Chuyên gia dịch tễ hàng đầu TQ trả lời về COVID-19: Ban đầu, giới chức Vũ Hán "không muốn nói ra sự thật"

Hồng Anh |

"Tôi không tin vào báo cáo của họ, nên tôi đã tiếp tục chất vấn và yêu cầu họ cung cấp số liệu thực", Viện sĩ Chung Nam Sơn tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với đài CNN về COVID-19.

Trung Quốc vẫn đang phải đổi mặt với "thách thức lớn" trước nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, nhà dịch tễ học hàng đầu của nước này cảnh báo.

Cụ thể, theo CNN, Viện sĩ Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp của Trung Quốc và là cố vấn y tế cao cấp của chính phủ Trung Quốc, đã bày tỏ quan ngại về việc nước này hiện thiếu miễn dịch cộng đồng trong khi các loại vaccine phòng COVID-19 vẫn đang trong quá trình phát triển.

Ngoài ra, trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN, Viện sĩ Chung đã xác nhận rằng các quan chức thành phố Vũ Hán - nơi dịch COVID-19 khởi phát - đã trì hoãn trong việc báo cáo những thông tin ban đầu về tình hình dịch bệnh.

Trung Quốc đã ghi nhận hơn 82.000 ca nhiễm và ít nhất hơn 4.600 ca tử vong do COVID-19 - theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC). Số ca nhiễm bệnh tại nước này đã tăng nhanh vào khoảng cuối tháng 1, khiến nhiều thành phố bị phong tỏa và chính quyền Trung Quốc buộc phải ban bố lệnh hạn chế đi lại nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Đến đầu tháng 2, Trung Quốc ghi nhận đến gần 4.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau đó, số ca nhiễm mới được nước này ghi nhận trong ngày đã giảm xuống còn 2 chữ số. Trong khi đó, tại Mỹ, số ca nhiễm mới được ghi nhận mỗi ngày vào thời điểm đó lại tăng vọt, từ mức 2 chữ số lên đến hàng chục ngàn vào cuối tháng 3.

Hiện tại, cuộc sống tại Trung Quốc đã dần dần trở lại bình thường sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Các lệnh phong tỏa đã được nới lỏng hoặc dỡ bỏ, nhiều trường học và nhà máy trên toàn quốc đã được mở cửa lại.

Chuyên gia dịch tễ hàng đầu TQ trả lời về COVID-19: Ban đầu, giới chức Vũ Hán không muốn nói ra sự thật - Ảnh 1.

Đứng trước nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ 2, giới chức thành phố Vũ Hán gần đây đã tiến hành chiến dịch xét nghiệm toàn bộ 11 triệu cư dân thành phố. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, Viện sĩ Chung vẫn cảnh báo rằng giới chức Trung Quốc chưa thể hài lòng và thỏa mãn trước kết quả này, bởi nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ 2 vẫn đang rình rập.

Trong vài tuần gần đây, một số tỉnh thành của Trung Quốc lại phát hiện một số cụm lây nhiễm mới trong cộng đồng, trong đó bao gồm thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) và các tỉnh ở miền Đông Bắc nước này như Hắc Long Giang và Cát Lâm.

"Hiện tại, phần lớn người dân Trung Quốc vẫn là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19, vì chúng tôi [Trung Quốc] thiếu miễn dịch cộng đồng. Chúng tôi đang phải đối diện với một thử thách lớn, tôi nghĩ rằng tình hình của chúng tôi trong thời điểm hiện tại không hề tốt hơn những quốc gia khác trên thế giới".

Họ không muốn nói ra sự thật

Là người đã có công lớn trong việc phân lập và xác định virus SARS năm 2003, Viện sĩ Chung được công chúng biết đến với danh hiệu "người hùng chống SARS". Khi dịch COVID-19 bùng phát, ông Chung cũng đóng góp rất nhiều vào công cuộc chống dịch trong vai trò cố vấn của chính phủ, đặc biệt ở giai đoạn cao điểm của dịch bệnh.

Ngày 20/1, chính ông Chung là người đã xác nhận trên kênh truyền hình trung ương CCTV rằng virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) có khả năng lây nhiễm từ người sang người, trái với một số tuyên bố được các quan chức y tế Vũ Hán đưa ra trước đó.

Vào thời điểm dịch bệnh khởi phát, ông Chung đã đảm nhiệm vai trò trưởng nhóm chuyên gia điều tra về dịch bệnh của NHC và đã tới Vũ Hán vào ngày 18/1.

Chia sẻ với CNN, Viện sĩ Chung cho biết khi ông đặt chân tới "ổ dịch" Vũ Hán, ông đã nhận được nhiều cuộc gọi từ các bác sĩ và cựu sinh viên của mình để cảnh báo rằng tình hình dịch bệnh tồi tệ hơn nhiều so với báo cáo của các quan chức thành phố.

"Vào thời điểm đó, các quan chức địa phương không muốn nói ra sự thật", ông Chung nói. "Ban đầu, họ giữ im lặng. Và sau đó tôi đã đưa ra nhận định rằng có thể số người nhiễm bệnh lớn hơn [so với báo cáo] rất nhiều".

Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc cho biết ông đã bắt đầu nghi ngờ khi số ca nhiễm được các quan chức thành phố Vũ Hán báo cáo duy trì ở con số 41 trong vòng hơn 10 ngày - trong khi số ca nhiễm ở nước ngoài lại tăng lên.

"Tôi không tin vào báo cáo của họ, nên tôi đã tiếp tục chất vấn và yêu cầu họ cung cấp số liệu thực", ông Chung nói. "Tôi nghĩ rằng họ không muốn trả lời câu hỏi của tôi".

Chuyên gia dịch tễ hàng đầu TQ trả lời về COVID-19: Ban đầu, giới chức Vũ Hán không muốn nói ra sự thật - Ảnh 4.

Viện sĩ Chung Nam Sơn - "anh hùng chống dịch SARS" của Trung Quốc. Ảnh: CNN

Hai ngày sau, tức ngày 20/1, sau khi quay trở lại Bắc Kinh, ông Chung đã nhận được số liệu cập nhật từ Vũ Hán là đã có 198 ca nhiễm, 3 ca tử vong và trong đó có 13 nhân viên y tế đã nhiễm bệnh.

Trong cuộc họp cùng ngày với các quan chức chính quyền trung ương, bao gồm Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, ông Chung đã đề nghị phong tỏa thành phố Vũ Hán để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Đây là quyết định chưa từng có tiền lệ. Vào ngày 23/1, thành phố Vũ Hán đã chính thức bị phong tỏa, các chuyến bay đều bị hủy, tàu hỏa và xe khách liên tỉnh cũng bị đình chỉ hoạt động. Các lối cao tốc lớn ra-vào thành phố này cũng bị chặn.

76 ngày sau đó, lệnh phong thành ở Vũ Hán mới chính thức được dỡ bỏ.

Trong cuộc phỏng vấn với đài CCTV hôm 27/1, Thị trưởng thành phố Vũ Hán, ông Châu Tiền Vượng đã thừa nhận rằng chính quyền thành phố này đã không công bố thông tin về virus corona chủng mới "kịp thời".

Chuyên gia dịch tễ hàng đầu TQ trả lời về COVID-19: Ban đầu, giới chức Vũ Hán không muốn nói ra sự thật - Ảnh 5.

Người dân Vũ Hán sinh hoạt trong "điều kiện bình thường mới" sau khi lệnh phong thành được dỡ bỏ. Ảnh: CNN

Những bài học từ đại dịch SARS

Mặc dù ông Chung thừa nhận rằng vào thời điểm dịch bệnh khởi phát, số ca nhiễm được báo cáo ở Vũ Hán là không chính xác, nhưng chuyên gia này đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng số liệu chính thức của Trung Quốc là "không đáng tin".

Khi Mỹ trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong do COVID-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần công khai tỏ ra hoài nghi về sự chính xác của những số liệu được phía Trung Quốc công bố.

Trước những cáo buộc tương tự, Viện sĩ Chung đã khẳng định rằng chính phủ Trung Quốc đã rút ra nhiều bài học từ đại dịch SARS 17 năm trước, khi nước này chậm trễ công bố dịch bệnh "trong vòng 2-3 tháng".

Ông Chung cho biết, lần này, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu "tất cả các thành phố, các bộ ngành, cơ quan chính phủ phải báo cáo số liệu thật về dịch bệnh. Nếu vi phạm, thì các quan chức chịu trách nhiệm sẽ chịu hình thức xử lý của nhà nước."

"Do đó, tôi tin rằng những số liệu được công bố kể từ ngày 23/1 [thời điểm chính quyền trung ương Trung Quốc bắt đầu vào cuộc] đều là số liệu chính xác", ông Chung nói.

Chuyên gia dịch tễ hàng đầu TQ trả lời về COVID-19: Ban đầu, giới chức Vũ Hán không muốn nói ra sự thật - Ảnh 7.

Những người lao động chờ đợi chuyến tàu về nhà trong thời điểm đại dịch SARS bùng phát năm 2003. Ảnh: CNN

Bình luận về số ca nhiễm và tử vong rất lớn tại Mỹ, ông Chung cho biết những con số này đã khiến ông rất ngạc nhiên. Nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc cho rằng có thể "một số chính quyền phương Tây" đã không nhận thức đúng đắn về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh vào giai đoạn khởi phát.

"Tôi cho rằng tại một số quốc gia châu Âu và Mỹ, [các lãnh đạo] đã nghĩ rằng dịch bệnh này cũng giống như cúm mùa. Đây là suy nghĩ sai lầm", ông Chung nhận xét.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng bác bỏ những cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng virus corona chủng mới bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vú Hán.

Theo lời ông Chung, nhà virus học hàng đầu Trung Quốc, bà Thạch Chính Lệ đã khẳng định các cáo buộc của chính quyền Mỹ là "nực cười": "Bà ấy khẳng định rằng mình sẽ không bao giờ làm những chuyện như vậy. Cơ sở vật chất, thiết bị và nguồn lực hiện tại không cho phép họ 'chế tạo' ra bất kỳ loại virus nào".

Ông Chung cũng tiết lộ rằng vào đầu tháng 2, các quan chức phụ trách kiểm dịch của Trung Quốc đã tiến hành điều tra phòng thí nghiệm của bà Thạch trong vòng 2 tuần, nhưng họ không hề tìm thấy bất cứ dấu vết sai phạm nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại