Tính mở, minh bạch
Sau lễ Khởi động Hệ Tri Thức Việt số hóa (itrithuc.vn), phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP công nghệ DTT, một thành viên tham gia dự án từ những đầu.
Là một trong những đơn vị tham gia gây dựng Hệ Tri Thức Việt số hóa, ông có thể chia sẻ lại những khó khăn các thành viên đã gặp phải trong quá trình xây dựng nền tảng?
Ông Nguyễn Thế Trung: Đề án Hệ Tri Thức Việt số hóa như quyết định của Thủ tướng đã ký, mang trong mình rất nhiều mong ước, tham vọng để giúp cho tất cả người dân Việt Nam có thể dễ dàng truy cập, tiếp nhận các tri thức.
Chính vì mong ước này rất rộng lớn đã tạo ra những thách thức cho nhóm thực hiện và chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ, làm từng giai đoạn như thế nào.
Quan trọng nhất là ngay từ đầu tạo ra được những tiền đề, tuân thủ các nguyên tắc mà sau này cộng đồng, rất nhiều công ty, cá nhân có thể tham dự vào cùng.
Chúng tôi tin rằng, không thể nào có một công ty hay một nhóm công ty có thể làm ngay trong một thời gian nhất định xong được hệ thống này mà nó phải là sự nỗ lực, chung tay của rất nhiều bên.
Vì thế, thách thức ở chỗ mặc dù sẽ phải khởi động tại một thời điểm nào đó nhưng mà đây sẽ là hệ thống liên tục phát triển, liên tục mở rộng ra. Với chúng tôi, những người tham dự từ đầu, đến ngày hôm nay, cũng là một cột mốc nhưng cũng chỉ là sự khởi đầu.
Chúng tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều người chung tay cùng với những thành viên của đề án ngày hôm nay để mở rộng hệ thống, đạt được mong ước chung, mục tiêu của đề án.
Trong rất nhiều nguyên tắc, tiêu chí xây dựng đề án Hệ Trí Thức Việt số hóa này thì những người xây dựng đề án cũng như ông chú trọng nhất vào nội dung nào?
Ông Nguyễn Thế Trung: Đề án có một số nguyên tắc mà trước tiên là có tính mở, tính minh bạch, tự nguyện, bình quyền và cùng thắng lợi.
Tức là ai đóng góp như thế nào thì sẽ được hưởng tương ứng trên hệ thống này. Bởi vì, chúng tôi nghĩ rằng, toàn bộ nguyên tắc này được xây dựng trên nguyên lý là khác với những tài sản khác chia sẻ bị mất đi thì dữ liệu chia sẻ không mất đi mà chỉ có tăng thêm, giàu thêm thôi.
Để làm được những việc đó thì những nguyên tắc cụ thể như là mở, minh bạch cực kỳ quan trọng.
Chúng tôi tin rằng, khi có hệ thống mở, nhiều người đóng góp được, minh bạch sự đóng góp đó để mang lại tất cả lợi ích cho tất cả các bên thì sẽ có những sự tự nguyện tham gia và trên cơ sở đó, chúng ta cùng có lợi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các vị lãnh đạo bộ ngành, doanh nghiệp bấm nút khởi động Hệ Tri Thức Việt số hóa.
Ông có thể nói thêm về sự cần thiết của Hệ Tri thức Việt số hóa trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0?
Ông Nguyễn Thế Trung: Chúng ta đã nghe rất nhiều về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như đây không phải thời đại của dầu lửa mà là thời đại của dữ liệu.
Nhưng những câu nói thì rất dễ còn thực sự hiện nay thế giới mới sử dụng có 1% dữ liệu có và ở Việt Nam chắc nhỏ hơn.
Chưa kể, để sử dụng những dữ liệu đó không phải dễ dàng mà cần có những cách thức để tập hợp, tích hợp, chuẩn bị các dữ liệu để có thể viết các tiện ích mang ứng dụng cho mọi người.
Đề án Hệ Tri thức Việt số hóa chính là hướng đến mục tiêu đó. Cụ thể, khi chúng ta tích hợp được những dữ liệu, thông tin tản mát ở khắp mọi nơi, đưa về nhu cầu của người Việt, trong các vấn đề hàng ngày của người Việt, chính là bước đi rất thiết thực trong vấn đề hiện thực hóa cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đây là một mảng nhưng là mảng xuyên suốt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hôm nay là sự khởi đầu nên chúng tôi mong sau một năm, số người tham gia vào đây không chỉ là số người vào xem thông tin mà những công ty tham gia viết ứng dụng, Bộ ngành tham gia đóng góp dữ liệu, người dân tham gia hỏi đáp sẽ nhân lên nhiều lần.
Nếu chúng ta đi kịp được tốc độ phát triển của thế giới thì ít nhất phải nhân lên 10 lần số thành viên tham gia đề án này trong vòng 1 năm tới.
Ông Nguyễn Thế Trung.
Ai cũng có thể trở thành chuyên gia
Thế giới đã có Google, Facebook, Wikipedia... vậy việc xây dựng Hệ Tri Thức Việt số hóa có gây ra lãng phí hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Trung: Chúng tôi là những người đều dùng Google, Facebook... rất thường xuyên nên cũng phải trả lời câu hỏi này, và trả lời bằng hành động.
Cụ thể, chúng tôi đã tìm ra, trên thế giới, không phải Google, Facebook đã có thể giải quyết tất cả mọi việc mà chúng ta nhìn thấy những mô hình mới đang nổi lên như Wechat... đã dần thay thế Google, Facebook.
Bởi vì, họ tập trung cho những đối tượng và mục tiêu cụ thể hơn Facebook và Google. Có thể nói Goolge, Facebook có những nhiệm vụ kết nối thế giới lại với nhau nhưng trên sự kết nối đó chưa phải đã đủ hết nhu cầu người dùng.
Nếu mà chúng ta là một học sinh mới đi học lên Google tìm, nhận được 1 triệu kết quả tìm kiếm thì liệu đã đủ tốt để chúng ta tìm ra câu trả lời hay chưa.
Cho nên những mảng hỏi đáp, một thành phần của đề án Hệ Trí Thức Việt số hóa, sẽ giúp làm những việc đó. Thêm vào đó, khi hỏi, chúng ta sẽ biết người cụ thể trả lời, bên cạnh câu trả lời cũng sẽ được gắn kết sang các Hệ Tri Thức, ví dụ các tài liệu mở, văn bản của Bộ NN và PTNT.
Điều này, sẽ tạo ra một bộ thông tin tốt hơn cho người dùng. Tất nhiên, việc này chỉ đạt được khi bộ dữ liệu liên tục cập nhật từ các bên.
Như vậy, chúng ta cần phải có đội ngũ chuyên gia hùng hậu để làm, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Trung: Mục tiêu của đề án này không phải phục vụ cho một số chuyên gia nào đấy mà tất cả mọi người, ai cũng đều có thể trở thành chuyên gia để trả lời thắc mắc.
Ví dụ, có người dân đặt câu hỏi về báo chí, nếu bạn tham gia bạn trả lời câu hỏi đó thì cũng sẽ trở thành chuyên gia.
Ở đây, sự kết nối đó là ở tầm cao hơn và cần có sự xác tín với nhau trên hệ thống.
Ai cũng có thể trở thành chuyên gia thì liệu có quay trở lại giống với việc tìm trên Goolge như ông nói là có thể tìm ra 1 triệu kết quả?
Ông Nguyễn Thế Trung: Ở đây, lượng chuyên gia của chúng ta tập trung giải quyết những vấn đề ở Việt Nam và là những người Việt Nam, được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, tức là có những câu trả lời được xác thực.
Chẳng hạn hỏi vấn đề vắc - xin thì Bộ Y tế trả lời và câu trả lời đó là hoàn toàn đáng tin cậy. Đây là điều mà chúng ta làm được nhưng Google không làm được.
Cũng có những câu trả lời của trường ĐH Y chẳng hạn thì đó sẽ là uy tín của trường và chính những điều đó làm cho chất lượng câu trả lời tốt hơn.
Đương nhiên hệ thống sẽ phải cho phép những công cụ để đánh giá, xếp hạng câu trả lời để dễ dàng nhất cho người dùng. Việc này cũng đã và đang được làm.
Xin cảm ơn ông!
Ông Tống Việt Trung, Phó Tổng Giám đốc Viettel cho rằng, việc tiếp cận Hệ Tri Thức Việt số hóa rất đơn giản và xuất phát từ những nhu cầu phát sinh trong cuộc sống của mọi người dân.
"Do đó, mọi người đều có thể tham gia được Hệ Tri Thức Việt số hóa và chúng tôi quan niệm, câu hỏi cũng chính là tri thức.
Câu hỏi càng nhiều thể hiện nhu cầu của xã hội càng nhiều và đó cũng chính là động lực để cho các chuyên gia, nhà khoa học cùng tham gia trả lời trên đó, đồng thời, sẽ là quá trình bồi đắp dần phù sa cho nền tri thức.
Với sự tiếp cận đơn giản cộng sự sáng tạo thì nền tảng tri thức sẽ phát triển, các ứng dụng sẽ được xây dựng đơn giản, phù hợp với từng người dân trong đời sống xã hội", ông Trung nói.