LTS: Suy thận mãn tính hiện nay ngày càng tăng và đang có xu hướng trẻ hóa do lối ăn uống thiếu kiểm soát, thói quen ít vận động, stress… Sự chủ quan không có ý thức bảo vệ hai quả thận, đã khiến cho rất nhiều người phải trả giá đắt.
Để giúp cho mọi người cảnh giác hơn với căn bệnh suy thận mãn tính, chúng tôi xin gửi tới quý độc giả tuyến bài: Đừng phá hỏng thận bằng sự chủ quan!
Sức khỏe tốt làm việc ầm ầm, không lo nghĩ tới bệnh tật
Cách đây 4 năm, anh T.V.Ch (43 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn luôn tự mình có sức khỏe tốt, không ai sánh bằng, anh Ch có thể làm việc gấp 2 lần người khác mà không thấy mệt mỏi.
"Tôi ăn được, ngủ được, khỏe mạnh và làm việc ầm ầm. Nên tôi chưa bao giờ nghĩ, tôi sẽ mắc bệnh ở cái tuổi đang làm ăn", anh Ch chia sẻ.
Vào một buổi sáng, anh Ch dậy và đi ăn sáng như thường ngày, sau khi ăn sáng xong anh Ch về nhà cảm thấy đau đầu, đau bụng. Cơn đau đầu và đau bụng ngày càng tăng anh đã tới Trung tâm y tế gần nhà điều trị.
Các triệu chứng mỗi ngày nặng hơn, anh Ch đã xin chuyển tuyến tới bệnh viện Bạch Mai. Tại Bệnh viện Bạch Mai anh Ch được bác sĩ chẩn đoán bị tăng huyết áp và suy thận độ 2.
"Tôi điều trị và uống theo thuốc được 4 năm, giờ phải chuyển sang chạy thận lọc máu chu kỳ", anh Ch nói.
Theo anh Ch, thận của anh hỏng nhanh phải chuyển sang chạy thận nhân tạo có thể do anh không kiêng cữ hoàn toàn trong ăn uống. Đôi khi vui với bạn bè, anh vẫn uống rượu và ăn uống không kiểm soát.
Hiện tại, anh Ch đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, 3 lần/tuần anh bắt xe bus lên bệnh viện chạy thận.
Anh Ch tâm sự: "Giờ cuộc đời tôi sẽ là bản án chung thân với bệnh viện. Bệnh tật của tôi là sự trả giá cho việc không nghe theo lời cảnh báo, kiêng khem trong ăn uống của bác sĩ".
Anh Ch đã chạy thận lọc máu chu kỳ được 8 tháng.
Còn trường hợp của chị N.T.L (38 tuổi, Hà Nội) đang điều trị lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện Bạch Mai, trước đó chị L, đã được bác sĩ cảnh bảo về căn bệnh tăng huyết áp, nhưng chị đã chủ quan do không thấy sức khỏe bị ảnh hưởng.
Trong một lần chị L làm việc gắng sức, chị cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, đau đầu. Lúc đầu, chị L nghĩ là do đau đầu qua loa nên đã tự mua thuốc về uống. Tuy nhiên, đau đầu tăng tới khi không chịu được chị L đã được gia đình đưa đi khám.
Bác sĩ thông báo với gia đình, chị L đã bị suy thận giai đoạn cuối và tăng huyết áp. Nếu chị L không được lọc máu sẽ chắc sẽ tử vong, do tình trạng bệnh lý của chị khá nặng.
Giật mình với những con số bệnh thận của người Việt
Ths.BS Nguyễn Đăng Quốc, Phó Trưởng khoa Thận Tiết niệu, Trưởng đơn vị đơn vị Thận nhân tạo, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, hiện nay 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới suy thận là do hậu quả của bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường.
Thay đổi lối sống cách ăn uống đã làm thay đổi mặt bệnh thận cũng thay đổi. Nếu như trước kia suy thận mạn tính là do viêm cầu thận, thì nay tỷ lệ thấp, đã giảm. Thì nay bệnh nhân thận mạn tính chủ yếu là do các nguyên nhân vô khuẩn, đái tháo đường, cao huyết áp.
"Theo một nghiên cứu cắt ngang trên 220 bệnh theo dõi trong 6 tháng/2019 thì số bệnh nhân suy thận do đái tháo đường chiếm 26,8%, tăng huyết áp 33,6%, viêm cầu thận mãn chỉ 25,5%...", bác sĩ Quốc nói.
Trung bình bệnh nhân suy thận mạn phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần.
TS.BS Nguyễn Vĩnh Hưng, Phó Chủ tịch Hội thận Hà Nội cho biết, hiện trên thế giới ước tính có khoảng 500 triệu người đang có vấn đề về bệnh lý mãn tính ở thận; khoảng 3 triệu người bệnh đang sống nhờ các biện pháp thay thế.
Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức, song ước tính có khoảng 5 triệu người bị suy thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới. Số bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu là khoảng 800.000 người, chiếm 0,1% dân số.
Trung bình một người bệnh để duy trì sự sống phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần. Một năm bệnh nhân chạy thận nhân tạo tiêu tốn từ 100 - 150 triệu đồng. Đây không chỉ là gánh nặng cho người bệnh, cho gia đình mà còn trở thành gánh nặng cho toàn xã hội.
GS. BS Phạm Gia Khải, Nguyên Chủ tịch Hiệp Hội Tim mạch Việt Nam cho hay, tăng huyết áp làm cho các mạch máu bị co lại, tình trạng tăng huyết áp kéo dài sẽ làm tổn thương phá hủy các mạch máu trong cơ thể.
Trong đó, bao gồm mạch máu nuôi dưỡng tiểu thể ở cầu thận dẫn tới thiếu máu cung cấp tới thận. Thiếu máu kéo dài sẽ gây tổn thương thận và diễn biến thành suy thận mạn tính.
Để tránh biến chứng suy thận do tăng huyết áp cần phải thực hiện uống thuốc và điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tăng huyết áp không chỉ gây tổn thương thận mà còn dẫn tới tổn thương tim nếu không được kiểm soát.
Bài tiếp theo: Người trẻ đang "phá huỷ" thận do lối sống cuốn vào bia rượu và những bữa thịnh soạn
Đọc thêm bài cùng tác giả Ngọc Minh, tại đây.