Bài viết thể hiện quan điểm của David Bandurski - Giám đốc Dự án truyền thông Trung Quốc, Giảng viên danh dự tại Trung tâm báo chí và truyền thông, Đại học Hồng Kông.
Bài học 40 năm trước
Gần 40 năm trước, vào ngày 18/12/1978, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 diễn ra tại Bắc Kinh. Sự kiện này đánh dấu việc kích hoạt chính thức chính sách "cải cách và mở cửa" của Trung Quốc và bắt đầu sự trỗi dậy phi thường như một cường quốc kinh tế toàn cầu.
40 năm sau, Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2 thế giới, khao khát trở thành người dẫn đầu trong đổi mới công nghệ toàn cầu.
Nhưng lãnh đạo Trung Quốc dường như đang có nguy cơ quên mất một trong những bài quan trọng nhất từ thời kỳ trước cải cách và Cách mạng văn hóa: đất nước chỉ có thể tiến lên khi bỏ qua những phát ngôn tự mãn và nắm lấy sự trao đổi cởi mở về ý tưởng và thông tin.
Khi quá trình cải cách bắt đầu, sự mở cửa không chỉ có ý nghĩa là mở cửa đất nước Trung Quốc với thị trường thế giới mà còn là sự tiếp thu ý tưởng bên ngoài. Điều này có nghĩa là, mở cửa với thông tin, kể cả khi đó là những thông tin "nghịch nhĩ".
Đầu những năm 1980, quá trình "cải cách thông tin" trở thành một phần quan trọng trong kế hoạch mở cửa và cải cách. Các nhà báo thảo luận cởi mở về vai trò của truyền thông.
Hàng trăm tạp chí mới xuất hiện trong những năm đầu tiên của cải cách, bao gồm cả tờ báo Kinh tế Thế giới ở Thượng Hải, vào thời điểm đó là nơi thảo luận và cho ra đời cho những ý tưởng mới về kinh tế và quản lý kinh tế.
Khủng hoảng tự tin
Tháng 4/2013, một năm sau khi ông Tập Cận Bình lãnh đạo, một danh sách những điều cấm kỵ cho các cơ quan, bao gồm truyền thông được ban hành.
Một trong những từ được ưa thích sử dụng dưới thời ông Tập Cận Bình là "năng lượng tích cực". Tại Đại hội Đảng 19, Tư tưởng Tập Cận Bình được đưa vào Điều lệ Đảng, điều chưa từng có ngoài nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông.
Ông lớn công nghệ Trung Quốc Tencent còn tung ra một ứng dụng trên điện thoại di động có tên "Clap for Xi", có nghĩa là "Vỗ tay cho ông Tập" trong suốt Đại hội Đảng, cho phép người dùng vỗ tay theo bài phát biểu kéo dài 3 tiếng của ông Tập Cận Bình bằng cách gõ vào màn hình điện thoại thông minh.
Văn hóa ca ngợi này đã nhanh chóng trở thành phản tác dụng. Trung Quốc biết quá rõ điều này từ lịch sử của chính mình. Trong suốt thời kỳ Đại nhảy vọt từ 1958 đến 1962, các quan chức địa phương đã mù quáng báo cáo thành tích đẹp của những vụ mùa bội thu, dẫn đến việc hàng chục triệu người bị chết đói trong quá trình công nghiệp hóa sai lầm.
Trong vài năm qua, chúng ta đã chứng kiến làn sóng tự tin thái quá, khẳng định rằng Trung Quốc đã có lợi thế về công nghệ so với phần còn lại của thế giới, Trung Quốc hiện đang chiếm lĩnh trung tâm của thế giới.
Một video hồi tháng 5 tuyên bố: Đừng lo lắng, sức mạnh công nghệ của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và hiện là lần đầu tiên trên thế giới.
Bộ phim tài liệu Amazing China có độ dài 90 phút được phát hành vào tháng 3, với những lời khen ngợi về thành tựu khoa học và công nghệ, cơ sở hạ tầng và hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc kể từ khi ông Tập Cận Bình lên lãnh đạo nhanh chóng trở thành phim tài liệu có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Trong những tháng gần đây, khi bị cuốn vào cuộc chiến thương mại với Washington, Bắc Kinh đã cố gắng dập tắt sự cường điệu về thành tích kinh tế và công nghệ.
Ngay cả bộ phim Amazing China cũng được rút khỏi các giá đĩa, và trong một loạt các bài bình luận vào tháng 7, tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cảnh báo những cạm bẫy từ các phát ngôn khoe khoang và kiêu ngạo.
Trong thực tế, bầu không khí khen ngợi vẫn tiếp tục. Trong một cuộc họp của các quan chức tuyên truyền vào cuối tháng 8, ông Tập Cận Bình đã tái khẳng định sự đúng đắn của các chính sách tuyên truyền và nói rằng các phương tiện truyền thông phải liên tục tạo ra những tác phẩm tốt đẹp.
Một trong những bài học quan trọng nhất trong 40 năm qua, đã được khẳng định ngay khi bắt đầu cải cách và mở cửa: Sự tiếp thu những ý tưởng mới và thông tin đáng tin cậy là nền tảng của sự năng động về kinh tế và xã hội.