Chuyên gia dinh dưỡng: Quy tắc ăn "tỉnh táo" để ngày Tết không bị các bệnh tiêu hoá gõ cửa

Tiểu Nhã |

Ngày Tết, người dân đi lại nhiều, nhu cầu ăn uống cũng nhiều hơn, mọi sinh hoạt bị đảo lộn dẫn tới nhiều bệnh lý hay gặp trong đó có bệnh lý về tiêu hoá.

Nhiều bệnh rình rập

Ngày Tết, chế độ sinh hoạt thay đổi đột ngột, không điều độ, ăn nhiều chất, ăn với số lượng lớn hơn bình thường, ăn nhiều bữa, uống nhiều rượu, bia, nước ngọt... Đây là các tác nhân chính gây ra rối loạn tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy…).

Đặc biệt, khi ăn các loại thức ăn để qua đêm hoặc để quá 6 giờ (với quãng thời gian này, nếu thức ăn bị nhiễm vi sinh vật sẽ phát triển nhanh chóng). Điều này gây rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy.

Không chỉ nguy cơ rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy đe dọa mà theo TS.BS. Lê Thị Tuyết Phượng - Trưởng khoa Nội Tiêu hóa - Bệnh viện Nhân dân 115, ngày Tết nếu "thả phanh" sẽ rất nguy hiểm với những người viêm tụy, viêm gan, loét dạ dày,... sẽ xảy ra rất nhiều tổn thương.

Chuyên gia dinh dưỡng: Quy tắc ăn tỉnh táo để ngày Tết không bị các bệnh tiêu hoá gõ cửa - Ảnh 1.

Ngày Tết, nguy cơ cấp cứu rất cao

Khi có các triệu chứng như: đau bụng, rối loạn đại tiện cần theo dõi điều trị ngay vì cũng có những trường hợp nặng xảy ra với những người trên cơ địa. Ví dụ, có những bệnh nhân đi tiệc vui chén với nhau rồi xảy ra viêm tụy cấp. Bệnh viêm tụy là 1 trong 4 nguyên nhân đột tử.

Bác sĩ Phượng cho biết có nhiều trường hợp ngày Tết 2 - 3 hôm nhậu nhẹt linh đình và người bệnh thấy đau bụng nhưng vẫn cố chịu, không đến bệnh viện khi vào viện thì đã bị viêm tụy cấp nặng thậm chí hoại tử. Nếu điều trị chậm người bệnh sẽ tử vong nhanh chóng.

Theo quan niệm xưa thức ăn nhiều thì cả năm mới đầy đủ nên lưu trữ thực phẩm hơi nhiều. Lưu trữ nhiều có thể dẫn đến những căn bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là nhiễm trùng nhiễm độc đường tiêu hóa.

Quan niệm sai lầm thứ 2 là tết nhiều người rất ngại vào bệnh viện nên mọi người cố chịu đau, tự tìm thuốc uống hoặc nghe lời người khác mách bảo mà tự chữa bệnh đến khi bệnh quá nặng... nên cần lưu ý.

Cách tránh bệnh

TS.BS Lưu Ngân Tâm - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Lâm sàng TP.HCM đưa ra lời khuyên cho các gia đình trong dịp Tết là mua vừa phải thực phẩm vì siêu thị, chợ đã bán lại sớm từ mùng 2. Chọn nguồn thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe cũng như hệ tiêu hóa.

Đặc biệt, khi ăn phải "tỉnh", tức là phải có sự kiểm soát; đừng quá vui mà mất kiểm soát giống như ngày bình thường, đừng bắt hệ tiêu hóa mình làm việc quá nhiều. Ví dụ thịt kho tàu, bánh chưng rán rất nhiều chất béo, làm cho hệ tiêu hóa khó tiêu; mệt đồng thời dễ gây tăng cân.

Ngoài ra, nếu chúng ta ăn dưa cải, dưa muối quá nhiều trên một nền có cao huyết áp, hay một quả thận không khỏe thì người đó có thể phải nhập viện cấp bởi những biến chứng nặng.

Chuyên gia dinh dưỡng: Quy tắc ăn tỉnh táo để ngày Tết không bị các bệnh tiêu hoá gõ cửa - Ảnh 2.

Ngày Tết ăn uống cũng phải tỉnh táo

Cần kiểm soát lượng rượu bia. Lạm dụng rượu bia quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, chưa kể đến việc sẽ tăng cân ngay sau đó. Với phụ nữ là nước ngọt, nếu uống nước ngọt quá mức cũng sẽ ảnh hưởng hệ tiêu hóa, làm trướng hơi và nạp quá nhiều năng lượng.

Bác sĩ Tâm lưu ý, cần ăn đầy đầy đủ như vậy thì trong bữa ăn chúng ta có nhiều màu sắc, nhiều loại thực phẩm và ăn vừa vừa, không ăn quá no. Loại thực phẩm chúng ta cần phải tăng cường là trái cây, rau củ và đặc biệt là uống đủ nước, cũng đừng quên tập luyện thể chất điều này rất quan trọng để tăng cường sức khỏe, thanh lọc thải độc và tăng cường miễn dịch

Sau Tết Nguyên đán, nếu thấy cơ thể bất thường (tiêu chảy, táo bón, ăn không tiêu, đau bụng, viêm đường hô hấp, huyết áp tăng cao, tăng cân…), cần đến bệnh viện để được khám bệnh và kịp thời điều trị.

Những người bị bệnh mạn tính cần quay lại với những tư vấn của bác sĩ đã từng khám bệnh cho mình trước đó để dùng thuốc đúng, đủ liều, vận động cơ thể và ăn uống hợp lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại