án này, nhưng theo góc nhìn của chúng tôi thì dự án này sẽ thành công trong việc dịch chuyển được một phần tín dụng từ VinFast qua người mua xe thông qua việc bán hàng kết hợp cho vay của ngân hàng.

Trong thực tế, rất nhiều công ty xe hơi có công ty tài chính để cho vay người mua xe (Toyota, Hyundai….). VinFast hiện nay chưa có công ty tài chính, nên việc hợp tác với các ngân hàng là việc cần phải làm.

Với mô hình đó, thách thức đặt ra cho các bên sẽ là gì?

Chúng tôi cho rằng, có thể có hai thách thức đối với dự án này. Thứ nhất là từ phía ngân hàng, như đã trình bày ở trên, việc các chính sách cho vay, lãi suất, hỗ trợ… có phù hợp để khuyến khích một lượng lớn tài xế mua xe hay không là một thách thức.

Thứ hai là yếu tố vận hành, việc quản trị vận hành ở quy mô lớn luôn là vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải giải quyết. Trước mắt Be sẽ vận hành qua App của Be và theo chuẩn mực dịch vụ của Be. Tuy nhiên, trong tương lai, nhân sự của Be có đáp ứng được việc duy trì (hoặc nâng cao) chuẩn mực dịch vụ ở quy mô lớn hơn thì vẫn là bài toán khó cần giải quyết.

Chuyên gia giải mã thương vụ GSM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đầu tư vào Be Group, chỉ ra mấu chốt quyết định 90% khả năng thành công - Ảnh 5.

Theo các ông, yếu tố then chốt quyết định tính khả thi của mô hình này ở Việt Nam sẽ là gì?

TS Ngô Công Trường: Chúng tôi đánh giá cao ý tưởng và mô hình kinh doanh này. Mô hình này cũng không quá mới và có những lý do để nó trở nên khả thi. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt rất rõ phần thượng tầng là mô hình kinh doanh, chiến lược; và phần hạ tầng: là hệ thống, quy trình, vận hành.

Có một thực tế mà chúng tôi thường nhắc đến đó là tại Việt Nam, phần thượng tầng (Hoshin: định hướng/ hướng đi) thường được làm rất tốt bởi người Việt rất thông minh và học hỏi nhanh. Phần hạ tầng để đi vào thực thi (Kanri: Thực thi/ triển khai/ quản lý) thì lại không được làm tốt.

Chuyên gia giải mã thương vụ GSM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đầu tư vào Be Group, chỉ ra mấu chốt quyết định 90% khả năng thành công - Ảnh 6.

Do đó, trong mô hình quản trị chiến lược và thực thi kinh điển Hoshin Kanri của Operational Excellence (vận hành xuất sắc), việc tập trung vào thực thi và điều chỉnh theo vòng xoay cải tiến PDCA là cực kỳ quan trọng. Có như vậy thì mới tránh được hiện tượng “đầu voi đuôi chuột”.

Do đó, theo quan điểm của chúng tôi, tính khả thi của dự án này phụ thuộc 90% vào thực thi và vận hành hơn là mô hình. Vì mô hình này khá là chuẩn và đã có những bằng chứng khả thi (gọi là proven model).

Vậy để tăng tính khả thi cho dự án này, các ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp?

TS Ngô Công Trường: Đầu tiên, về khả năng vận hành, tối ưu và cải tiến liên tục là một năng lực mà doanh nghiệp cần được xây dựng. Và để có năng lực này, doanh nghiệp cần tiếp cận một cách bài bản theo các chuẩn mực mà thế giới đã có, để tránh tự mò mẫm và “phát minh lại bánh xe”.

Hiện nay, Operational Excellence (OE - tối ưu hóa cấu trúc vận hành doanh nghiệp) và Lean Six Sigma đã được chuẩn hóa thành những bộ công cụ tối ưu. Các doanh nghiệp có thể hướng theo các chuẩn mực của thế giới để xây dựng đội ngũ có các chứng chỉ về Lean Six Sigma (Green belt - đai xanh, Black belt - đai đen). Họ sẽ là những người “lãnh đạo cải tiến/ đổi mới” được gọi là Change Agent trong doanh nghiệp. Với đội ngũ này, những lãng phí, tổn thất, hàng lỗi, chất lượng dịch vụ… mới có thể được cải tiến liên tục theo một phương pháp khoa học.

Tại John&Partners, chúng tôi đã giới thiệu OE và Lean Six Sigma theo chuẩn của Hiệp hội chất lượng Hoa Kỳ, ASQ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hơn 10 năm qua.

Về phía lãnh đạo các doanh nghiệp, các lãnh đạo nên học hỏi giao lưu với các chuyên gia hàng đầu thế giới và các CEO các tập đoàn lớn. Hiện nay, việc này không hề khó khăn. Các hội thảo lớn như ASQ, SHRM, SIBOS… là cơ hội gặp gỡ và học hỏi rất tuyệt vời với chi phí rất rẻ. Giả dụ, nếu như các lãnh đạo cần biết về ChatGPT hay góc nhìn của IBM về ChatGPT, hãy tham dự các hội thảo này và hỏi trực tiếp người sáng lập ChatGPT hay CEO của IBM. Các mô hình khác cũng tương tự.

Năm nay, hội thảo ASQ thường niên sẽ tổ chức vào tháng 5 tại Philadelphia, Hoa Kỳ (cũng là đại bản doanh của IBM). Theo chúng tôi biết mới chỉ có 2 người Việt Nam đăng ký. Đại diện các doanh nghiệp muốn tham gia ngành phụ kiện xe hơi có thể tham gia ASQ và gia nhập Hiệp hội xe hơi của ASQ. Trong đó, những tiêu chuẩn và áp dụng thực tế về các chuẩn mực như IATF16949 được chia sẻ rất cởi mở và những hợp tác kinh doanh luôn được thảo luận. Nếu tham gia các sự kiện này, thời gian đi tìm hiểu, tìm kiếm đối tác sẽ giảm đi rất nhiều.

Tóm lại, chúng tôi khuyến khích các lãnh đạo doanh nghiệp hãy tận dụng cơ hội để học hỏi từ những người giỏi nhất. Như thế, chắc chắn con đường thành công sẽ được rút ngắn hơn rất nhiều.

Cảm ơn hai ông!


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại