Cuối năm ngoái, lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen đã phóng một quả tên lửa đạn đạo Burkan-2 (biến thể của Scud) tấn công sân bay quốc tế King Khalid ở Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Tên lửa bay đúng hướng mục tiêu nhưng vì lý do kỹ thuật đã phát nổ khiến các mảnh vỡ rơi xuống đường băng và con phố bên ngoài sân bay.
Tuy nhiên, Saudi Arabia vẫn tuyên bố họ đã phóng 5 quả Patriot PAC-3 đánh chặn thành công tên lửa Burkan-2 của quân Houthi.
Thời gian không lâu sau đó, trong chuyến thăm tới Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn mạnh mẽ tuyên bố: "Các tên lửa của chúng tôi đã bắn hạ mục tiêu kẻ thù từ trên không. Hãy xem tên lửa của chúng tôi tốt thế nào. Không ai làm được như thế và chúng tôi đang bán tên lửa khắp thế giới".
Thế nhưng, kết quả phân tích mảnh vỡ của các chuyên gia phòng không sau này đã kết luận, thậm chí còn được đăng tải trên báo chí Mỹ, rằng tên lửa Burkan-2 của Houthi đã tự phát nổ ở quỹ đạo bay cuối.
Các quan chức Chính quyền Donald Trump, Lầu Năm Góc và Raytheon - tập đoàn chế tạo Patriot thậm chí còn phải đón nhận thông tin gây sốc hơn: Tất cả 5 quả tên lửa đánh chặn PAC-3 mà Saudi Arabia phóng đi đều bắn trượt mục tiêu!
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3. Ảnh: Military
Tháng trước, trong chuyến công du tới New Delhi, Tina Kaidanow - Phó trợ lý thứ nhất Vụ Các vấn đề Chính trị - Quân sự Bộ Ngoại giao Mỹ đã thuyết phục Ấn Độ ngừng ký kết thương vụ trị giá 5 tỷ USD mua S-400 của Nga. Thay vào đó, bà Tina Kaidanow đã vận động Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi mua PAC-3 của Mỹ.
Mặc dù truyền thông Ấn Độ không đề cập tới chuyến thăm của bà Kaidanow nhưng những quan điểm của New Delhi vẫn thể hiện rất rõ ràng qua phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Sushma Swaraj rằng, Ấn Độ sẽ vẫn chọn hệ thống của Nga ngay cả khi hành động đó phải chịu sự trừng phạt từ Đạo luật Chống các Đối thủ của Mỹ thông qua Trừng phạt (CAATSA) năm 2018.
"Tất nhiên, quyền lựa chọn thuộc về Ấn Độ nhưng chúng tôi đã giới thiệu cho họ một số lựa chọn tốt. Hy vọng chúng tôi sớm đạt được tiến triển trong vấn đề này", bà Kaidanow phát biểu với các kênh truyền thông quốc phòng ở Washington.
Đặc biệt, khi đề cập tới các máy bay chiến đấu F-16 và hệ thống phòng thủ PAC-3, bà Kaidanow cho rằng "các sản phẩm quốc phòng của Mỹ thuộc hàng tốt nhất thế giới và đó là yếu tố trung tâm các quốc gia nên nghĩ tới khi chọn mua".
Bình luận về vấn đề này, Giáo sư Bharat Karnad - chuyên gia phân tích chiến lược danh tiếng của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi cho rằng, có thể bà Kaidanow đã phát biểu đúng nhưng việc mua các mặt hàng quân sự của Mỹ luôn phải đi kèm với quá nhiều gói ràng buộc.
Đó là những thứ được phép và không được phép làm, gồm cả nguồn cung thiết bị rất có thể sẽ bị Quốc hội Mỹ chặn lại bất cứ lúc nào. Song điều tồi tệ hơn cả là hệ thống đánh chặn PAC-3 đã không chứng tỏ được hiệu quả như những gì quảng bá.
Theo Giáo sư Bharat Karnad, bối cảnh chính trị trong nước hiện nay ở Ấn Độ cho thấy rõ, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi, ít nhất là trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ đầu, nhiều khả năng sẽ không ký kết hoặc mua thứ gì đó lớn lao từ Mỹ, chứ chưa nói tới chuyện từ bỏ S-400 để đổi lấy PAC-3, vì như vậy "sẽ vĩnh viễn biến Nga thành kẻ thù".
Patriot của Saudi Arabia đánh chặn tên lửa của Houthi đã bị rơi?