Chuyên gia: Tiếp tục "chơi chiêu" ở vũng lầy Syria, Thổ sẽ sớm phải nhận hồi kết đẫm máu?

Hoài Giang |

Dưới sức ép của Nga và Mỹ, liệu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ duy trì được tình trạng "bằng mặt mà không bằng lòng" với phiến quân ở tỉnh Idlib của Syria được bao nhiêu lâu nữa?

Ngày 4/5, tờ Middle East Monitor đăng tải bài viết nhan đề "Turkey will soon be forced to tackle the rebels in Idlib" (tạm dịch: Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm phải đối phó với phiến quân ở Idlib) của tác giả Muhammad Hussein.

Trong bối cảnh quân sự phức tạp ở tỉnh Idlib của Syria khi cùng một lúc có tới 6 "thế lực" hiện diện (Thổ - Nga - Iran - Quân đội Syria - Phiến quân và các nhóm khủng bố), chúng tôi xin lược dịch bài viết nhằm cung cấp cho độc giả một dự đoán khá sắc sảo về tương lai khu vực.

Khu phi quân sự (DMZ) ở tỉnh Idlib: Nói thì dễ, làm mới khó?

Tháng 9/2018, rất lâu trước khi Thổ tiến hành các hoạt động quân sự nhằm chặn đứng đà tấn công của Quân đội Arab Syria (SAA) ở tỉnh Idlib tháng 2/2020, Ankara và Moscow đã ký một thỏa thuận hòa bình ở tây bắc Syria mà cho tới nay dường như đã bị tất cả các bên quên lãng.

Điều đáng chú ý là với thỏa thuận nói trên, Thổ Nhĩ Kỳ hi vọng sẽ xây dựng một Khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách phiến quân và quân chính phủ tại Idlib. Tuy nhiên để đổi lấy lợi thế này, Ankara sẽ phải có trách nhiệm loại bỏ các nhóm cực đoan trong khu vực.

Thỏa thuận năm 2018 đã bị vô hiệu hóa khi SAA tiến hành Chiến dịch "Bình minh Idlib" vào tháng 4/2019 và chuỗi sự kiện đẫm máu theo sau nó, nhưng giờ đây có thể là thời điểm để Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các điều khoản nói trên trong một định dạng khác, Thỏa thuận Moscow.

Vào tuần trước, gần như ngay sau lời khen ngợi của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga liên quan tới nỗ lực của Ankara trong việc kiềm chế các nhóm khủng bố, Đặc phái viên của Mỹ về Syria James Jeffrey cũng đã kêu gọi Thổ loại bỏ các phần tử cực đoan tại Idlib.

Đương nhiên, những "lời có cánh" dành cho Ankara không thể chứng minh bất kỳ điều gì bởi vì cũng như Mỹ và Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có lý do của riêng họ khi hành động như vậy ở thành trì đối lập lớn cuối cùng trong khu vực tây bắc Syria.

Chuyên gia: Tiếp tục chơi chiêu ở vũng lầy Syria, Thổ sẽ sớm phải nhận hồi kết đẫm máu? - Ảnh 1.

2 năm trước khi Thổ Nhĩ Kỳ phải "ngậm đắng nuốt cay" đồng thuận với Nga để tiến hành xây dựng DMZ dọc theo cao tốc M4, họ đã từng có cơ hội thực hiện một DMZ ở một khu vực có diện tích gấp rưỡi hiện tại.

Những "hòn đá tảng" ngáng đường

Song song với việc chính phủ Damascus đang có những bất đồng với các mục tiêu dài hạn của Nga ở Syria, ở về phía đối phương, một số nhóm đối lập có ảnh hưởng ở Idlib cũng đang dần trở thành những "hòn đá tảng" ngăn mục tiêu tương tự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong tháng 4 vừa qua, Hayyat Tahrir Al-Sham (HTS) (một nhóm vũ trang cực đoan bắt nguồn từ al-Qaeda và nằm dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh khét tiếng Abu Mohammad al-Julani) đã hậu thuẫn các cuộc biểu tình trên cao tốc chiến lược M4 nối thị trấn Saraqeb với tỉnh Latakia.

Mặc dù mục tiêu của các cuộc biểu tình là lên án sự hiện diện quân sự của Nga ở Idlib chứ không phải Thổ Nhĩ Kỳ, các "nhà hoạt động" đã đồng thời phản đối Thỏa thuận Moscow được ký vào ngày 5/3, tiền đề cho lệnh ngừng bắn hôm 6/3 và các cuộc tuần tra chung Nga-Thổ.

Việc phong tỏa cao tốc M4 đã khiến Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) đã phải tiến hành can thiệp trong những tuần qua và đỉnh điểm là các cuộc đụng độ giữa lính Thổ và HTS khiến một số binh sĩ TAF bị thương và 3 thành viên nhóm khủng bố thiệt mạng.

Cuộc đụng độ không những ảnh hưởng tới quan hệ giữa Ankara và HTS mà còn làm gia tăng căn thẳng giữa các nhóm phiến quân được Thổ hậu thuẫn và HTS, tạo tiền đề cho các hành động leo thang tiếp theo.

Một trong những hành động gia tăng căng thẳng của HTS là việc chúng đã ngăn một đoàn xe cơ giới của TAF tiến vào một thị trấn ở miền tây tỉnh Aleppo và nỗ lực mở một tuyến giao thương với vùng chính phủ kiểm soát, một nỗ lực chống lại mong muốn của Ankara.

Các mối liên hệ nội bộ của các nhóm đối lập ở Idlib nói riêng và miền bắc Syria nói chung từ lâu đã vô cùng phức tạp.

Các nhóm được Thổ hậu thuẫn muốn tạo ra trong khu vực một "vùng đệm", một số nhóm khác như HTS thì tỏ ra cực đoan hơn nhưng cũng đã có những cộng tác nhất định với Ankara để nhận được nguồn viện trợ đều đặn trong suốt cuộc nội chiến ở Syria và "nhắm mắt làm ngơ" cho việc TAF tiến hành xây dựng các cứ điểm trong khu vực.

Đoạn phim được tay súng HTS ghi lại về cuộc đối đầu với lính Thổ Nhĩ Kỳ tại cao tốc M4.

Tương lai ảm đạm cho vị thế của Thổ ở miền bắc Syria

Để hiểu tầm quan trọng của tình thế hiện tại, chúng ta cần xem xét những gì đã xảy ra cách đây nhiều thập kỷ ở phương đông khi Pakistan mắc kẹt trong mối quan hệ chồng chéo của lực lượng Mujahiddin suốt cuộc Chiến tranh Liên Xô - Afghanistan (1979-1989).

Liên Xô rút quân, cuộc nội chiến đẫm máu xảy ra và việc Mỹ lật đổ Taliban năm 2001 đã hạn chế sự "liên kết" giữa Pakistan với các nhóm cực đoan và hầu hết các nhóm Mujahiddin đã "quay lưng" với Islamabad.

Pakistan sau đó đã phải tiến hành một cuộc chiến chống khủng bố của riêng họ với các nhóm mà họ từng hậu thuẫn sau các cảnh báo nghiêm khắc của Mỹ. Islamabad đã bị chỉ trích vì thái độ hai mặt, dung túng cho các tay súng cực đoan ở giai đoạn trước và trở mặt ở giai đoạn sau.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với tình thế tương tự trong mối quan hệ đang dần căng thẳng với HTS và các nhóm cực đoan khác ở tây bắc Syria.

Nói cách khác, nếu TAF tiến hành "thanh lọc" các phần tử cực đoan như cách mà họ đã làm ở Afrin đối với dân quân người Kurd, có thể nó sẽ dẫn đến việc các đồng minh của họ ở Syria phải đối mặt với một cuộc "tắm máu".

Đụng độ giữa có nhóm phiến quân cũng sẽ là "cái cớ" hoàn hảo để SAA tái khởi động lại chiến dịch quân sự ở Idlib hiện đang bị đình trệ.

Chuyên gia: Tiếp tục chơi chiêu ở vũng lầy Syria, Thổ sẽ sớm phải nhận hồi kết đẫm máu? - Ảnh 4.

Mặc dù vũ trang cho các tay súng Mujahideen tham chiến trong Chiến tranh Liên Xô - Afghanistan nhưng Pakistan đã nhanh chóng đánh mất vị thế của mình vào những năm 1990 sau khi Hồng quân Liên Xô rút khỏi nước này.

Kết luận

Ở thời điểm hiện tại, Ankara được cho là đã dự đoán trước tương lai và vì vậy, họ đã hệ thống hóa trong việc xây dựng các cứ điểm trong tỉnh. Không những Thổ, HTS hiểu rất rõ điều này và hai bên đã thực hiện các cuộc đàm phán trong những ngày gần đây.

Với tính cách thực dụng của al-Julani, mối đe dọa cho kế hoạch của Ankara ở Idlib có thể sẽ đến từ các nhóm cực đoan hơn HTS như Ansar Al-Din, Ansar Al-Tawhid và Hurras al-Din - những kẻ đã công khai bác bỏ các thỏa thuận Nga-Thổ và coi TAF cũng là một lực lượng chiếm đóng.

Các phe phái cấp tiến trong HTS cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai khi mới đây một chỉ huy của khủng bố có tên Abu Al-Fath Yahya Al-Farghali đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho đối phương thông tin tình báo.

Thái độ thù địch nói trên sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng mà Ankara phải đối mặt trong tương lai gần cùng với áp lực ngày càng gia tăng từ Mỹ và Nga.

Điều này đồng nghĩa với việc Thổ sẽ dần đánh mất đi cơ hội sử dụng lực lượng quân sự này để tạo lợi thế chiến lược với Nga - Iran và Syria, đồng thời họ có thể sẽ sớm phải bắt tay vào việc "giải quyết" những kẻ nổi loạn ở Idlib.

Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân "vai kề vai" chiến đấu chống quân chính phủ Syria tại khu vực ngoại vi Saraqeb tháng 2/2020.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại