Ngày 13/12, Hội thảo "Điểm giao thoa Đông Bắc Á và Đông Nam Á: Các cường quốc, Sự mất trật tự toàn cầu và Tương lai của châu Á" do Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) tổ chức đưa ra kết luận là một trật tự thế giới phi tập trung có thể làm phân rã ASEAN.
Trong đó, các thành viên lục địa ASEAN ngả theo Trung Quốc, các quốc gia biển thì đang thiết lập các mối quan hệ gần gũi hơn, và Thái Lan thì đang "lơ lửng ở giữa".
Tại hội thảo trên, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Đại học Stanford Donald K Emmerson đã nêu ra viễn cảnh Đông Nam Á có thể sẽ không còn tồn tại theo mô hình hiện nay nữa.
Ông Donald nhận định "nếu không tính đến Việt Nam, 3 quốc gia lục địa khác trở thành một phần của một đại Trung Hoa và ASEAN sau đó sẽ bị thu hẹp lại trong phạm vi các quốc gia biển.
Việt Nam có các lý do lịch sử mà chúng ta đều nhận thức được rằng nước này sẽ không ngả theo Trung Quốc trừ khi vì lý do lợi ích an ninh quốc gia. Chúng ta cần phải nhớ rằng "ASEAN biển" có những khác biệt rõ ràng về vật chất và tôn giáo với Trung Quốc đại lục, bởi vì nhóm này có các nước Hồi giáo đa số".
Trong khi đó, ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện nghiên cứu An ninh và Quốc tế Thái Lan (ISIS) thuộc Đại học Chulalongkorn, chỉ ra rằng một số nước ASEAN lục địa vẫn duy trì được tính độc lập đối với Trung Quốc.
Ông Thitinan đánh giá "chúng ta không thể khẳng định rằng những nước này đang đi theo quỹ đạo của Trung Quốc bởi vì Việt Nam, và ở một mức độ thấp hơn là Thái Lan và Myanmar vẫn tương đối độc lập. Nhưng chúng ta có thể thấy Lào và Campuchia là một câu chuyện khác".
Bất chấp ưu thế vượt trội ở khu vực, Phó Giáo sư Thitinan cho biết Trung Quốc là "một thế lực cần phải xem xét" và lưu ý tới sự e ngại và nghi ngờ ngày càng tăng của ASEAN đối với cường quốc này.
Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Kasit Piromya lại cho rằng ông không thể từ bỏ ý tưởng về quá trình hội nhập của ASEAN. "10 nước chúng ta phải tìm cách hợp tác với nhau. Chúng ta không thể tách ra để bị Trung Quốc ‘ăn tươi nuốt sống’”, ông nói.