Chuyên gia đánh giá Iran chiến thắng khi Mỹ tự cô lập, rút khỏi INF

Hồng Hạnh |

Dự định chấm dứt Hiệp định Vũ khí Tên lửa Hạt nhân Tầm trung (INF) của Mỹ đang bị cả Moskva và các đồng minh châu Âu của Washington đồng loạt chỉ trích.


Trao đổi với Đài phát thanh Sputnik về động thái của Mỹ có ảnh hưởng gì tới Iran, hai nhà phân tích địa chính trị người Iran Fuad Izadi và Seyed Zavari nhận định Washington đang tự cô lập mình.

Chuyên gia phân tích Fuad Izadi, đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Thế giới thuộc Viện Khoa học Chính trị và Luật pháp, Đại học Tehran, giải thích quyết định của Mỹ sẽ khiến quốc gia này tự cô lập, khi khiến Moskva nghĩ rằng Washington không đáng tin.

“Rời bỏ hiệp ước và các thỏa thuận, cho dù đó là song phương, như Hiệp định INF với Nga hay đa phương, như Kế hoạch Hành động chung toàn diện JCPOA, đang trở thành xu hướng chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump, đơn phương chấm dứt nhiều thỏa thuận mà các đời Tổng thống trước đạt được”, ông Izadi giải thích.

“Thật không may, điều đó ngầm ám chỉ tinh thần kiêu ngạo trong chính sách đối ngoại của Mỹ”, nhà quan sát nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, bất chấp bản chất gây bất ổn và nguy hiểm trong quyết định của Washington, Iran thực sự là bên hưởng lợi.

“Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định INF sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Nga. Quyết định này sẽ ảnh hưởng tới hai quốc gia và các nước láng giềng. Iran nằm sát với Nga. Quan hệ hai nước rất tốt. Mỹ rút khỏi INF chỉ càng làm cho ban lãnh đạo Nga tin rằng người Mỹ không hề đáng tin, vầ dẫn tới việc Nga, Iran và các nước khác đoàn kết, cô lập Mỹ”, chuyên gia Izadi cảnh báo.

“Mỹ cũng không thể triển khai một cuộc xung đột vũ trang với Iran, vì Tehran rõ ràng sở hữu năng lực cực kỳ ấn tượng trong lĩnh vực này. Nếu Tổng thống Trump tin rằng việc rút khỏi INF sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh Iran, thì ông đã nhầm. Chính nền an ninh của Mỹ mới bị phản tác dụng”, nhà phân tích lưu ý.

Về phần mình, chuyên gia Seyed Zavari – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế - cho biết động thái của Washington về Hiệp định INF nhằm chứng minh Mỹ là một cường quốc toàn cầu có thể ra lệnh cho các quốc gia khác.

“Dưới điều kiện hiện nay, động thái rút khỏi INF của ông Trump nghĩa là văn bản đó không còn phù hợp với lợi ích của Mỹ khi Chiến tranh Lạnh đã kết thúc. Họ đang tìm những phương thức khác để nhận ra lợi ích của chính mình”, ông Zavari giải thích.

Trong khi Mỹ tố Nga vi phạm các quy định thỏa thuận là nguyên nhân dẫn đến việc rút khỏi INF, hành động gần đây của Mỹ với các thỏa thuận quốc tế khác lại cho thấy điều ngược lại. Mỹ trên thực tế tăng cường lối tiếp cận đơn phương trong chính sách đối ngoại.

Cuối cùng, nhà phân tích này nhấn mạnh mặc dù quyết định rút khỏi INF sẽ ảnh hưởng một chút tới an ninh Iran và các quốc gia khu vực, song châu Âu sẽ là bên nhận đòn giáng mạnh nhất.

“Bằng cách di dời các lá chắn an ninh khắp châu Âu và làm tăng mối lo ngại an ninh khu vực, Mỹ đang tìm cách tăng các thương vụ vũ khí bán cho châu Âu – những nước còn đang chật vật với khủng hoảng kinh tế”, nhà phân tích kết luận.

Trước đó, vào rạng sáng 21/10 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác nhận nước này sẽ rút khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân với Nga, đồng thời cáo buộc Moskva đã vi phạm thỏa thuận này.

Tổng thống Trump khẳng định Nga đã vi phạm INF trong nhiều năm. Tuy nhiên, ông không cho biết thêm chi tiết.

Ngày 22/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo Nga sẽ có những hành động cần thiết để đảm bảo sự ổn định chiến lược khi Mỹ rút khỏi INF. Nhiều nước bao gồm Trung Quốc, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Áo… đều lên tiếng bày tỏ nỗi lo ngại về ý định của Washington.

Hiệp định INF được ký kết giữa hai nhà lãnh đạo Liên Xô – Mỹ vào năm 1987 là một khoảnh khắc lịch sử khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Hiệp định quy định các bên tham gia ký kết phải phá hủy tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo có tầm phóng từ 500 đến 5.500 km. Đến giữa năm 1991, Hiệp định đã phá hủy gần 2.700 tên lửa hành trình và đạn đạo của hai nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại