Gia tăng trẻ ngộ độc
Trong chương trình dự án thải độc chì cho trẻ em ở thôn Đông Mai, Chi Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên và trẻ em ở khu vực Tân Yên, Bắc Giang do ngộ độc chì, PGS TS Phạm Duệ cho biết ngộ độc chì ở trẻ em đang thực sự đáng báo động.
So với người lớn nhiễm độc chì có thể thải độc nhanh, không ảnh hưởng tới sức khoẻ nhiều nhưng trẻ em bị ngộ độc chì thì hậu quả lại rất nặng nề, ảnh hưởng tới trí tuệ, sự phát triển của trẻ.
Trên thế giới, mỗi năm có tới 600.000 trẻ bị ảnh hưởng do nhiễm chì, VN chưa có thống kê nhưng từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận rất nhiều trẻ bị ngộ độc chì.
Chỉ riêng ở làng Đông Mai, Hưng Yên đã có tới 3000 trẻ em được xét nghiệm chì và trong đó có tới 780 cháu bị nhiễm chì nặng với nồng độ trong máu trên 10 mcg/dl.
Tại làng truyền thống làm nghề ắc quy này, có những trẻ em bị nhiễm chì có những bé hàm lượng chì cao gấp 3 – 7 lần cho phép.
Mặc dù bước đầu xử lý ô nhiễm nhưng chỉ là giải pháp bề ngoài chưa thể loại được độc tố cho người phơi nhiễm.
Ngoài ra, ngộ độc chì từ thuốc cam ở Bắc Giang cũng là địa phương có số bệnh nhi ngộ độc chì nhiều nhất.
Có gia đình cả hai cháu đều bị nhiễm chì do lúc còn nhỏ sử dụng thuốc nam, có cháu thì bị nhược cơ không thể mang được đầu vì ngộ độc chì, thậm chí PGS Duệ chia sẻ có một cháu ở Hà Nội bị ngộ độc chì do sử dụng thuốc nam với hàm lượng chì lên tới 600 mcg/dl trong máu gấp 60 lần cho phép.
Theo PGS Duệ biểu hiện của ngộ độc chì với trường hợp ngộ độc cấp tính khi trẻ bị nhiễm độc chì là tăng kích thích, co giật, ngủ lịm từng lúc, hôn mê...
Các biểu hiện lâu dài cũng không điển hình, như: Chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất các kỹ năng học được, học kém.
Ngoài ra, khi nhiễm độc chì còn ảnh hưởng về tiêu hóa khiến trẻ hay bị nôn, đau bụng, chán ăn. Nhìn bên ngoài, da trẻ xanh xao, cơ thể gầy yếu do thiếu máu.
Nếu trẻ nhiễm độc ở mức độ nhẹ thì thường khó tính, dễ cáu bẳn, hay quấy, khóc hoặc bướng bỉnh, nghịch ngợm, không chịu nghe lời. Ở mức độ nặng hơn thì có thể bị liệt cơ, mềm nhũn chân tay, thiếu máu, co giật và hôn mê.
Ám ảnh mang tên thuốc nam
Theo PGS Duệ nhiễm chì từ môi trường tự nhiên rất ít và ghi nhận chủ yếu ở trẻ em là do thuốc nam. Thuốc nam vốn là bài thuốc cổ truyền của dân tộc từ xa xưa nhưng gần đây nó đã bị biến tướng.
PGS Duệ cho biết có nhiều bà lang, bà mế với những mẹt thuốc ngồi bán ở chợ không có kiểm nghiệm, không được đăng ký nhưng vẫn bán rất nhiều.
Những thuốc nam này đều chứa chì. Chì được sử dụng chữa trị viêm nên trẻ bị tưa lưỡi, bỏ bú nhiều gia đình lại đi mua thuốc nam về uống và kết quả là hàm lượng chì trong máu cao đột biến khiến trẻ bị ngộ độc cấp tính.
Trẻ nào sử dụng ít thì ngộ độc trường diễn ảnh hưởng tới trí tuệ, sự phát triển của trẻ. Có cháu học đến lớp 7 nhưng không biết kiến thức gì và xét nghiệm ra chì trong máu quá cao.
Khi trẻ đến khám, gia đình có mang theo mẫu thuốc cam và xét nghiệm thì cho thấy có đến 80% thuốc cam có chứa chì.
Hầu hết thuốc cam các gia đình dùng cho con đều mua hàng trôi nổi, không rõ xuất xứ nguồn gốc (46,8%); mua của các thầy lang hành nghề không phép và thuốc không được đăng ký (31,7%).
Qua xét nghiệm một số mẫu thuốc cam do bệnh nhân mang đến, có mẫu thuốc chứa tới 80% hàm lượng là chì, các mẫu còn lại trung bình từ 20-30% là chì.