Chuyên gia kinh tế trưởng và lãnh đạo chương trình của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) tại Việt Nam, ông Jacques Morisset, mới đây vừa có bài phân tích và so sánh rất thú vị với tiêu đề "Việt Nam và Cristiano Ronaldo có điểm gì chung?" được đăng tải trên trang web của Viện Brookings.
Bài viết của ông Morisset đã sử dụng hình ảnh của siêu sao bóng đá người Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo để nói về những thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam - cũng được coi là một "ngôi sao" đang lên của kinh tế toàn cầu, và điều Việt Nam nên làm để có thể tiếp tục "chơi tốt". Sau đây là nội dung (lược dịch) của bài phân tích nói trên.
Điểm chung của hai "ngôi sao sáng"
Trong nhiều năm qua, Cristiano Ronaldo được mọi người biết đến với kỹ thuật chơi bóng điêu luyện và thể lực phi thường. Khi chơi cho Manchester United, siêu sao bóng đá hàng đầu này luôn hoạt động trên khắp sân cỏ, khéo léo rê bóng qua các cầu thủ đội bạn và ghi bàn đầy khéo léo.
Hiện nay, ở tuổi 35, [Cristiano Ronaldo] vẫn có thể ghi được 3 bàn thắng trong một trận đấu mang tính chất quyết định, bởi anh ấy đã học được cách xuất hiện ở đúng nơi, đúng thời điểm. Chính nhờ việc thích nghi với điều kiện, nhịp độ trận đấu và điều chỉnh kỹ thuật cá nhân cho phù hợp, Cristiano Ronaldo vẫn là một trong những cầu thủ bóng đá hàng đầu thế giới.
Về phương diện phát triển kinh tế, Việt Nam cũng được coi là một "ngôi sao". Việt Nam không những duy trì được tốc độ phát triển kinh tế nhanh thứ 2 thế giới trong vòng 1 thập kỷ qua, mà còn nỗ lực xóa bỏ gần như triệt để tình trạng đói nghèo cùng cực - cụ thể là tỉ lệ đói nghèo cùng cực tại Việt Nam đã giảm từ 53% trong năm 1992 còn dưới 2% trong năm 2018.
Sở dĩ Việt Nam đạt được những thành tích ấn tượng như vậy, chủ yếu là bởi nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng - giống như Ronaldo khi còn trẻ và ở thời kỳ đỉnh cao thể lực. Dân số của Việt Nam trẻ, năng động, ham học hỏi và hăng say lao động; và sản xuất của Việt Nam cũng được làn gió toàn cầu hóa và chuyển đổi cơ cấu thúc đẩy.
Trong một bài viết gần đây, tôi đã phân tích về việc các chính sách quản lý đã đem lại thành công cho Việt Nam trong việc ngăn chặn dịch COVID-19, đồng thời dự đoán rằng Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những quốc gia tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong năm 2020.
Những biểu đồ chứng minh cho thành công của Việt Nam trong vòng 25 năm qua. Nguồn: Ngân hàng Thế giới, Vibrant Voetnam
Việt Nam cần làm gì để phát triển mạnh nhưng vẫn bền vững?
Nhìn về tương lai, giống như Ronaldo ở tuổi 35, nền kinh tế của Việt Nam có thể sẽ khó bứt tốc nhanh hơn. Một số động lực tăng trưởng truyền thống của Việt Nam đã bắt đầu chậm lại, và được dự đoán sẽ tiếp tục giảm tốc trong tương lai. Lợi thế về dân số của Việt Nam cũng được dự đoán sẽ phải đối mặt với tương lai già hóa.
Trong khi đó, động lực tăng trưởng xuất khẩu xem chừng cũng gặp khó trong một thế giới ngày càng khép kín - với minh chứng là thương mại toàn cầu và sự dịch chuyển dòng vốn sụt giảm.
Xu hướng tự động hóa trong sản xuất có thể lấn át lợi thế về lao động giá rẻ của Việt Nam. Bên cạnh đó, nếu "đi quá nhanh", Việt Nam cũng phải đối mặt với những rủi ro về môi trường và tài nguyên thiên nhiên, hay vấn nạn ô nhiễm tại các thành phố lớn.
Với tất cả những lí do kể trên, báo cáo gần đây nhất của WB thế giới có tựa đề "Vibrant Vietnam" (Việt Nam Sống động) đã kêu gọi Việt Nam đặt hiệu suất lên hàng đầu và trọng tâm trong chiến lược phát triển của mình. Việt Nam cần học cách không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn phải tăng trưởng tốt hơn.
Điều này đòi hỏi Việt Nam phải biết cách quản lý, sử dụng nguồn lực quốc gia một cách thông minh, cụ thể là thúc đẩy các doanh nghiệp trở nên năng động hơn, khiến các cơ sở hạ tầng đem lại hiệu suất cao hơn, người lao động có tay nghề cao hơn, và khiến môi trường có khả năng chống chọi tốt hơn trước những hoạt động sản xuất của con người và biến đổi khí hậu.
Việc đặt hiệu suất lên hàng đầu và trọng tâm thường là chuyện nói dễ hơn làm, bởi bên cạnh những khuyến nghị như cải thiện ứng dụng công nghệ, phát triển nền kinh tế số và nâng cao tay nghề của người lao động, điều này còn đòi hỏi sự thay đổi về tư duy.
Đầu tiên, Việt Nam cần giảm tập trung và việc tăng sản lượng, mà thay vào đó tăng cường tập trung vào việc tối ưu hóa việc phân bổ các nguồn lực tài chính và nhân lực cho các doanh nghiệp năng đọng nhất.
Thứ hai, Việt Nam cần chuyển đổi trọng tâm từ việc khuyến khích tiếp cận những dịch vụ cơ sở hạ tầng cơ bản sang việc khuyến khích những hành vi có trách nhiệm thông qua việc điều chỉnh thuế phí nhằm tăng cường hiệu suất, đồng thời giảm thiểu lãng phí và ô nhiễm.
Vài năm trước, Cristiano Ronaldo từng tuyên bố trước giới thể thao rằng anh muốn "tiếp tục đá bóng thật tốt và giành được thật nhiều danh hiệu. Tôi chỉ mới bắt đầu". Thực tế là siêu sao bóng đá này đã và đang nỗ lực đạt được mục tiêu ấy bằng cách không ngừng điều chỉnh lối chơi và cách tiếp cận các trận đấu.
Việt Nam đang phấn đấu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, và nếu Việt Nam bắt đầu điều chỉnh chiến lược phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả, hiệu suất, thì cũng giống như Cristiano Ronaldo, Việt Nam sẽ tiếp tục "chơi tốt" và giành được thêm nhiều danh hiệu hơn nữa trong lĩnh vực phát triển kinh tế.