Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng sự ra đi của ông Mattis sẽ làm tăng thêm sự không chắc chắn trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn đang trở nên ngày càng căng thẳng sau một loạt các tranh chấp từ thương mại, công nghệ, cho tới địa chính trị, quân đội.
"Cựu Tướng 4 sao thủy quân lục chiến rất cứng rắn với Trung Quốc nhưng căng thẳng giữa quân đội 2 nước đã được xử lý đúng đắn và không leo thang thành xung đột hay khủng hoảng trong thời gian ông đương chức", ông Qiao Liang, Thiếu tướng Không quân Trung Quốc và là một chuyên gia quân sự cho biết.
Theo ông Qiao, mặc dù có khuynh hướng diều hâu, ông Mattis vẫn rất lý trí và là người theo đuổi các chính sách ôn hòa.
"Ông ấy nghĩ xa hơn cuộc chiến hiện tại, đánh giá bức tranh chiến lược tổng thể cùng như sự phát triển và hậu quả của nó", ông Qiao phân tích, đề cập tới kinh nghiệm của ông Mattis trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Tại Đối thoại Shangri-La hồi tháng 6, ông Mattis đã chỉ trích mạnh mẽ hành động đe dọa và ép buộc của Trung Quốc tại Biển Đông. Không lâu trước đó, ông rút lời mời hải quân Trung Quốc tham gia vào cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC 2018 sau khi viện dẫn các hành động khiêu khích của Bắc Kinh.
Ông cũng tăng cường các hoạt động tự hàng hải của hải quân Mỹ trong vùng biển tranh chấp để thách thức các yêu sách của Trung Quốc, nhấn mạnh Washington sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với Bắc Kinh.
"Tuy nhiên, ông ấy cũng cân nhắc tiếng nói của Trung Quốc trong một số trường hợp", ông Pang Zhongying, giám đốc Trung tâm nghiên cứu quản trị toàn cầu tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh cho biết.
Theo ông Pang, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là người đứng sau quyết định từ chối yêu cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi một bộ phận an ninh tới bảo vệ trụ sở mới của Viện Mỹ tại Đài Loan để tránh hành động mà Trung Quốc có thể cho là khiêu khích từ xa.
Ông Pang cũng tin rằng ông Mattis đã giúp ổn định mối quan hệ không ổn định và ngày càng xấu đi giữa Washington và Bắc Kinh. Điều này đặt ra những mối quan ngại về các chính sách mà người kế nhiệm ông sẽ triển khai sau khi nhận chức vụ mới.
Ông Qiao có cùng quan điểm này, cho rằng sự lựa chọn thay thế của Tổng thống Trump vào vị trí người đứng đầu Lầu Năm Góc sẽ quyết định mối quan hệ trong tương lai giữa quân đội 2 nước trong bối cảnh quan hệ này đang có dấu hiệu đi xuống.
"Mối quan hệ giữa quân đội với quân đội của Trung Quốc và Mỹ đang trong giai đoạn chuyển tiếp quan trọng. Trung Quốc sẽ nhớ Mattis khi ông ấy ra đi", ông Pang kết luận.