Bác sĩ BV Nhi Trung ương và BV Sản nhi Quảng Ninh vừa phối hợp hội chẩn và phẫu thuật cấp cứu cho một bệnh nhi 2 tháng tuổi bị tim bẩm sinh còn ống động mạch. Các bác sĩ cho biết, nhờ được phát hiện bệnh và sữa chữa lỗi ở quả tim kịp thời, cháu bé sẽ phát triển bình thường, không bị các di chứng của bệnh tật.
Đây cũng là ca mổ sửa chữa dị tật tim bẩm sinh đầu tiên diễn ra ở BV Sản nhi Quảng Ninh.
Ca cấp cứu cho trẻ suy tim giúp bé không còn suy hô hấp
Bé Đinh Hữu Minh P (2 tháng tuổi), thường trú tại phường Hà Phong, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, nhập viện ngày 18/11/2017 trong tình trạng khò khè khó thở, tim có tiếng thổi liên tục, có chỉ định nhập viện cấp cứu.
Kết quả xét nghiệm, siêu âm tim cho thấy hình ảnh Còn ống động mạch, đường kính phía phổi 3.3 mm, phía chủ 7.3 mm, giãn buồng tim trái. Nhận định đây là trường hợp tim bẩm sinh cần xử lý ngay, các bác sĩ Khoa Ngoại & Chuyên khoa ngay lập tức đã mời ê-kíp can thiệp cấp cứu của Trung tâm tim mạch ( Bệnh viện Nhi Trung ương) đến hội chẩn cấp cứu.
Qua hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán trẻ còn ống động mạch và chỉ định phẫu thuật tim kín đóng ống động mạch; phương pháp gây mê nội khí quản cho trẻ.
Ca phẫu thuật diễn ra nhanh chóng trong khoảng hơn 1h đồng hồ. Kíp phẫu thuật do BS Nguyễn Lý Thịnh Trường (BV Nhi Trung ương) đến trợ giúp, BS Trịnh Trương Tuyên; BS Nguyễn Văn Luyện; BS Lương Trung Kiên cùng các kỹ thuật viên BV Sản nhi Quảng Ninh thực hiện.
Các bác sĩ đang phẫu thuật tim cho bệnh nhân nhi
Các bác sĩ tiến hành mở đường ngực bên trái qua các lớp cân cơ, bảo tồn màng phổi trái. Phẫu tích qua lớp phế mạc bộc lộ quai động mạch chủ và ống động mạch. Quan sát thấy đường kính ống động mạch phía phổi khoảng 4mm, phía chủ khoảng 6mm.
Cặp thử ống động mạch huyết từ 65 mmHg tăng lên 68 mmHg, Spo2 ổn định đạt 94%; các bác sĩ tiến hành đóng ống và khâu kín ống động mạch cho trẻ.
Sau ca mổ cấp cứu, hiện tại mạch và huyết áp bệnh nhân ổn định, tim phổi trẻ đã hoạt động bình thường. Trẻ vẫn đang tiếp tục được theo dõi và chăm sóc sức khỏe, chờ ổn định hoàn toàn mới cho xuất viện.
Nếu trẻ thở nhanh, vã mồ hôi nhiều... cha mẹ cần đưa con đi khám ngay
Trao đổi với PV, BS Trịnh Trương Tuyên - thành viên kíp mổ cho biết, trường hợp bệnh nhi nói trên, khi vào viện, được thông báo mắc tim bẩm sinh thì gia đình bé mới biết. Lúc này, trẻ đã có biểu hiện suy tim, ống động mạch lớn làm cho tim giãn, vì thế trẻ thở rất khó khăn.
Nếu không được phẫu thuật sớm, hiện tượng suy tim sẽ tăng dần, đồng thời lượng máu lên phổi lớn sẽ khiến phổi ứ máu, gây viêm phổi trường diễn. Ca mổ đã thành công, cháu bé sẽ phát triển bình thường và không phải chịu di chứng của bệnh tim bẩm sinh.
Nói về bệnh còn ống động mạch, BS Tuyên cho hay, nhiều cháu khi sinh ra còn ống động mạch nhưng đa số các cháu sẽ được điều trị bằng thuốc, ống tự đóng lại (với điều kiện ống đó nhỏ). Với những trường hợp còn ống động mạch lớn, có biến chứng giãn buồng tim, suy tim thì những trường hợp đó trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ tầm 1-2 tháng có chỉ định phẫu thuật đóng ống động mạch.
Các bác sĩ khuyến cáo trẻ sau khi ra đời, cha mẹ cần để ý nếu con có dấu hiệu tím, thở nhanh (kể cả khi không bú, không vận động thể lực); vã mồ hôi nhiều… cần đưa con đến cơ sở y tế để khám sàng lọc tim bẩm sinh.
Ảnh minh họa
Có những trẻ ở tháng đầu không có biểu hiện trên, nhưng 2 - 3 tháng sau, tốc độ tăng cân chậm lại hoặc không tăng cân thì cũng cần đưa đi khám vì đó có thể là dấu hiệu trẻ bị suy tim. Lý tưởng nhất là khi mang thai, các bà mẹ đi siêu âm tim thai ở chuyên khoa tim mạch để phát hiện bệnh lý tim bẩm sinh ở thai nhi nếu có, từ đó có sự chuẩn bị và hướng xử trí phù hợp.
Hiện nay kỹ thuật phẫu thuật tim bẩm sinh đã phát triển để có thể sửa chữa những lỗi phức tạp, giúp các bé không may bị bệnh tim bẩm sinh có thể phát triển bình thường, khỏe mạnh.
Kiểm tra sức khỏe tim với bài toán đơn giản