Cạnh tranh nước lớn hoàn toàn không phải là một điều mới lạ. Trên thực tế, cạnh tranh giữa Trung - Mỹ có không ít điểm giống với cạnh tranh giữa Anh và Đức vào thế kỷ 19, trang tin Đài tiếng nói Đức (DW) bản tiếng Trung nhận định.
Chuyên gia kinh tế Đức Markus Brunnermeier và hai học giả khác có chung quan điểm, cho rằng:
"Hai cuộc cạnh tranh đều xảy ra trong giai đoạn tiến trình toàn cầu hóa kinh tế và công nghệ có sự đổi mới mang tính đột phá.
Đều là một nền kinh tế do chính phủ giữ vai trò chủ đạo thách thức một nền kinh tế tự do của quốc gia dân chủ, đồng thời đều là hai nước có quan hệ chặt chẽ, cũng đều áp dụng các biện pháp như đe dọa thuế quan, đặt ra tiêu chuẩn, ăn cắp công nghệ, quyền lực tài chính và đầu tư cơ sở hạ tầng".
Theo các chuyên gia này, đây không chỉ là cuộc đối đầu giữa hai nước, mà còn là cuộc đối đầu giữa hai thể chế: "Sự khác nhau giữa hai thể chế kinh tế, khi hai nền kinh tế lớn ngày càng tiến gần lại với nhau, sẽ làm cho cường quốc lâu đời cảm thấy bị thách thức và đe dọa".
Vì vậy, quốc gia trỗi dậy cho rằng, cạnh tranh công bằng hoàn toàn không phải là chính, thực lực quốc gia mới là mục tiêu của họ. Sự va chạm này sẽ gây ảnh hưởng tới quan hệ giữa cường quốc lâu đời với cường quốc mới nổi.
Sự nghi ngờ của Đức và Trung Quốc đối với thị trường tự do Anh, Mỹ là nguyên nhân căn bản gây ra căng thẳng quan hệ kinh tế.
Vào thập niên 70 - 80 của thế kỷ 19, Thủ tướng Đức Otto von Bismarck đã sử dụng lý thuyết kinh tế lấy nhà nước làm chủ đạo của nhà kinh tế Friedrich Lish để phê phán chế độ "tự do, không can thiệp" của Anh, đồng thời chủ trương chủ nghĩa bảo hộ, kế hoạch kinh tế và các-ten (các tập đoàn lợi ích độc quyền).
Các chuyên gia cũng phát hiện, Trung Quốc cũng giống như Đức khi đó, đã nhanh chóng đuổi kịp đối thủ cạnh tranh về kinh tế và công nghệ.
Đức của thế kỷ 19 và Trung Quốc hiện nay đều có thể đột phá một số công nghệ để rút ngắn khoảng cách với đối thủ cạnh tranh; đối thủ cạnh tranh của họ sẽ gặp trở ngại bởi công nghệ lỗi thời, thậm chí các tập đoàn lợi ích sẽ ra tay can thiệp.
Chẳng hạn, khi đó, Đức đầu tư vào những công nghệ công nghiệp tiên tiến nhất, còn Anh lại tiếp tục dựa vào những thứ cũ kỹ, chỉ có hệ thống đường sắt với đường hầm nhỏ, nồi hơi của công nghiệp nặng cũng lạc hậu, lỗi thời.
Hiện nay, Trung Quốc sử dụng rộng rãi điện thoại thông minh để thanh toán, điều này có sự đối lập rõ rệt với thói quen thanh toán bằng thẻ tín dụng của phần lớn người Mỹ. Ngoài ra, so với Trung Quốc, Mỹ cũng không đẩy mạnh xây dựng đường sắt cao tốc.
Tốc độ phát triển của Đức ở thế kỷ 19 đã làm cho giới tinh hoa Anh khi đó cảm thấy khiếp sợ. Tương tự, Mỹ hiện nay cũng cảm thấy giật mình về tiến độ theo đuổi của Trung Quốc.
Robert Lighthizer, Đại diện thương mại Mỹ và Peter Navarro, Cố vấn thương mại của Nhà Trắng, Mỹ. Ảnh: The Japan Times. |
Các chuyên gia Đức cho rằng, cạnh tranh kinh tế giữa hai nước lớn có tính lâu dài, hai bên phần lớn có giữ thái độ kiên nhẫn, sẽ không làm theo cảm tính.
Tại sao phải dùng biện pháp thuế quan? Bởi, so với các biện pháp như dẫn trước công nghệ, đặt ra tiêu chuẩn, đầu tư cơ sở hạ tầng thì thuế quan là phương pháp trực quan, đơn giản, dễ kích thích thái độ của đối phương, người dân đối phương phẫn nộ sẽ lo ngại vị thế kinh tế và an ninh bị suy yếu.
Tuy nhiên, biện pháp thuế quan cũng có mặt tai hại: Thuế quan là một công cụ dễ sử dụng, nhưng những ảnh hưởng lâu dài về kinh tế và chính trị rất khó dự đoán, thậm chí càng khó kiểm soát.
Lấy Anh làm ví dụ, cuối cùng, biện pháp thuế quan đã làm suy yếu vị thế chiến lược của bản thân Anh. Điều này có lặp lại với Mỹ hay không thì còn phải quan sát lâu dài.