Chuyên gia CIEM: Covid-19 thay đổi đáng kể cách nhìn nhận của người dân về Chính phủ

Phạm Hậu |

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế Vĩ mô đã đưa ra nhận định trên tại hội thảo "Nhận diện các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hậu COVID-19: Một số yêu cầu cải cách thể chế" diễn ra sáng 1/6/2020.

Khai mạc hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói:"Đây là lúc chúng ta nhìn nhận lại những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế để có biện pháp tháo gỡ, qua đó đưa nền kinh tế phát triển. Trong bối cảnh ảnh hưởng dịch COVID-19, các điểm nghẽn đó có thể có những biến đổi cần phải nhìn nhận rõ để tháo gỡ".

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô CIEM nói, các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Không ít đánh giá cho rằng, tác động của Covid-19 đối với kinh tế thế giới nghiêm trọng hơn so với cả thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đây và những hệ lụy này có thể kéo dài. Chuyên gia này nhấn mạnh: "Đã có chuyên gia cảnh báo khủng hoảng nợ toàn cầu do hệ lụy của các biện pháp kích thích tài khóa-tiền tệ trong thời kỳ trong và sau đại dịch COVID-19".

Về hiện trạng của Việt Nam do tác động của COVID-19, đại diện CIEM cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Quý 1/2020 thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2010- 2019. Xuất khẩu và cán cân thương mại vẫn tích cực trong các tháng đầu năm, nhưng khả năng duy trì điều này là rất khó khăn kể từ tháng 4 trở về sau.

Theo ông Dương phân tích, gia tăng giá trị trong nước không còn là yêu cầu để tạo việc làm và thu nhập, mà còn là cách thích ứng với sự vận động của chuỗi giá trị. Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ cần nỗ lực của doanh nghiệp trong nước, mà vẫn cần cách tiếp cận thân thiện và bền chặt với đầu tư nước ngoài (FDI).

Nói về một số điểm nghẽn đối với phát triển hậu COVID-19, đại diện CIEM nhấn mạnh tới điểm nghẽn về chất lượng thể chế, thể hiện ở việc triển khai Chính phủ điện tử (tiến tới Chính phủ số); hiệu quả điều phối và sử dụng nguồn lực công; phát triển bao trùm và bền vững; ứng xử với nhà đầu tư.

Theo đó, việc ứng xử với nhà đầu tư không chỉ là cắt giảm thủ tục không cần thiết, mà để thu hút FDI có hiệu quả vào các lĩnh vực quan tâm thì Việt Nam cần để ý đến ban hành các tiêu chuẩn.

Đối với vấn đề vai trò của Nhà nước, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, COVID-19 làm thay đổi đáng kể cách người dân nhìn nhận về Chính phủ. Theo đó, vai trò của Nhà nước sẽ tăng lên.

Vai trò của Nhà nước thể hiện ở chỗ quy mô hỗ trợ lớn hơn, các biện pháp hỗ trợ chưa từng có tiền lệ và phát triển bao trùm và bền vững càng trở nên nổi bật. Đồng thời vai trò của nhà nước cũng biểu hiện ở một số lĩnh vực như công nghệ, biến đổi khí hậu, y tế…

Chia sẻ thêm về một số định hướng chính sách, ông Dương có 2 khuyến nghị lớn đó là: Thứ nhất, cần tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh (tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hợp tác quốc tế liên quan). Thứ hai, cần phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid-19, bao gồm: Xây dựng và thực thi kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế; tái cơ cấu kinh tế + hoàn thiện chính sách công nghiệp+ thu hút FDI; Cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Phát triển hạ tầng (gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng số); Phát triển kỹ năng thích ứng của doanh nghiệp và người lao động; Thực hiện hiệu quả các FTA, các mô hình kinh tế mới (kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn).

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam) cho rằng, vị thế của Việt Nam sẽ khác sau dịch COVID-19. Qua đại dịch này, chất lượng quản trị của Việt Nam cũng được khẳng định. Thời gian tới, bối cảnh thế giới rất bất định, căng thẳng ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, phản ứng nhanh của Chính phủ và sự thích ứng của doanh nghiệp là quan trọng. "Doanh nghiệp Việt có sự thích nghi tốt", ông Tuấn nhận xét.

Đại diện của VCCI nói: "Chúng ta đã đi được bước dài về cải cách thủ tục hành chính, nhưng lại vấp phải vấn đề khó hơn, ví dụ như: giải quyết tranh chấp, bảo vệ tài sản. Do đó, cải cách này cần mạnh mẽ hơn, bước sang giai đoạn mới là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chứ không chỉ là tháo gỡ khó khăn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại