Rau mùng tơi nhuận tràng, giảm mỡ máu
Theo lương y Vũ Quốc Trung, rau mùng tơi và rau dền là những rau quen thuộc và rất tốt cho hệ tiêu hóa, nhất là sau dịp Tết. Nếu thường xuyên ăn rau mùng tơi, rau dền sẽ có tác dụng tăng cường chức năng đường tiêu hóa, chống tích tụ chất béo, mỡ máu…
Lương y Trung cho biết, cây rau mồng tơi thân thảo mọc leo bằng thân quấn vào vật đỡ, thân có màu hung đỏ hoặc xanh nhạt. Mùng tơi sống lâu năm, thân mềm, mọng nước, lá mọc cách nhau, cuống dài 2 – 3 cm, phiến lá dày.
Theo quan niệm của Đông y, tính vị của cây rau mùng tơi đã được nhiều chuyên gia tin dùng. Cây mùng tơi có vị chua, tình hàn, trơn nhầy, có tác dụng nhuận tràng chống khô háo, chống táo bón, thông sữa, làm đẹp da. Cây rau mồng tơi chủ yếu dùng tươi, đôi khi có thể dùng khô, dùng quanh năm.
Không chỉ giúp cho tiêu hóa tốt, trong cây rau mùng tơi chứa nhiều chất nhầy còn có tác dụng ngăn chặn quá trình hấp thu chất béo. Chính vì vậy, mồng tơi rất có ích cho những người muốn giảm cân hoặc bệnh nhân có rối loạn mỡ máu.
Lương y Trung đưa ra các bài thuốc từ cây rau mùng tơi chữa táo bón như: Rau mùng tơi 100 gram, ngọn khoai lang 100 gram, rau dền 100 gram cho vào nấu canh ngày ăn hai lần, ăn liền 2 – 5 ngày sẽ dứt táo bón.
Chữa thông tia sữa: Rau mùng tơi 150 gram, thịt chân giò lợn, đu đủ 100 gram, bột gia vị vừa ăn cho vào nấu canh ngày ăn 2 – 3 lần lúc đói, ăn từ 3 đến 5 ngày rất hiệu quả.
Ngoài ra, theo Đông y, mùng tơi còn dùng để làm đẹp, mát da mặt như dùng hạt mùng tơi, mật ong làm hỗn hợp đắp mặt. Có thể lấy hạt mùng tơi bóc vỏ cứng, tán thành bột mịn hòa với mật ong, hàng ngày trước khi đi ngủ bôi kín mặt, sáng dậy rửa với nước vo gạo trong sau 1 tháng kết quả da cải thiện rất tốt.
Tuy nhiên, một số trường hợp dùng rau mùng tơi lại không tốt, đặc biệt là những người bị sỏi thận, bị bệnh guot. Vì theo lương y Trung, trong rau mùng tới chứa lượng axit oxalic, purin cao nên ăn nhiều rau mồng tơi chuyển hóa thành axit uric sẽ tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu, tích tụ trong cơ thể dễ gây bệnh gout, sỏi thận.
Rau dền mát gan
Rau dền sống hàng năm, mọc đứng cao khoảng 0,5 – 1 mét thân có xẻ rãnh. Lá hình thoi hay hình ngọn giáo dài 3 – 7 cm. rộng 2- 4 cm. Hoa mọc ở nách lá hay ngọn cây, ngọn cành. Quả dài có nhiều hạt hình lăng kính màu đen.
Màu của thân cây có màu xanh nhạt, có loại màu tím, thân màu nào lá cây dền sẽ màu đó.
Theo quan niệm Đông y, rau dền có vị ngọt, tính mát, có tác dụng sát trùng. Hạt rau dền có vị ngọt, tính lạnh, có tác dụng làm mát gan, cả hai đều có tác dụng nhuận tràng, lợi đại tiểu tiện, chữa lị mới phát, chữa phong nhiệt, mắt có mông, mắt mờ.
(Ảnh minh họa)
Bài thuốc từ rau dền
Thuốc chữa kiết lị:
- Bài 1: Rau dền 100 gram, lá mơ lông 100 gram, trứng gà 2 quả. Cách làm rau dền, lá mơ rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát, cho thêm 2 lòng đỏ trứng gà đã quấy đều, hấp cách thủy khi chín cho bệnh nhân ăn ngày 2 lần, ăn liền 3 ngày.
- Bài 2: Rau dền đỏ 20g, lá mơ lông 20g, rau sam 20g, cam thảo đất 16g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.
- Bài 3: Rau dền 100 gram, quả mướp đắng 100 gram, thịt lợn nạc 100gram, dầu thực vật, bột gia vị vừa đủ làm thành món xào cho bệnh nhân ăn lúc đói, ngày ăn 2 – 3 lần.
Ngoài ra, rau dền còn dùng trị táo bón. Có thể lấy khoảng 1000 gram, con hến 300 gram bột da vị vừa đủ nấu canh cho bệnh nhân táo bón ăn 3 – 5 ngày sẽ hết.
Thanh nhiệt, kích thích tiêu hoá: Dền đỏ 100g, dền cơm 50g, rau dệu 50g, ngọn lá mảnh cộng 50g hay rau đay; nấu với bột canh, bột tôm hay nước cua đồng.