Sáng 9/7, hãng tin Asharq Al-Awsat đăng tải bài viết tiếng Arab nhan đề: "هدوء ما قبل العاصفة في ليبيا معركة سرت والجفرة في انتظار «صواريخ تركيا»... واختبار لـ«الخطوط الحمر» في الجنوب" (tạm dịch: Khoảng lặng trước cơn bão ở Libya: Trận quyết chiến ở "lằn ranh đỏ" của Ai Cập đang chờ đợi tên lửa phòng không Thổ Nhĩ Kỳ) của tác giả Camille Taweel.
Nhằm đem lại cho độc giả một cái nhìn đa chiều trước nguy cơ nổ ra cuộc xung đột cấp khu vực giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập liên quan tới chiến sự tại thành phố Sirte và căn cứ al-Jufra ở Libya, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
"Khoảng lặng trước cơn bão" ở Libya
Những ngày này, Libya đang đứng trước một "khoảng lặng trước cơn bão" khi Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) công bố kế hoạch tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm vào thành phố cảng Sirte.
Nguy cơ này ngày một lớn hơn khi một khối lượng vũ khí khổng lồ và hiện đại đã được Ankara vận chuyển tới khu vực phía tây của quốc gia Bắc Phi.
Một cuộc đại chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập phụ thuộc hoàn toàn vào những gì sẽ diễn ra ở Sirte và căn cứ al-Jufra gần đó, nơi mà Cairo đã xác định là "lằn ranh đỏ" cho cuộc can thiệp của Ankara.
Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh rằng họ không quá vội vã trong việc tiến hành "chiến dịch Sirte" và rõ ràng nó đã làm những người ủng hộ GNA thất vọng.
Ankara đang tỏ ra rằng họ sẽ nghiêng về lộ trình hòa bình theo kết quả đàm phán tại Hội nghị Berlin về Libya vào tháng 1/2020.
Tại Berlin, Thổ và các nước liên quan đã cam kết không gửi thêm vũ khí tới Libya, tuy nhiên thực tế hoàn toàn ngược lại. Ankara đã lập một cầu hàng không và một tuyến tiếp vận trên biển để đưa tới Libya hàng chục nghìn lính đánh thuê Syria và vũ khí nhằm hỗ trợ đồng minh GNA.
Cho tới thời điểm hiện tại,GNA và đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chỉ kiểm soát một khu vực xung quanh Tripoli, Tarhuna, Misrata và Bani Walid ở tây bắc Libya chứ không phải toàn bộ miền tây nước này (Nguồn: al-Jazeera).
Cùng thời điểm đó, có rất ít bằng chứng cho thấy những người ủng hộ Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do Tướng Haftar lãnh đạo cũng làm những việc mà Ankara đã làm.
Chiến sự tháng 5 và 6/2020 chứng minh rằng Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thành công trong việc đảo ngược thế trận ở phía nam của thủ đô Tripoli và các khu vực khác ở miền tây Libya.
LNA và những tay súng bị cáo buộc "lính đánh thuê Nga" từ "Tập đoàn Wagner" đã chủ động rút lui về thành phố Sirte và al-Jufra, một căn cứ không quân khổng lồ ở miền trung Libya.
Bộ tư lệnh Châu Phi của Mỹ (SOUTHCOM) cũng đã công bố các hình ảnh và đoạn phim cáo buộc 14 máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-24 của Nga từ căn cứ Khmeimim của Syria đã tới Libya.
Chi tiết hơn, AFRICOM cho rằng những máy bay này được các phi công của Wagner điều khiển và đã tham gia các phi vụ không kích ở Sirte và Jafra. LNA phủ nhận cáo buộc này và khẳng định rằng chính các tiêm kích của họ đã tiến hành ném bom đối phương.
Trên thực tế, giao tranh Sirte và Al-Jafra không tự động dừng lại chỉ vì "lằn ranh đỏ" mà Ai Cập đã nêu ra.
Chính các cuộc không kích vào các đoàn quân xa của dân quân thân GNA "phơi mình" trong hoang mạc trước khi tiếp cận Sirte mới là lý do khiến việc tấn công thành phố cảng trở nên bế tắc.
Nói cách khác, các tay súng GNA đã nếm trải thứ mà LNA đã phải "ngậm đắng nuốt cay" khi khi những chiếc máy bay không người lái (UAV) Baraktar-TB2 bay "rợp trời" và phá hủy các hệ thống phòng không.Pantsir-S1 do Nga sản xuất.
Đoàn xe cơ giới của GNA từ xuất phát từ Tripoli tới mặt trận Sirte hôm 7/7 (Nguồn Twitter).
Để hiện thực hóa "chiến dịch Sirte", Thổ và GNA cần tới 2 con "át chủ bài"
Những gì đã và đang diễn ra chứng minh rằng các trận đánh ở Libya phụ thuộc vào hai yếu tố, quãng đường tiếp cận chiến trường và năng lực không quân.
Khi giao tranh tạm ngừng, cả hai phía đã tìm cách tăng cường lực lượng. Về phía GNA, họ đã tích tụ một số lượng lớn binh lính và cơ giới tại Misrata, bàn đạp cho các hoạt động quân sự ở miền trung Libya.
Cần nhấn mạnh rằng ngoài hàng nghìn tay súng Hồi giáo cực đoan Libya, GNA có thể huy động ít nhất là 10.000 lính đánh thuê được Thổ Nhĩ Kỳ huấn luyện và đưa tới Libya (tiền lương chi trả được GNA lấy từ kho bạc nhà nước).
Vì quân số không phải là yếu tố then chốt trong việc quyết định kết quả các trận đánh, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các hệ thống phòng không MIM-23 Hawk tại căn cứ al-Watiya để lập "vùng cấm bay" trên bầu trời Sirte.
Cuộc tập kích hôm 5/7 vào căn cứ al-Watiya dường như đã phá hủy toàn bộ các bệ phóng, radar của hệ thống MIM-23 Hawk và các hệ thống phòng không - chế áp điện tử khác. Ankara đã phải thừa nhận cuộc tấn công nhưng không tiết lộ tổn thất.
GNA cáo buộc cuộc tập kích được thực hiện bởi các "máy bay nước ngoài" được cho là Mirage 2000-9. Tuy nhiên những chiếc Mirage-2000-9 được cho là không đủ năng lực phá hủy toàn bộ phòng không Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều khả năng Su-24 do Nga sản xuất đã tiến hành vụ tập kích.
Để phản ứng lại cuộc tập kích, các nguồn tin địa phương cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triển khai ở nhiều khu vực khác nhau các hệ thống phòng không S-125 mà họ đã mua từ Ukraine và dự định kích hoạt ít nhất là 1 hệ thống gần Sirte và có thể những hệ thống còn lại ở Tripoli và Misrata.
Tổ hợp S-125 Pechora diễn tập tiêu diệt mục tiêu.
Bị "lằn ranh đỏ" ngáng đường, Thổ và GNA sẽ tiếp tục tấn công ở đâu?
Vụ tập kích hôm 5/7 cho thấy một "lằn ranh đỏ" không chỉ ở Sirte và al-Jufra mà còn bao gồm việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai phòng không - không quân trên lãnh thổ Libya.
Tất nhiên, điều này không có nghĩa là Ai Cập, nước đã vẽ "lằn ranh đỏ" ở Sirte và al-Jufra cũng như Mirage 2000 là "thủ phạm" của cuộc tập kích khi truyền thông GNA cho biết rằng Cairo không phải là kẻ tấn công.
Mặt trận Sirte và al-Jufra đang"yên tĩnh trước cơn bão", vậy phần còn lại của chiến tuyến giữa GNA và LNA ở Libya sẽ ra sao?
Bên cạnh mục tiêu của kiểm soát Sirte và al-Jufra, GNA cũng có tham vọng chiếm lĩnh khu vực Fezzan, tây nam Libya.
Trong những giờ qua, các mũi tấn công đầu tiên của GNA đã tiến hành tấn công "thử nghiệm" trong khu vực Al-Dabwat nhằm rút ra kết luận về giới hạn của "lằn ranh đỏ".
Và tại đó, đoàn xe cơ giới của GNA cũng đã bị không kích như ở Sirte, cho thấy "lằn ranh đỏ" chính là chiến tuyến hiện tại.
Về "thủ phạm" của các cuộc không kích, truyền thông ủng hộ GNA cáo buộc (chưa được xác thực) Pháp đã triển khai lực lượng ở miền nam Libya.
Lực lượng Pháp ở Bắc Phi rất quan tâm đến khả năng các nhóm khủng bố Al-Qaeda và IS phát triển tại vùng sa mạc rộng lớn của Libya vì chúng ảnh hưởng lớn tới nỗ lực truy quét chúng tại khu vực Sahel (cận Sahara). Chính vì vậy không loại trừ khả năng Paris đã "ra tay".
Camille Taweel là một nhà báo người Lebanon hiện sinh sống tại London, Anh quốc. Các bài viết của ông thường được đăng tải trên truyền thông khu vực cũng như các trang phân tích về chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.
Ông cũng là tác giả của các cuốn sách "Brothers in Arms", "Al-Qaeda Wa Akhawatuha" phân tích về xung đột ở Trung Đông và nhóm khủng bố al-Qaeda.
Sau khi bị chặn lại ở Sirte, GNA cũng không thể tiến vào khu vực Fezzan do sự uy hiếp của các "máy bay lạ">