Đòn gây áp lực mới nhất về thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc có thể sẽ không đạt được hiệu quả như mong đợi, mà thay vào đó Bắc Kinh sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp kích thích nhằm bảo vệ nền kinh tế của mình khỏi những tổn thất lớn hơn, CNBC dẫn lời một nhà chiến lược của ngân hàng đầu tư Goldman Sach.
Hôm 1/8 vừa qua, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ áp thêm mức thuế bổ sung 10% đối với 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ ngày 1/9 tới. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc sẽ phải chịu thuế từ 10-25%.
Tất nhiên, trước đó Trung Quốc cũng đã chứng minh họ "không phải tay vừa" khi tung ra những đòn "trả miếng" tương xứng nhằm vào các mặt hàng của Mỹ.
Hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới này đã bị cuốn vào cuộc thương chiến dai dẳng từ năm ngoái, khiến thị trường và các nhà đầu tư trên thế giới bất an, đồng thời cũng ảnh hưởng tới sự tín nhiệm của doanh nghiệp.
Trước những bất an ấy, Trung Quốc sẽ phải hỗ trợ nền kinh tế trong nước nhằm đạt được mức tăng trưởng 6,5% như đã đề ra, ông Timothy Moe, giám đốc nghiên cứu vĩ mô châu Á và chiến lược công bằng châu Á Thái Bình Dương tại Goldman Sach, nhận định.
Mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc sau 2 quý đầu năm 2019 là 6,3%, theo số liệu của chính phủ Trung Quốc.
"Chúng tôi tin bước đi tiếp theo của Trung Quốc sẽ là kích thích kinh tế trong nước", ông Moe nói trong chương trình Street Signs của CNBC. "Ngành xuất khẩu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Do đó, để bù đắp cho những tác động tiêu cực ấy, [chính phủ Trung Quốc] cần đầu tư hoặc có các hoạt động phù hợp để kích thích nhu cầu trong nước".
"Chờ đợi mọi chuyện kết thúc"
Các nhà phân tích của ngân hàng Citi Bank cho biết vòng thuế quan mới nhất của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của quốc gia châu Á này giảm đến 2,7%, đồng thời giảm 50 điểm cơ sở trong tăng trưởng GDP. Trong khi đó, Trung Quốc vốn đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại từ những đòn giáng thuế quan trước đó.
Tuy nhiên, các nhà phân tích này tin rằng Bắc Kinh sẽ "sử dụng chiến thuật chờ đợi mọi chuyện kết thúc", thay vì "chịu thua" trước những yêu sách của Washington. Điều đó có nghĩa là họ sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, kích thích nhu cầu tiêu dùng và nhà nước sẽ "đóng vai trò chủ động hơn" trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước.
Một nhà kinh tế học của ngân hàng ING (Hà Lan), Iris Pang, tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng chiến thuật câu giờ, vì họ biết rằng ông Trump cũng sẽ không được lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, nếu "một cuộc thương chiến toàn diện" nổ ra.
"Chúng tôi tin rằng Trung Quốc sẽ cố gắng câu giờ trong quá trình đàm phán và tung đòn trả đũa. Bằng cách này, họ có thể kéo dài thời gian cho đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp theo", bà Pang kết luận.