Dấu hiệu của cơn tăng áp
Theo PGS TS Tạ Mạnh Cường – Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, tăng huyết áp được xác định khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmhg trở lên. 90% bệnh nhân tăng huyết áp không có nguyên nhân (bệnh tăng huyết áp). Lứa tuổi thường mắc là độ tuổi trung niên, nam giới thường mắc nhiều hơn nữ giới.
PGS Cường nhấn mạnh, tăng huyết áp đã trở thành mối đe dọa không chỉ đối với người dân nước ta mà còn đối với nhân dân ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, bởi tỷ lệ mắc bệnh nhiều và tỷ lệ tử vong ngày một cao do các biến chứng bệnh gây ra.
Bệnh có thể diễn biến từ từ và thường không có triệu chứng báo trước cho đến khi xảy ra các biến chứng nội tạng.
PGS TS Tạ Mạnh Cường
Tuy nhiên, PGS Cường cho biết, một số trường hợp có cảm giác nặng căng đầu, dễ bị mệt khi làm việc.
Một số trường hợp cũng có cảm giác đau đầu lan toả, váng đầu, tiếng ve kêu, nhức mắt và giảm thị lực, hồi hộp đánh trống ngực, cảm giác khó thở, chẹn ngực, rối loạn tiểu tiện, hay đi đái đêm...
Khi nghi ngờ bị tăng huyết áp, người bệnh nên đến khám tại một cơ sở khám chữa bệnh nội khoa hoặc chuyên khoa tim mạch.
Tại đây người bệnh sẽ được các bác sĩ thăm khám, đo huyết áp và làm những xét nghiệm cần thiết như xác định số lượng hồng cầu, bạch cầu, huyết sắc tố, đánh giá chức năng gan thận, đo đường máu, điện giải máu, các thành phần lipid máu, xét nghiệm nước tiểu, điện tim đồ, siêu âm tim...
Hiện nay, bệnh lý này vẫn còn là "tảng băng chìm" vì nhiều người không biết chỉ số huyết áp dẫn đến các biến chứng tim mạch đáng tiếc, đặc biệt là xơ vữa động mạch.
PGS Cường cho rằng, mỗi người cần nhớ các chỉ số huyết áp và phải theo dõi điều trị hàng ngày. Người bệnh tuyệt đối không nên có tư tưởng uống hết thuốc thấy huyết áp trở về bình thường là thôi không dùng nữa.
Cách sơ cứu khi tăng huyết áp
PGS Nguyễn Hoài Nam - Giảng viên Trường đại học Y dược TP HCM cho biết, việc sơ cứu người bị huyết áp rất quan trọng tránh các biến chứng đáng tiếc.
Cơn tăng huyết áp là tình trạng lâm sàng mà ở đó huyết áp động mạch tăng lên nhanh chóng so với huyết áp bình thường. Số đo huyết áp động mạch rất cao (HATT ≥ 180 mmHg hoặc HATTr ≥ 110 mmHg) có thể xảy ra ở bệnh nhân tăng huyết áp mạn tính nặng hoặc do cơn tăng huyết áp cấp tính. Ở bệnh nhân chưa phát hiện bệnh cũng có thể có cơn tăng huyết áp.
Theo PGS Nam, khi khuyết áp tăng cao, người bệnh cần nghỉ ngơi trong khoảng 15 phút, sau đó dùng huyết áp kế đo lại huyết áp. Người bệnh có thể dùng ngay thuốc mà bác sĩ đã kê toa trước đó.
Khi bị tăng huyết áp nên để bệnh nhân nằm nghỉ ngơi, thả lỏng cơ thể. Không nên vận chuyển ngay người bệnh sẽ làm nguy cơ tăng huyết áp càng tăng và nguy cơ đột quỵ dễ xảy ra.
Bệnh nhân nên thả lỏng cơ thể, giữ tâm lý ổn định, không nên nói nhiều, không nên quá xúc động, quá vui hoặc nóng giận. Đang trong lúc cãi nhau thì phải ngưng ngay việc cãi vã.
Người nhà cũng không nên vì quá lo lắng mà xúm lại hỏi han bệnh nhân quá nhiều. Người bệnh cũng không nên hoạt động gắng sức. Trong trường hợp huyết áp không hạ sau nghỉ ngơi thì cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.
Cần kiểm tra huyết áp thường xuyên và duy trì thuốc đều đặn
PGS Nam cho biết, nhiều người khi thấy người nhà bị tăng huyết áp họ lo lắng cho uống nước chanh, nước gừng... Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ giúp người bệnh về mặt tâm lý chứ không làm hạ áp cho người bệnh.
PGS Nam lưu ý, đặc biệt người bệnh cần tránh các thức ăn có đường khi lên cơn cao huyết áp, vì lúc này đường có thể khiến huyết cao hơn.
Người bệnh có bệnh lý tăng huyết áp cần tuân thủ mọi chỉ dẫn của thầy thuốc về chế độ ăn uống, làm việc và dùng thuốc khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp. Không được tự ý ngừng thuốc điều trị khi thấy huyết áp đã trở về bình thường khi không có ý kiến của thầy thuốc.
Thông thường thời gian điều trị tăng huyết áp rất dài, ngay cả khi huyết áp đã trở về bình thường người bệnh vẫn phải tiếp tục uống thuốc. Ngừng thuốc đột ngột có thể làm khởi phát cơn tăng huyết áp kịch phát nặng rất nguy hiểm.
Một điều cần chú ý nữa là, người bệnh không được tự mua thuốc điều trị khi không có sự chỉ dẫn và theo dõi của thầy thuốc vì tự ý dùng thuốc có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Người bệnh tăng huyết áp nên ăn giảm muối, không ăn các loại thức ăn có chứa nhiều muối như dưa muối, cà muối.
Người bệnh cũng không nên ăn các loại phủ tạng động vật như tim, gan, thận, lòng lợn, tiết canh, não, da các loại gia cầm vì những loại thức ăn này thường gây rối loạn lipid máu mà biểu hiện là lượng cholesterol, tryglycerides, LDL - cholesterol tăng cao. Rối loạn lipid máu cũng là một yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng.
Cơ chế gây biến chứng của bệnh tăng huyết áp