Hiện nay, ở Việt Nam, dư luận xôn xao về các “làng ung thư” thuộc các tỉnh như Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Bá Đức - Nguyên Giám đốc BV K Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết:
"Đây là một vấn đề mang yếu tố tâm lý xã hội. Cách đây 4 năm, Bộ Y tế có giao cho Bệnh viện K Trung ương nghiên cứu làng ung thư ở Lâm Thao, tuy nhiên chúng tôi đã nghiên cứu một cách khoa học, về bệnh án, điều trị... thì thấy tỷ lệ mắc và chết vì ung thư ở đấy thấp hơn cả ở làng chưa được gọi là làng ung thư.
Hậu quả là phụ nữ ở làng đấy rất khó lấy chồng, đàn ông khó lấy vợ. Hệ lụy của nó rất nặng nề, từ đó lại lan ra nhiều làng ung thư ở khắp cả nước".
Theo GS. Đức, thực ra, ung thư đang gia tăng, một phần là do bệnh tăng nhanh, thứ 2 là do khoa học phát triển, chúng ta phát hiện ra thêm nhiều trường hợp ung thư, hoặc tử vong do ung thư mà trước đây không phát hiện ra.
Một phần do tâm lý, do sự phát triển xã hội, công nghiệp hóa, khiến người dân có một cái nhìn không đúng. Vậy chúng ta cần làm gì? Đầu tiên chúng ta cần hạn chế số mắc ung thư bằng cách làm tốt công tác dự phòng, phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp, từ đó sẽ giảm được tỷ lệ ung thư.
GS.TS Nguyễn Bá Đức.
Dự phòng là quan trọng
GS. Đức cho biết, hiện nay, ung thư đang là gánh nặng với sức khỏe cộng đồng, tỷ lệ mắc và tử vong ngày càng cao. Trong mỗi gia đình, cơ quan chúng ta ai cũng đã từng chứng kiến hoặc biết có người bị ung thư hoặc chết vì bệnh ung thư.
Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 150.000 người mắc mới và 75.000 người tử vong do ung thư. Đây chỉ là những con số thống kê chưa đầy đủ, con số thực có thể còn cao hơn nữa.
Với đà phát triển của xã hội, đến năm 2020, dự báo có 200.000 người mắc ung thư mỗi năm với tỷ lệ tử vong là 100.000 người do bệnh ung thư.
Theo GS. Đức, khoa học đã nghiên cứu và khẳng định, có thể dự phòng được nhiều loại ung thư.
Ung thư có tác nhân gây bệnh, người ta chia ra 2 tác nhân, thứ nhất là những yếu tố từ bên ngoài môi trường sống (là nguyên nhân chủ yếu, chiếm 80%, nhưng là những tác nhân này có thể thay đổi được) gồm các chất hóa học, tác động vào như thuốc lá, hóa chất từ thực phẩm, tia phóng xạ, ánh sáng mặt trời, tia cực tím từ tự nhiên, siêu vi trùng như siêu vi trùng gây viêm gan b, C, siêu vi trùng gây u nhú ở người (HPV) gây ung thư cổ tử cung.
Nếu hạn chế được các yếu tố này sẽ giảm nguy cơ mắc ung thư.
Tác nhân thứ 2 (tác nhân nội sinh), nhưng những tác nhân này không thể phòng được, nhưng nó chỉ chiếm 20% như vấn đề tuổi tác, nội tiết (nội tiết tố nam liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt, yếu tố này do cơ địa con người, không dự phòng được), gen di truyền (tỷ lệ này ít khoảng 5%).
Dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay
Về phát hiện sớm, GS. Đức cho rằng, không riêng gì bệnh ung thư mà bệnh nào cũng thế, nếu phát hiện sớm thì khả năng chữa được rất cao, như viêm ruột thừa nếu bị bệnh mà không phát hiện ra sẽ có nguy cơ tử vong.
"Để phát hiện sớm, mỗi người cần lắng nghe cơ thể mình, khi có dấu hiệu ban đầu cần đi khám chuyên khoa ngay, như có vết loét lâu ngày không khỏi, có u, hạch to dần ở bất cứ vị trí nào, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài ra máu, bí tiểu bí đái, ăn khó tiêu, rối loạn kinh nguyệt bất thường (có máu bất thường trong chu kỳ, mãn kinh bỗng chảy máu hoặc quan hệ vợ chồng chảy máu...), sụt cân nhanh, ù tai, lác mắt, nhìn đôi, nói ngọng,... Tất cả những dấu hiệu này người bệnh cần đi đến cơ sở y tế sớm để khám"- GS. Đức chỉ rõ.
Trước lo ngại rằng, sau khi điều trị ung thư, nếu xét nghiệm không phát hiện tế bào ung thư, liệu tế bào ung thư có quay trở lại không? Tỷ lệ bệnh nhân bị lại là bao nhiêu? GS. Đức cho hay, bệnh ung thư nếu phát hiện càng sớm thì tỷ lệ tái phát càng ít, thậm chí zero.
Nếu khối u ung thư dưới 1cm, mà chưa lan đi chỗ nào khác, thì có thể khỏi hẳn. Nếu giai đoạn muộn, thì có đặc tính di căn. Chữa trị càng sớm càng đảm bảo; càng muộn, càng nhiều hạt gieo rắc chỗ khác thì tái phát càng tăng.
Nó phụ thuộc vào bạn chữa giai đoạn sớm hay muộn. Tôi có bệnh nhân ung thư vú 40 năm sau vẫn khỏe mạnh; có bệnh nhân 3-5 năm sau tái phát.
"Đặc tính của tế bào ung thư là tái phát và di căn, phát hiện càng sớm thì khả năng chữa khỏi càng tăng. Còn nếu phát hiện muộn thì tái phát và di căn càng tăng.
Do đó, sau điều trị cần tái khám. Ban đầu, 3-6 tháng khám một lần. Nếu sau 5 năm, có thể 2 năm khám lại một lần. Nếu sau 5 năm bệnh tái phát, phát hiện tái phát sớm, điều trị triệt để ngay vẫn có thể khỏi"- GS. Đức phân tích.
Xét nghiệm máu phát hiện ung thư – Nên hay không?
GS. Đức nhấn mạnh, ung thư là bệnh đa hình thái, có trên 200 loại ung thư khác nhau và ở tất cả các bộ phận của cơ thể.
Mỗi loại ung thư có phương pháp phát hiện sớm khác nhau, nên chỉ 1 xét nghiệm máu để phát hiện tất cả các loại ung thư khác nhau là không có. Không thể xét nghiệm máu để phát hiện ung thư vú, ung thư vòm họng, ung thư cổ tử cung...
Có một số ung thư xuất tiết một số rất ít vào trong máu (rất ít), nên khi xét nghiệm máu chỉ số này cao hơn một chút chúng ta mới chỉ nghi ngờ thôi chứ chưa khẳng định, sau đó cần phải xét nghiệm chuyên sâu hơn để khẳng định.
Như chỉ số AFP của ung thư gan, xét nghiệm máu nếu chỉ số trên 400ng/ml, sau đó bác sĩ cần kết hợp siêu âm gan, chụp gan, sinh thiết rồi mới khẳng định.
Hay với ung thư tuyến tiền liệt, xét nghiệm máu PSA trên 10 (bình thường chỉ 4-5) có thể nghi ngờ. Vì nhiều khi bệnh nhân viêm gan thì AFP cũng tăng hay phì đại lành tính tuyến tiền liệt cũng khiến PSA tăng.
"Nếu nói chỉ xét nghiệm máu để phát hiện ung thư thì không đúng, mỗi loại ung thư có phương pháp phát hiện sớm khác nhau.
Khi xét nghiệm máu, người ta có thể phát hiện ra một số chất chỉ điểm như AFP, PSA, CEA... để phát hiện ung thư, tuy nhiên những chất chỉ điểm này không đặc hiệu. Người thầy thuốc chỉ định xét nghiệm máu trong một số trường hợp đặc biệt.
Với nam giới trên 50 tuổi, người ta khuyên xét nghiệm PSA định kỳ hàng năm, nếu chỉ số cao thì cần tiếp tục siêu âm, sinh thiết.... để chẩn đoán. Với phụ nữ, chị em có thể tự kiểm tra ngực sau khi sạch kinh, nếu phát hiện bất thường cần đi khám ngay.
Cổ tử cung, phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ 1 năm 1 lần. Ở các nước, những việc sàng lọc này người dân rất có ý thức đi khám. Như ở Mỹ bảo hiểm y tế còn chi trả cho việc khám sàng lọc, tuy nhiên ở ta thì chưa làm được.
Đối với những người có nguy cơ cao nên đi sàng lọc phát hiện sớm như người hút thuốc lá, bị bệnh đại tràng, viêm gan mạn tính, viêm dạ dày, người bị rối loạn kinh nguyệt, người béo phì... nên đi khám định kỳ.
GS. Đức cho biết, điều trị ung thư bằng ghép tế bào gốc là một thành tựu khoa học rất mới, chỉ xuất hiện cách đây khoảng 10 năm trở lại đây.
Người ta nghiên cứu thấy, tế bào gốc có ở một số bộ phận như trong máu ngoại vi, có rất nhiều tế bào, nhưng người ta có thể lấy được tế bào gốc. Tế bào gốc là gốc rễ của các tế bào sinh ra các tế bào khác.
Có 2 loại tế bào gốc là tế bào gốc từ bên ngoài có thể thu thập ở máu cuống rốn hoặc lấy từ người khác. Bên trong có thể lấy tế bào gốc từ tủy xương hoặc máu ngoại vi.
Trừ ung thư máu, khi điều trị sử dụng hóa chất, thuốc, phóng xạ để diệt các tế bào máu bị ung thư đi, các tế bào miễn dịch, tế bào ung thư, hồng cầu, bạch cầu bị tiêu diệt, người ta đưa tế bào gốc vào để phục hồi, sản sinh ra tế bào máu. Còn các loại ung thư khác, tế bào gốc không chữa được ung thư.
Sau khi chữa ung thư bằng các phương pháp hóa chất, phóng xạ, cơ thể suy sụp, mất sức đề kháng, người ta đưa tế bào gốc vào để gây dựng lại, phục hồi lại các tế bào máu, hồng cầu, bạch cầu, tế bào miễn dịch. Nếu không chữa ung thư mà dùng tế bào gốc là một sai lầm vì phải diệt tế bào ung thư trước.
Tôi khẳng định tế bào gốc không chữa được ung thư mà chỉ là để phục hồi sau điều trị ung thư.