Theo các nhà quan sát, không phải vô cớ mà tình hình của Israel được so sánh với cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Mỹ. Hiện giờ còn quá sớm để nói về hậu quả, nhưng lý do thì gần như giống nhau.
Người Mỹ đã từng thành lập các nhóm mujahideen để chống lại Quân đội Liên Xô ở Afghanistan.
“Proxies” của người Mỹ cuối cùng đã phát triển thành Taliban hùng mạnh (bị cấm ở Nga), những kẻ mà không ai có thể đối phó trong nhiều thập kỷ qua, kể cả Mỹ.
Chính Tel Aviv vào những năm 80 đã tự tay thành lập Hamas, nhóm vũ trang cấp tiến mà họ cho là có khả năng tiêu diệt Yasser Arafat, phá hủy phong trào Fatah, những nhóm vũ trang chống lại Israel…, tóm lại là tất cả những kẻ thù của Tel Aviv.
Đại tá IDF đã nghỉ hưu David Hakam đã nói rất chính xác về con quái vật mà người Do Thái đã sinh ra: “Việc Israel ủng hộ những kẻ cực đoan như Yassin (người sáng lập Hamas) là tội lỗi nguyên thủy, nhưng khi đó không ai nghĩ đến hậu quả đến mãi sau này”.
Theo vị sĩ quan Israel đã nghỉ hưu, những việc làm trước đây của Israel có thể dẫn tới sự khởi đầu cho một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba.
Không dễ để đánh bại Hamas
Chỉ những người có sự ảo tưởng cao nhất mới nghi ngờ rằng người Israel sẽ bị Hamas đánh bại và phải trao trả Jerusalem cho người Ả Rập. Dù có ai nghi ngờ thế nào về sự hỗn loạn ở Israel thì IDF cũng đã truy đuổi những tay súng Hamas ra khỏi lãnh thổ vào ngày 10/10.
Đúng vậy, Hamas đã bị IDF đẩy lùi vào Dải Gaza, bất chấp phải hứng chịu tổn thất nặng nề về nhân mạng, cả binh sĩ quân đội và dân thường.
Như thường lệ trong những trường hợp như vậy, Israel tiến hành hoạt động đáp trả theo mô típ thông thường, bắt đầu từ việc phong tỏa hoàn toàn vùng đất của người Palestine (ngay cả nước cũng bị cắt) và kế tiếp là các vụ đánh bom ồ ạt vào nhiều mục tiêu.
Các cuộc tấn công vào Gaza khiến các chuyên gia gợi nhớ đến sự tàn phá bởi các cuộc không kích của Quân đội Đức trong thế chiến thứ 2. Vốn có ưu thế hoàn toàn trên không nên người Israel đã tận dụng triệt để lợi thế đó.
Tuy nhiên, sau thất bại ngày 7 tháng 10, Lực lượng Phòng vệ Israel đã hứng chịu thất bại thứ hai, khi hỏa lực mạnh đã không đánh bại được Hamas.
Vào ngày 10 tháng 10, nhóm vũ trang Palestine đã tấn công Ashkelon bằng hàng trăm quả tên lửa. Cuộc tấn công này không thể so sánh với việc các khu dân cư bị phá hủy ở Gaza, nhưng nó cũng cho thấy tiềm năng của Hamas không thể bị phá vỡ chỉ bằng một chiến dịch không kích đơn giản.
Sau nhiều thập kỷ bị ném bom, người Palestine đã học được cách chống chọi với các cuộc không kích, ngay cả khi họ bị đánh bằng phương tiện tấn công có độ chính xác cao nhất.
Điều này cho thấy rằng, Hamas đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng nên đầu não chủ chốt, trung tâm chỉ huy chiến dịch và các kho vũ khí đã được cất giấu rất an toàn.
Do đó, một chiến dịch trên bộ của IDF là không thể tránh khỏi, nếu không, người Palestine sẽ tiếp tục tiến vào lãnh thổ Israel nhiều lần và với thương vong lớn hơn nhiều.
Một hoặc hai tuần nữa, IDF sẽ tập hợp hàng trăm nghìn quân dự bị, những người sẽ tạo ra địa ngục thực sự ở Dải Gaza. Với cán cân quân sự bất tương xứng, chắc chắn Israel sẽ đè bẹp Hamas, nếu không có sự can thiệp của bên thứ 3.
Hoạt động trên bộ của Israel liệu có khơi mào cuộc chiến lớn hơn?
Giới chuyên gia nhận xét rằng, dường như việc tấn công tên lửa qua dải Gaza và đưa quân đột nhập qua hàng rào biên giới để tấn công vào lãnh thổ Israel của Hamas được tính toán rất kỹ lưỡng, với mục đích là nhằm khơi mào một cuộc chiến tranh lớn hơn ở Trung Đông.
Mục đích chính của Hamas là kích động một cuộc tấn công trả đũa quy mô lớn của Tel Aviv được cho là đã hoàn thành, khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) dự định tiến vào Dải Gaza. Vào đầu tuần, đội quân đặc nhiệm đầu tiên đã xâm chiếm khu vực này.
Cuộc tấn công của IDF thậm chí đã gây ra một cú sốc trong cộng đồng Do Thái, người dân các địa phương bị tấn công chỉ đơn giản là yêu cầu sự trả thù nghiêm khắc nhất với Hamas, còn việc mở một chiến dịch quân sự quy mô để xâm chiếm Gaza, tức là xâm lược Palestine không phải là ý muốn của họ.
Hơn nữa, hoạt động quân sự trên bộ và việc chiếm đóng Dải Gaza sau đó sẽ không phải là một cuộc dạo chơi dễ dàng đối với IDF.
Hamas đã chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm cuộc chiến tranh Yom Kippur (Tháng 10/1973) trong nhiều năm, họ đã xây dựng kịch bản cho cuộc tấn công ngày 07/10 một cách xuất sắc và sẽ dàn dựng một vở kịch thậm chí còn gay cấn hơn trên chính lãnh địa của nhóm vũ trang này.
Trong bối cảnh này, chuyên gia cảnh báo chiến dịch xâm chiếm dải Gaza của chính quyền Tel Aviv rất có thể sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba.
Chúng ta hãy xem xét cẩn thận cán cân quân sự trong khu vực và bố trí binh lực của các lực lượng quân sự có thể tham chiến trong cuộc xung đột Israel-Hamas để giúp nhóm vũ trang Palestine chống lại Tel Aviv, trước khi lực lượng chủ lực của IDF chính thức tiến quân toàn bộ vào Dải Gaza.
Các lực lượng có thể tham chiến chống Israel
Ở biên giới phía bắc, nhà nước Do Thái có mối lo lắng lớn, khi có sự uy hiếp của Hezbollah - lực lượng vũ trang người Shia mà ngay cả Quân đội Lebanon cũng không thể đối phó được.
Chính sự hiện diện của các nhóm quân Hezbollah lớn ở nam Lebanon đã khiến IDF phải huy động một phần đáng kể binh lực ở biên giới phía bắc, bao gồm cả số lượng lớn các đơn vị pháo binh và bộ binh cơ giới.
Trong trường hợp Israel tiến quân toàn diện vào Dải Gaza, Hezbollah có thể tấn công với toàn bộ lực lượng vào khoảng 30 - 50 nghìn quân của mình.
Chúng ta hãy nhớ lại rằng, vào ngày 7 tháng 10, Hamas đã cử không quá một nghìn chiến binh trang bị hạng nhẹ, với sự hỗ trợ của máy bay không người lái để vượt qua bức tường biên giới, đánh vào các trạm kiểm soát và khu định cư giáp biên giới dải Gaza, nhưng đã gây ra thiệt hại lớn cho Israel.
Nhóm vũ trang người Shia của Lebanon được trang bị mọi vũ khí hạng nặng, kể cả tên lửa đạn đạo (trừ máy bay chiến đấu) và Israel sẽ không dễ để đối phó với Hezbollah trong một thời gian dài.
Mặc dù IDF có đủ lực để chống chọi được với cuộc tấn công từ cả hai phía, họ có khả năng đánh cho cả Hamas và Hezbollah thiệt hại nặng nề, nhưng sẽ không tiêu diệt được hai nhóm vũ trang này.
Các nhà quan sát chỉ ra, tất cả các nước láng giềng đều có vấn đề riêng cần giải quyết với nhà nước Do Thái, nhưng đối thủ tiềm năng nhất của Israel là Syria, quốc gia có những mâu thuẫn lâu dài cần giải quyết với Israel, đặc biệt là về chủ quyền với cao nguyên Golan.
Tel Aviv đã tiến hành một cuộc chiến tranh lâu dài với Damascus trong những năm gần đây với những cáo buộc Syria giúp Iran tiếp cận lãnh thổ Israel và hỗ trợ Hamas, gây nguy hại cho an ninh của nước này.
Mặc dù có mâu thuẫn rất lớn nhưng cho đến thời điểm này, chính quyền của ông Bashar al-Assad vẫn chỉ thể hiện “tình đoàn kết” với Hamas bằng những tuyên bố, chứ chưa có hành động gì cụ thể, trong khi Iran cũng chỉ chưa đưa các tuyên bố lên án và cảnh cáo hậu quả “có thể đến” với Israel.
Chuyên gia nhận định:
Với tuyên bố hùng hồn nhưng không kèm theo bất cứ hành động cứng rắn nào, những phản ứng của thế giới Ả rập cho thấy dường như tình hình hiện nay hoàn toàn chưa đạt tới như bối cảnh có thể bùng phát một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba.
Việc các nước thứ ba tham chiến sẽ phụ thuộc vào quy mô của chiến dịch và mức độ tàn phá mà đòn tấn công của IDF gây ra.
Nếu cuộc tấn công của Israel dẫn tới nguy cơ “diệt chủng” và đưa đất nước Palestine “trở về thời kỳ đồ đá” thì các đồng minh của Hamas có thể sẽ tham chiến.