Mới đây, báo Phượng Hoàng (Trung Quốc) đăng tải bài viết của nguyên cố vấn Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc, chuyên gia tư vấn nuôi dạy trẻ Quách Du Sam, trong đó bà đưa ra lời cảnh báo đối với các bậc cha mẹ do chủ quan dẫn đến những tai nạn thương tâm cho trẻ.
1. Khi điện thoại đang xạc, nó giống như một quả mìn nhỏ
Vừa qua, tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) xảy ra vụ hỏa hoạn ngay trong phòng ngủ, cả 4 người trong gia đình đều tử vong, trong đó có bé trai 3 tuổi và bé gái hơn 1 tuổi, sự việc khiến mọi người hết sức đau lòng.
Điểm phát hỏa ngay trên đầu giường, "thủ phạm" gây ra đám cháy chính là chiếc điện thoại di động. Cái chết thương tâm của hai đứa trẻ đã đưa ra lời cảnh báo đối với bậc phụ huynh trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ.
Theo các chuyên gia kỹ thuật, hiện nay điện thoại di động chủ yếu sử dụng pin lithium-ion, tỷ lệ phát sinh nguy hiểm chỉ từ 1 - 3/100.000.000, mặc dù tỷ lệ phát sinh sự cố vô cùng nhỏ, nhưng 80% trường hợp xảy ra sự cố khi đang xạc điện thoại.
Nguyên nhân chính do khi điện thoại đang xạc, điện áp từ nguồn điện lớn hơn điện áp dự phòng, nếu cùng lúc sử dụng thêm các thao tác khác như gọi, khi đó điện áp lớn hơn gấp nhiều lần so với lúc bình thường.
Nếu sử dụng thiết bị sạc kém chất lượng hoặc điện thoại đã cũ cộng thêm môi trường ẩm ướt rất dễ bị rò điện, chập điện, người tiếp xúc sẽ bị điện giật gây nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Kiến nghị giải pháp an toàn:
- Tránh sử dụng điện thoại khi đang xạc, để xa các đồ vật tránh chập điện gây cháy nổ;
- Khi đã xạc đầy nên rút xạc ra, tránh xạc điện thoại qua đêm;
- Thường xuyên kiểm tra điện thoại và bộ xạc, không nên sử dụng xạc và pin quá cũ.
Ảnh minh họa
2. Nhận thức về việc đảm bảo an toàn là yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo vệ sinh mạng trẻ
Nếu phụ huynh không có nhận thức rõ ràng về an toàn, nguy hiểm sẽ luôn rình rập trẻ, quả thực có khá nhiều bậc phụ huynh hết sức mất cảnh giác trong việc bảo vệ con trẻ.
Chẳng hạn một số phụ huynh sẵn sàng cho con mình còn rất bé ngồi trước cầm tay lái xe máy, thậm chí cầm vô lăng lái ô tô, không đội mũ bảo hiểm cho con nhưng chạy bạt mạng, cho con ngồi trước rổ xe đạp, vui chơi tại khu vực có nhiều xe qua lại… điều này vô tình gây mất an toàn cho con trẻ.
Nhiều phụ huynh còn chiều theo ý thích của con, cho chúng ngồi cạnh ghế lái, đứng chơi tự do trong xe, hoặc thậm chí là ngồi trong lòng bố mẹ khi họ đang lái xe.
Khuyến nghị giải pháp an toàn:
- Cần tạo một khoảng cách anh toàn cho trẻ, trong cuộc sống cần giáo dục cho trẻ ý thức đảm bảo an toàn, tự bảo vệ mình trước mọi tình huống mất an toàn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào;
- Khi ngồi ô tô, tuyệt đối không để trẻ ngồi hàng ghế trước hoặc ngồi sát tay lái, tốt nhất là cho ngồi hàng ghế giữa ở phía sau, không để chúng ngồi một mình trong xe ô tô, không cho chúng thò đầu, tay ra ngoài cửa sổ khi ngồi trên xe.
- Khi đưa trẻ đi du lịch, tham quan sở thú… không nên để chúng đi quá xa khỏi tầm nhìn của bạn, bởi trẻ mải chơi có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.
- Hạn chế cho trẻ đi thang cuốn, nên đưa chúng đi thang bộ vừa đảm bảo an toàn vừa có thể giúp chúng vận động, không để chúng chơi trong thang máy, tránh xa khu vực có nhiều xe cộ qua lại, khu vực xạc điện thoại, ổ điện;
- Tại các khu chung cư cao tầng, cần để trẻ tránh xa khu vực ban công, cửa sổ, tại các khu vực có thể xảy ra nguy hiểm như hồ bơi, khu vực đông người luôn để mắt đến chúng, bởi hiện nay phụ huynh hay có thói quen vừa trông con vừa xem điện thoại.
3. Tạo môi trường sống an toàn cho trẻ có ý nghĩa hết sức quan trọng
Một số người vừa lái xe ô tô vừa cho con ngồi trong lòng, có thể phụ huynh tự tin về khả năng lái xe, tuy nhiên điều này vô cùng nguy hiểm bởi có thể trẻ làm cho bạn mất tập trung hoặc vô tình tác động đến vô lăng, gây nguy hiểm khôn lường.
Khuyến nghị giải pháp an toàn:
- Đối với trường hợp con bạn còn quá nhỏ (dưới 3 tuổi) thì giường nằm cho trẻ phải có rào chắn an toàn, độ cao phù hợp, ổ cắm điện chống giật, làm rào chắn lan can, cửa sổ (nhà cao tầng)…những việc làm trên hết sức cần thiết để bảo đảm an toàn cho trẻ.
- Các đồ vật sắp xếp trong nhà như tủ, kệ… phải kiểm tra đảm bảo độ chắc chắn, hạn chế để trẻ chơi gần khu vực đồ vật có cạnh sắc nhọn, chất liệu các loại đồ vật để trong nhà đảm bảo an toàn, khu vực ổ cắm điện cao hơn tầm với của trẻ càng tốt.
Môi trường trong nhà ở của bạn dễ gây tai nạn tiềm ẩn cho trẻ, vì vậy phải hết sức chú ý, đề phòng cảnh giác cao độ.
Với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi nên có thanh chắn giường
4. Giáo dục ý thức trẻ tự bảo vệ an toàn rất quan trọng
Việc đảm bảo an toàn cho trẻ là điều tất yếu, tuy nhiên phụ huynh không nên lúc nào cũng kè kè theo sát chúng, điều quan trọng là phải xây dựng ý thức cơ bản về vấn đề tự bảo vệ an toàn của trẻ.
Thực ra, cảnh báo những nguy hiểm cho trẻ không khó lắm, trẻ có thể dễ dàng hiểu được sự nguy hiểm, chẳng hạn khi trẻ nhìn thấy quả trứng rơi từ trên bàn xuống vỡ nát, chúng ta có thể giải thích cho trẻ rằng nếu chúng trèo lên bàn sẽ bị ngã xuống, và chúng sẽ liên tưởng ngay đến hậu quả giống như quả trứng.
Hoặc chẳng hạn khi trẻ nhìn thấy bình nước nóng, chúng ta có thể cảnh báo nguy hiểm bằng cách cho chúng sờ thử vào một cốc nước ấm, chúng sẽ dễ dàng nhận ra nguy hiểm.
Khuyến nghị giải pháp an toàn:
Trong cuộc sống thường ngày, trẻ rất thích hợp tác, thông qua các hoạt động thực tiễn, trò chơi, tranh ảnh, truyền hình… để giúp trẻ có thể nghiệm phù hợp, giúp chúng hiểu được những hậu quả của các hành vi nguy hiểm.
Việc giáo dục an toàn cho trẻ không chỉ giáo dục sau khi kết thúc giờ học, mà ngay khi sự việc đang diễn ra, những vấn đề cần chú ý, trẻ rất sẵn sàng hợp tác với chúng ta.
5. Cha mẹ không nên viện lý do để bào chữa, đã sinh ra chúng cần phải có trách nhiệm nuôi nấng, chăm lo cho con cái đến cùng
Nhiều gia đình sinh sống ở ven đường, nhiều phương tiện qua lại rất nguy hiểm, nhưng do chú trọng cuộc sống mưu sinh nên bỏ mặc con trẻ tự chơi một mình, nhiều trường hợp tai nạn đáng tiếc xảy ra do chúng còn quá bé để nhận thức được nguy hiểm.
Phụ huynh không nên viện các lý do đại loại như quá bận, không có thời gian rảnh, còn phải đi kiếm tiền… từ đó bỏ bê chúng. Khá nhiều phụ huynh khi thấy con đến tuổi đi học liền phó thác cho nhà trường, xã hội nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho trẻ, có khi chẳng biết chúng đi đâu, làm gì, đến khi sự việc mất an toàn xảy ra với chúng thì đã muộn.
Ảnh minh họa
Khuyến nghị:
Đối với trẻ vị thành niên cần tăng cường giám sát chúng, đặc biệt là đối với các cháu ở lứa tuổi học sinh từ cấp 1 trở xuống, khi chúng đi ra ngoài cần phải có người lớn đưa đi, nhất là tại các khu vực có mật độ dân cư đông, lưu lượng xe cộ qua lại lớn.
Cha mẹ quan tâm vấn đề dinh dưỡng cho trẻ là chưa đủ, cần quan tâm đến vấn đề an toàn. Nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn đuối nước thương tâm do chúng còn quá bé để nhận thức được nguy hiểm rình rập, hoặc nhiều trường hợp trẻ bị ốm, nhưng do cho mẹ bận làm ăn nên không đưa chúng đến cơ sở y tế thăm khám chữa trị kịp thời.
Trong thực tế, những ví dụ nói trên chỉ là số ít trong vô vàn vấn đề mất an toàn đối với trẻ, hầu như mọi lúc mọi nơi đều có thể xảy ra sự cố ngoài ý muốn, điều quan trọng là sau những sự cố đó, chúng ta cần nhanh chóng rút ra được kinh nghiệm đảm bảo an toàn cho trẻ tốt hơn.
*Theo Ifeng
Xem thêm:
Vì sao bố mẹ không nên cãi nhau trước mặt trẻ?