Theo TTXVN, ngày 17/10, tại Brussels (Bỉ), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA).
Đại tướng Ngô Xuân Lịch cùng bà Federica Mogherini ký Hiệp định FPA. Ảnh: Quân đội nhân dân
Hiệp định này đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và EU, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA).
Các nội dung được Bộ Quốc phòng Việt Nam lựa chọn để hợp tác với EU bao gồm: Thiết lập đối thoại chính sách quốc phòng với Cơ quan Hành động đối ngoại EU; đào tạo, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ và khắc phục hậu quả chiến tranh.
EU rất quan tâm đến tình hình Biển Đông
Trao đổi với báo điện tử Trí Thức Trẻ về sự kiện trên, Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean thuộc trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS) cho biết, trong số các ưu tiên của mình tại châu Á, EU xem Việt Nam như một đối tác phát triển nhanh ở Đông Nam Á, có tiềm năng đảm nhiệm các vai trò lớn lao hơn và mang tính xây dựng hơn trong tương lai.
Việt Nam còn là quốc gia ủng hộ nhiệt tình trật tự khu vực (được thiết lập dựa trên các nguyên tắc), chính sách ngoại giao quốc phòng và các hoạt động hòa bình quốc tế.
Bên cạnh đó, "khối châu Âu hiện đang chú ý nhiều hơn tới tình hình Biển Đông, đặc biệt là sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Hợp tác với Việt Nam là phương thức giúp duy trì trật tự khu vực được thiết lập dựa trên các nguyên tắc" – ông Collin nhận định.
Xử lý ảnh: Đỗ Linh
Cũng theo Tiến sĩ Collin, trong những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, như đưa bệnh viện dã chiến tới Nam Sudan, và Việt Nam đã thể hiện mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa trong tương lai.
"Trước đó một số người dự đoán thỏa thuận FPA sẽ bao gồm các hoạt động xử lý khủng hoảng Việt Nam-EU tại Biển Đông. Nhưng tôi không nghĩ vậy.
Cho đến hiện nay, chúng ta chưa thấy EU thể hiện họ muốn can dự trực tiếp vào tình hình Biển Đông, ngay cả khi một số quốc gia thành viên EU riêng lẻ đã tham gia vào Biển Đông ở những mức độ khác nhau" – ông Collin nói.
Đánh giá về tác động tích cực của thỏa thuận FPA đối với Việt Nam, ông Collin cho rằng thỏa thuận này sẽ hỗ trợ các lực lượng an ninh và quốc phòng Việt Nam xây dựng năng lực xử lý nhiều tình huống khẩn cấp hoặc thảm họa, và tăng cường những đóng góp của Việt Nam trong công cuộc gìn giữ hòa bình quốc tế.
Sự răn đe lớn đối với những phía muốn gây hấn
Cùng nhận định về vai trò đối tác của Việt Nam đối với EU, bà Rachel Ellehuus - Nhà nghiên cứu cấp cao - Phó giám đốc chương trình châu Âu tại TT Các Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) nói với Trí Thức Trẻ:
"Thỏa thuận FPA là dấu hiệu cho thấy mối quan tâm gia tăng của EU đối với châu Á, đặc biệt là vấn đề đảm bảo tự do và an ninh hàng hải ở Biển Đông.
Vai trò thành viên không thường trực của Việt Nam tại Hội đồng Bảo An LHQ (2020-2022) và vai trò chủ tịch ASEAN trong năm tới sẽ tăng cường tầm ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực.
Thỏa thuận FPA là tín hiệu cho thấy Việt Nam và EU đã chia sẻ các lợi ích chung và có mối quan hệ an ninh-kinh tế gần gũi. Đây là một sự răn đe đáng kể đối với những phía muốn gây căng thẳng".
Xử lý ảnh: Đỗ Linh
Theo bà Ellehuus, FPA sẽ cho phép Việt Nam tham gia và các hoạt động và sứ mệnh xử lý khủng hoảng của EU.
Mặc dù hiện nay EU chưa có hoạt động hay sứ mệnh nào trong khuôn khổ này ở châu Á (mới tổ chức ở châu Âu và châu Phi) nhưng FPA sẽ giúp các lực lượng Việt Nam có cơ hội tham gia huấn luyện với các lực lượng châu Âu, tham gia các khóa đào tạo hoặc tham vấn với EU về các vấn đề an ninh.
"Nếu EU quyết định tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông trong tương lai, Việt Nam có thể thông qua FPA để tham gia các hoạt động đó. Trong tương lai gần, Việt Nam có thể tham gia các hoạt động hàng hải của EU tại Địa Trung Hải (ATALANTA) với vai trò quan sát viên, để học hỏi cách thức EU giải quyết các vấn đề an ninh hàng hải" – Bà Ellehuus nhận định.