Chiều 8/8, sau khi chị gái của Phương Mỹ Chi lên báo để trần tình về những ồn ào xảy ra mấy ngày nay của gia đình, người viết có liên lạc với cô Út - Phương Quế Như.
Đón nhận thông tin một cách bất ngờ, cô Út nói rằng, cô chưa biết gia đình Phương Mỹ Chi đã nói những gì.
Tới đây, tự nhiên tôi thấy giật mình, giật mình không phải bởi sự kiệm lời so với trước đó của cô Út mà giật mình tự hỏi: Từ bao giờ những người trong gia đình lại phải đối thoại với nhau qua báo chí?
Nếu bạn chưa biết, gia đình Phương Mỹ Chi đang ở trong một căn nhà cách ngôi nhà cũ, nơi họ hàng nhà nội đang sinh sống, khoảng 2 phút đi bộ. Đó là nếu bạn vừa đi vừa đếm nhịp, đi nhanh hơn, bạn sẽ không mất nhiều thời gian đến thế.
Vậy mà, họ chẳng nói chuyện được cùng nhau. Muốn cho đối phương biết mình đang nghĩ gì, họ lại lụi cụi tìm đến các phương tiện truyền thông. Đối với một người có sự tổn thương về thị giác như cô Út, việc di chuyển có phần khó khăn.
Song, họ lại chấp nhận làm khó mình vì cho đến giờ này, chưa ai muốn gặp đối phương để đối thoại một cách thẳng thắn. Và cũng chưa biết đến bao giờ, họ mới chịu ngồi lại cùng nhau.
Cô Út Phương Quế Như khóc khi kể về những chuyện đã xảy ra.
Ở thời điểm hiện tại, sự quan tâm dành cho sự việc vẫn còn. Những cuộc tranh cãi về người đúng kẻ sai đang nổ ra mạnh mẽ.
Người nói cô Út đúng, Phương Mỹ Chi là kẻ "ăn cháo đá bát". Số khác lại khăng khăng sự yêu thương không phải là trách nhiệm, ai cũng nên tự lực cánh sinh. Lời qua tiếng lại, những người ngoài cuộc cứ như thế, giữ riệt ý kiến của mình.
Có lẽ vì hăng quá nên họ vô tình quên mất, đúng sai không phải lúc nào cũng là tất cả, nhất là đối với những người đang chảy chung huyết thống.
Nếu cứ tiếp tục "hòn bấc ném đi hòn chì ném lại", những gì gia đình Phương Mỹ Chi và họ hàng nhận lại chắn chắn sẽ là những tổn thương. Và sự tổn thương đó không chỉ đến từ đối phương mà còn đến từ đòn roi dư luận.
Như vậy, làm sao có thể kỳ vọng vào sự làm hoà bởi những gì diễn ra đang tiếp tục khoét sâu vào trái tim họ những lỗ hổng có kích thước đủ lớn để không chấp nhận bất kỳ sự xuống nước nào.
Bạn có biết, sau khi sự việc xảy ra, mẹ Phương Mỹ Chi đã có lúc thở dài: "Biết vậy ngày trước mua nhà xa ra". Đó không phải là sự nhượng bộ hay suy nghĩ của một người có ý định hoá giải mối quan hệ đang đứng bên bờ vực thẳm mà là sự tránh né, không muốn tiếp tục dây vào.
Ngày đến nhà cô Út, tôi có hỏi: "Là người lớn, sao cô Út không gọi Phương Mỹ Chi lại để dạy dỗ hay mắng cho một trận về cách xử sự của bé trong thời gian gần đây thay vì lên báo như thế này?". Cô Út trả lời, nó là cháu mình, không chạy lại mình thì thôi...
Suy nghĩ vài ngày, đại diện gia đình Phương Mỹ Chi là chị gái cũng phân trần rất dài. Trong số đó, cô không quên tường tận và chi tiết diễn biến của sự việc diễn ra ở Chùa khiến Phương Mỹ Chi không thể tới chào cô Út.
Đọc đến đây, đừng bận tâm những điều họ nói có hợp lý hay không, hãy nhìn vào cách họ đối xử với nhau. Cả hai bên đang tìm đủ mọi lý do để bảo vệ cho cái tôi và bao biện cho sự cố chấp của mình thay vì thử đặt vào vị trí của đối phương.
Và vì chưa bao giờ thử nghĩ cho nhau nên giữa họ chắc chắn không tồn tại sự thông cảm. Đó không phải là cách đối đãi của những người trong gia đình. Buồn thay!
Thế nên, đám đông ngoài kia, đừng bận tâm đi tìm kẻ đúng người sai nữa. Khi tình cảm chẳng còn, chuyện đó vốn dĩ chẳng còn quan trọng.