Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai chia sẻ kinh nghiệm về cách giữ an toàn thực phẩm trong dịp Tết mà mỗi gia đình đều nên chú ý.
Chọn mua, sử dụng các thực phẩm an toàn
Không dùng các thực phẩm đã được biết có chất độc như cá nóc, cóc. Khi chọn các bà nội trợ nên chọn các thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, địa chỉ rõ ràng.
Theo Thạc sĩ Nguyên, các thực phẩm chính thức, có đăng ký với cơ quan chức năng, có thông tin đầy đủ, rõ ràng cho thấy các sản phẩm này đã được kiểm soát trong qua trình sản xuất.
Trong trường hợp bạn bị ngộ độc thực phẩm, có thể liên hệ với cơ quan chức năng, với người sản xuất để có thêm thông tin giúp ích cho việc cứu chữa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi của mình và góp phần cải thiện sản phẩm trở nên an toàn hơn.
Trường hợp thực phẩm chính thức như trên được bán với hóa đơn bán hàng cụ thể cho thấy người bán cũng chịu trách nhiệm về nguồn gốc của thực phẩm.
Giữ mọi thứ sạch
Theo Thạc sĩ Nguyên, nguyên tắc bất cứ ai cũng cần biết đó là rửa tay. Rửa tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm và thường phải rửa tay trong quá trình chế biến thực phẩm. Rửa tay sau khi đi vệ sinh.
Rửa và vệ sinh tất cả các dụng cụ, các bề mặt được sử dụng để chế biến thực phẩm. Bảo vệ khu vực bếp khỏi các côn trùng, động vật và các sinh vật gây hại.
Nên chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, được cấp phép
Mặc dù hầu hết các vi sinh vật không gây bệnh nhưng trong đất, nước, các động vật và cơ thể chúng ta lại có nhiều các vi sinh vật có thể gây bệnh.
Các vi sinh vật này có ở trên tay, trong các miếng lau chùi, các dụng cụ dùng trong chế biến và ăn uống, đặc biệt là thớt. Chỉ cần một tiếp xúc nhỏ cũng có thể truyền vi sinh vật vào thực phẩm và gây bệnh.
Để riêng rẽ thực phẩm chín với thực phẩm sống
Để thịt, cá, hải sản tươi riêng rẽ khỏi các thực phẩm khác. Sử dụng các dụng cụ chế biến riêng (ví dụ dao, thớt,...) đối với các thực phẩm tươi. Dùng các dụng cụ chứa đựng để riêng rẽ thực phẩm tươi và thực phẩm chín.
Các thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt, cá, hải sản và nước của các thực phẩm này có thể chứa các vi sinh vật gây bệnh và được truyền sang các thực phẩm khác trong quá trình chế biến và bảo quản.
Đun nấu kỹ
Đun, nấu kỹ các thực phẩm, đặc biệt là các thịt, cá, trứng, hải sản. Đun nấu các món canh, súp, hầm cho đến khi sôi để đảm bảo nhiệt độ đạt đến 70 độ C. Với thịt, cá, đảm bảo nước thịt cá hết màu hồng và chuyển sang trong. Thực phẩm cần nấu lại thì phải nấu kỹ.
Đun nấu đầy đủ có thể tiêu diệt hầu hết các vi sinh vật gây bệnh. Các nghiên cứu khoa học cho thấy đun nấu thực phẩm đầy đủ đến 70 độ C có thể giúp chúng ta có thể sử dụng thực phẩm an toàn. Các thực phẩm cần đặc biệt chú ý là các miếng thịt, cá, hải sản cỡ lớn.
Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn
Không để các thực phẩm đã nấu ở bên ngoài quá 2 giờ. Bảo quản ngay thực phẩm mới chế biến và các thực phẩm dễ ôi thiu (tốt nhất là dưới 5 độ C). Giữ cho loại thực phẩm được nấu để ăn nóng được nóng liên tục (trên 60 độ C) cho tới khi ăn.
Không bảo quản thực phẩm quá lâu, ngay cả khi để trong tủ lạnh. Không phá đông các thực phẩm đông lạnh ở nhiệt độ phòng.
Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm Chống độc bệnh viện Bạch Mai
Bởi vì vi sinh vật có thể phát triển rất nhanh chóng ở nhiệt độ phòng. Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ dưới 5 độ C hoặc trên 60 độ C giúp làm chậm hoặc làm ngừng hẳn sự phát triển của vi sinh vật. Tuy nhiên, một số vi sinh vật nguy hiểm vẫn phát triển ở nhiệt độ dưới 5 độ C.
Dùng nguồn nước sạch, lựa chọn các thực phẩm tươi sống an toàn
Sử dụng nước sạch hoặc xử lý nước cho sạch trước khi sử dụng. Lựa chọn thực phẩm tươi và sạch. Lựa chọn các thực phẩm được xử lý trước, ví dụ sữa được tiệt trùng đặc biệt. Rửa sạch rau quả, đặc biệt khi ăn sống. Không sử dụng thực phẩm đã hết hạn sử dụng.
Nước, nước đá và các thực phẩm tươi sống có thể nhiễm các vi sinh vật gây bệnh và các hoá chất. Các hoá chất độc có thể xuất hiện trong thực phẩm ôi thiu hoặc cũ.
Khi mua, người tiêu dùng cẩn thận khi lựa chọn thực phẩm tươi và áp dụng các biện pháp đơn giản như rửa sạch, gọt vỏ có thể giúp giảm nguy cơ bị bệnh.